Quảng NinhVẫn có trên dưới 200 xe hàng đang đi qua cửa khẩu Móng Cái mỗi ngày. Một quy trình đặc biệt được thiết lập để bảo vệ đường biên.
Móng Cái – một trong những cửa khẩu lớn nhất với tâm dịch Trung Quốc – là điểm nóng sớm của Covid tại Việt Nam. Đường biên được siết chặt chỉ sau Tết Nguyên đán 2 ngày. Các hoạt động xuất nhập khẩu giữa Móng Cái và thành phố Đông Hưng tạm ngừng từ ngày 31/1. Người nhập cảnh Việt Nam từ ngày 1/2 phải cách ly 14 ngày.
Trạm biên phòng Cửa khẩu quốc tế Móng Cái quản lý chính thức 2,139km đường biên. Nhưng ở nơi mà mật độ giao thương cao bậc nhất biên giới phía Bắc, hai cây số ấy chứng kiến đủ cấp độ cảm xúc, gánh đủ dạng áp lực của cuộc đại chiến.
Tháng 2 là những ngày cửa khẩu đón dòng người từ Trung Quốc trở về, lẫn lộn buồn vui. Thượng úy Bùi Thế Trọng, Phó trạm trưởng trạm biên phòng Cửa khẩu quốc tế Móng Cái vẫn nhớ hình ảnh một người phụ nữ 40 tuổi bật khóc khi qua được biên giới. Nước bạn cách ly, đóng băng mọi hoạt động, chị đã đi bộ 15 cây số trên đất Trung Quốc để tìm được xe đến cửa khẩu.
Ngày 13 tháng 2, sau cân nhắc của cả Việt Nam và Trung Quốc, hoạt động xuất nhập khẩu được phép khôi phục ở Móng Cái. Tới thời điểm đó, khắp biên giới phía Bắc đã tắc hàng nghìn xe hàng, nông sản đã bắt đầu trượt giá và nhiều cơ sở sản xuất trong nước đã bắt đầu thiếu nguyên liệu. Nhưng lúc này, những người kiểm soát cửa khẩu đối mặt với một nan đề: việc giám sát phòng dịch cho lái xe, chủ hàng Trung Quốc vào Việt Nam và ngược lại là bất khả thi.
Một chiến lược "vùng đệm" được thiết lập, với một đội ngũ lái xe riêng trung chuyển xe hàng qua biên giới. Đội lái xe này, hiện có 114 người, được cấp thẻ theo dõi, chỉ tiếp nhận xe ở đầu này và lái sang đầu kia, là các cư dân của chính Đông Hưng và Móng Cái, được cấp giấy chứng nhận âm tính với nCoV và được giám sát y tế liên tục.
Trước khi lái xe chở hàng qua cầu Bắc Luân 2 để xuất khẩu hàng hóa, lái xe được kiểm tra y tế, mặc đồ bảo hộ theo quy định. Khi lái xe chở hàng sang đến cửa khẩu phải ngồi trên xe hoặc xuống xe thì vào khu cách ly. Họ không được ra khỏi khu vực bãi kiểm hóa.
Đến những ngày cuối tháng 3 và đầu tháng 4, khi cả nước thực hiện chỉ thị 15 và 16, khắp nơi lấy "ở yên tại chỗ" làm tiêu chí sống; Móng Cái vẫn hoạt động. Cầu Bắc Luân 2 và một cầu phao tạm trên sông Ka Long vẫn mở cửa thông quan từ 7h đến 18h hàng ngày.
Hơn hai cây số mà Đồn biên phòng Cửa khẩu Móng Cái phụ trách mang hai loại áp lực trái ngược. Suốt một dọc bờ sông Ka Long, nhiệm vụ thứ nhất của họ là không được để ai lọt qua đường biên trái phép. Nhưng ở hai chiếc cầu, đặc biệt là cầu Bắc Luân 2, nhiệm vụ tối quan trọng khác với nền kinh tế, là tạo điều kiện cho trên dưới 200 chuyến xe qua lại mỗi ngày.
Báo cáo tình hình kinh tế xã hội Quý I/2020 của Tổng cục Thống kê cho thấy xuất khẩu Việt Nam vẫn chưa phải chịu "cú sốc" từ Covid-19. Ngay cả với ngành hàng từng có tín hiệu gặp khó và phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc là nông sản, vẫn xuất siêu 2,9 tỷ USD, tăng gần gấp rưỡi so với cùng kỳ năm trước.
Hai ngày sau khi biên giới mở cửa trở lại cho hàng hóa thông quan, sáng 15/2, thượng úy Trọng nhận được tin vợ vừa sinh con gái. Đó là đứa con thứ hai mà anh không có mặt bên cạnh vợ khi sinh. Khi cháu đầu lòng ra đời, anh cũng đang làm nhiệm vụ ở Bà Rịa Vũng Tàu. Anh đã định dành phép để về, nên ở lại đồn từ Tết, nhưng dịch bệnh khiến người cha lại một lần thất hẹn. Khi nhận điện báo tin vợ sinh, trước mặt anh bộ đội vẫn là hàng nghìn công dân từ Trung Quốc nhập cảnh đang chờ được hướng dẫn làm thủ tục y tế.
Thượng tá Tạ Viết Phong, Chính trị viên đồn tâm sự rằng các chiến sĩ đang "làm việc 24/24" dù cửa khẩu chỉ mở từ sáng đến chiều. Nhiệm vụ chính của bộ đội ở cầu Bắc Luân 2 là hỗ trợ đo thân nhiệt, kê khai y tế với lái xe và công nhân. Mỗi ca có 14 chiến sĩ. Họ thường xuyên đi kiểm tra từng xe một.
Giữa tháng 4/2020, thông qua sự đóng góp của độc giả và nhiều doanh nghiệp, Quỹ Hy vọng của báo VnExpress đã gửi tới các trạm biên phòng trên địa Móng Cái một chuyến hàng gồm 500 bộ đồ bảo hộ y tế, 300 mũ cá nhân chống giọt bắn, 33 chiếc lều dã chiến và đặc biệt là 3 cabin khử khuẩn – thiết bị quan trọng với các đồn do tính chất tiếp xúc thường xuyên với người, xe đến từ vùng có dịch.
Trong tháng 5, Quỹ Hy vọng sẽ tiếp tục phối hợp với nền tảng TMĐT Lazada để tiếp tục kêu gọi sự chung tay đóng góp từ cộng đồng, nhằm góp sức hỗ trợ các người anh hung thầm lặng trong cuộc chiến chống Covid-19.
"Chúng tôi rất trân trọng và khâm phục những sự hy sinh, cố gắng quên mình của các y bác sỹ và các chiến sỹ ở tuyến đầu chống dịch. Đó là lý do chúng tôi đã và đang nỗ lực hết mình để chia sẻ bớt gánh nặng với các anh, thông qua việc chung tay bảo vệ cộng đồng, duy trì việc làm, và hỗ trợ củng cố nền kinh tế Việt Nam – đó là tất cả những ưu tiên hàng đầu của Lazada trong thời điểm hiện nay" - ông James Dong, Tổng Giám đốc Lazada Việt Nam khẳng định.
Góp sức nhỏ xây vành đai chống dịch
Cuộc chiến đẩy lùi Covid-19 đang phát huy hiệu quả khi nhiều ngày liên tiếp Việt Nam không phát hiện ca nhiễm mới và có thêm nhiều ca bệnh được điều trị thành công nhưng những y bác sỹ, chiến sỹ bộ đội vẫn miệt mài làm việc tại các đường biên giới, các trung tâm cách ly ở vòng ngoài để ngăn không cho dịch bệnh xâm nhập và bùng phát trở lại
Hãy cùng Quỹ Hy vọng và Lazada chung tay góp sức hỗ trợ cho họ trong chương trình quyên góp trực tuyến "Chung tay chống dịch Covid-19". Tất cả số tiền đóng góp từ nay đến hết tháng 5 sẽ sử dụng để hỗ trợ các y bác sỹ, chiến sĩ trong cuộc chiến chống lại đại dịch Covid-19.
Để tham gia quyên góp trực tuyến, cộng đồng có thể thực hiện theo hướng dẫn sau:
- Truy cập trực tiếp vào chuyên trang Quỹ Hy vọng trên Lazada
- Tại trang đóng góp của Quỹ Hy vọng, cộng đồng nhấn chọn mức đóng góp mong muốn.
- Tiến hành thanh toán trên Lazada thông qua hình thức thanh toán trước bằng thẻ ngân hàng, thẻ tín dụng hoặc ví điện tử eM.
Thông tin chi tiết tải ứng dụng Lazada hoặc truy cập website: www.lazada.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét