Trong bài viết cho VnExpress, cựu tuyển thủ Nguyễn Quang Hải - biệt danh "Hải Gà" kể về những va vấp trong sự nghiệp trước khi trở thành người hùng giúp Việt Nam vào chung kết AFF Cup 2008.
Tôi không bao giờ quên buổi trưa hôm ấy: 26/11/2007.
Sau buổi tập sáng ở sân bóng đá trung tâm Công an TP HCM, HLV Alfred Riedl và trợ lý Nguyễn Văn Hiệp gọi tôi ra nói chuyện riêng. Tôi linh tính có chuyện chẳng lành vì đội đã đến ngày chốt quân đi SEA Games 2007. Thật không may, tôi là người được chọn để... ở nhà.
Các bạn biết đấy, tôi đã 22 tuổi, xem như không còn cơ hội nào để dự SEA Games. Trời trưa nóng như đổ lửa, mà tôi thấy mình như rơi vào một hố băng tăm tối. Rồi tôi bật khóc như một đứa trẻ. Tôi lủi thủi xách giày về phòng, cố gắng để không trở nên thảm hại, vậy mà hai hàng nước mắt cứ rơi. Tiếng cười của những đồng đội được chọn như những vết dao cứa vào tim tôi. Họ chụp ảnh lưu niệm trước khi lên đường sang Thái Lan để chinh phục giấc mơ vàng SEA Games. Nhưng bức ảnh đó không có tôi.
Tôi khóc vì buồn, thất vọng và cả một chút tức giận. Khi HLV Alfred Riedl gọi bổ sung, tôi vừa tỏa sáng tại giải U21 quốc gia với danh hiệu Vua phá lưới. Tôi cũng được bầu là cầu thủ hay nhất giải U21 quốc tế năm ấy. Được triệu tập, tôi đặt mục tiêu phải có tên trong danh sách đi Thái Lan. Những tuần tập trung ở Hà Nội, tôi đã hòa nhập tốt. Tôi tập luyện chăm chỉ, cố tỏ ra hòa đồng. Trong trận giao hữu với U23 Zimbabwe, tôi còn ghi bàn giúp đội thắng. Tôi nghĩ mình đã nỗ lực hết sức, mình đang có phong độ cao, kiểu gì cũng được dự SEA Games. Đó là giải đấu tôi từng mê mẩn theo dõi qua TV, là nơi ghi dấu những người hùng đàn anh như Hữu Đang, Huỳnh Đức, Hồng Sơn..., và tôi đã đến rất gần rồi.
Nhưng HLV Riedl không chọn tôi, và trên báo, thầy giải thích: "Đúng là Quang Hải chơi tốt ở giải U21. Nhưng cậu ấy 22 tuổi, tất nhiên phải chơi tốt hơn những người mới 19 tuổi. Tôi đã có ba tiền đạo tốt là Công Vinh, Thanh Bình, Anh Đức. Tôi chọn thêm Tiến Thành vì cậu ấy vừa đá tiền đạo, vừa đá được tiền vệ ".
À ra thế. Vậy mà trước đó thầy bảo là mê cái "que trái" của tôi lắm. Ở tuổi 22, tôi rút ra bài học lớn về sự chấp nhận.
Không được khoác áo đội U23, tôi bèn chuyển hướng qua một ước mơ lớn hơn: khoác áo đội tuyển quốc gia dự AFF Cup. Trở về Nha Trang trong sự sẻ chia của gia đình, bằng hữu, tôi quyết tâm đạt được mục tiêu. HLV Hoàng Anh Tuấn đã cho tôi nhiều lời khuyên thật sự hữu ích. Thầy nói: "Trong bóng đá, có những cầu thủ rất giỏi nhưng chưa chắc hợp với lối chơi của một tập thể. Thầy tin năng lực của em. Huống chi em còn trẻ, cơ hội còn rộng mở nếu em biết cố gắng, biết phấn đấu và không gục ngã". Rồi thầy cho tôi về nghỉ ngơi, trước khi trở lại tập luyện như trâu như ngựa cùng CLB Khánh Hoà.
Trời không phụ lòng người, sau một năm miệt mài chăm chỉ, thi đấu và ghi bàn liên tục cho Khánh Hòa, tôi được HLV Henrique Calisto gọi lên đội tuyển chuẩn bị cho AFF Cup 2008. Ngày biết mình được gọi, tôi lại bật khóc. Mẹ chọc tôi con trai gì mà mít ướt. Nhưng mẹ ơi, cùng là nước mắt, nhưng nước mắt của thất vọng và nước mắt của hạnh phúc khác nhau xa lắm.
Tôi đã lỡ hẹn với SEA Games, tôi phải chiến bù ở AFF Cup. Nhưng rồi mọi thứ lại diễn ra không như ý. Tôi cứ lạc nhịp thế nào đó trong lối chơi của đội tuyển. Để cải thiện, tôi cần phải thi đấu nhiều hơn và tự điều chỉnh. Nhưng hết lần này đến lần khác, HLV Calisto đều thất hứa với tôi. Cứ hôm nào ông hứa sẽ cho tôi vào sân, thì hôm sau tôi lại dự bị. Trận đấu với Thái Lan tại giải T&T Cup, thầy hứa cho tôi đá nhưng rồi ném tôi lên tận khán đài làm khán giả.
Con gà chiến đang máu me hăng tiết, nay lại bị nhốt trong chuồng, bó giò bó cẳng, nhìn đồng bọn và đối thủ của mình lao vào nhau. Đấy là một cảm giác thật sự khủng khiếp. Và khi tức giận, người ta không còn suy nghĩ thấu đáo nữa. Sau trận đấu, tôi xông lên phòng Calisto, xin rút tên khỏi đội và trở về Hải Phòng. Trái với sự tức giận của tôi, thầy lạnh lùng nói: "Cậu đang nóng, tôi không tiếp cậu. Hãy về phòng suy nghĩ lại, nếu sáng mai còn muốn về, tôi sẽ cho cậu toại nguyện".
Tôi về suy nghĩ, và vẫn quyết tâm sẽ rời đội. Trong lúc HLV Calisto suy nghĩ thì Tổng thư ký VFF Trần Quốc Tuấn xuất hiện. Vốn là đồng hương Khánh Hòa, anh Tuấn khuyên tôi: "Việc có mặt ở đội tuyển là một vinh dự mà cầu thủ nào cũng mơ ước. Em hãy gạt bỏ cái tôi, mặc cảm để ở lại".
Đấy cũng là một buổi trưa. Trên đường trở về phòng, tôi nghe một tiếng gà. Tiếng gà gáy trưa nghe khô khốc, chứ không mang hùng tâm mạnh mẽ như tiếng gà chào đón bình minh. Nhưng trong giây phút nghe tiếng gà ấy, tôi nhớ về con gà chiến của mình.
Bây giờ, tôi sẽ kể cho bạn nghe lý do vì sao mình có biệt danh là Hải "Gà".
Tôi mê đá gà vô cùng - một thứ đam mê nằm sâu trong tiềm thức không cách chi lý giải được. Khi đám bạn cùng trang lứa ở xóm chài Nha Trang chơi lò cò, bắn bi, thì tôi đã mê mẩn lũ gà. Nhưng nhà nghèo, tiền ăn còn không đủ, lấy đâu tiền mua gà. Tôi chỉ biết nhìn ké, chơi ké với mấy người anh. Thấy tôi mê gà và nghèo kiết xác, một người anh tặng tôi chú gà ô, lông đen, chân trắng. Tôi mê con gà đầu tiên của mình hơn hết thẩy mọi thứ trong đời. Cứ buông tập vở ra là tôi ôm gà. Mẹ mà không cản, tôi còn muốn ôm nó lên giường ngủ.
Con gà có thể dạy nhiều điều, nếu ta thật sự để tâm. Tôi nhớ con gà xám chân vàng mà mình vô tình phát hiện trong một lần đá gà. Ông chủ gà dắt theo nhưng không cho nó đá. Ông bảo nó đá dở ẹc, nên ai mua, thì bán ngay với giá 700.000 đồng. Quá rẻ, nếu bạn biết sau này tôi từng được trả giá mấy chục triệu cho một con gà chọi.
Chẳng ai thèm chú ý đến con gà "bảy trăm ngàn" ấy, trừ tôi. Tôi nhìn thấy trong ánh mắt của nó sự dũng mãnh, máu chiến. Tôi quyết định sẽ mua nó. Nhưng không thể để lộ cho đối phương thấy sự "máu me" của mình kẻo người ta đổi ý, tôi bảo ông chủ hãy chăm sóc nó thêm 10 ngày rồi sẽ quay trở lại lấy. Ngày ôm con gà "bảy trăm ngàn" trong tay, tôi cảm nhận được nguồn sinh lực bên trong cơ thể đang cuồng chân của nó. Tôi thấy lửa trong ánh mắt của nó.
Và rồi tôi cho nó thử giao chiến với những con gà lực lưỡng nhất trong đàn của mình. Và nó... xử đẹp tất cả. Nó tấn công mà không thèm phòng thủ, nó đá như chưa bao giờ được đá. Và con gà xám chân vàng ấy đã chiến thắng rất nhiều trận đấu sau đó. Người chủ ngày xưa tất nhiên đã không thể tin được nó chính là con gà "dở ẹc" mà ông ấy từng muốn đẩy đi.
Trước AFF Cup 2008, tôi chính là con gà "dở ẹc" đó. Con gà bị nhốt trong chuồng, con gà bị coi thường, con gà bị hoài nghi. Và tôi chợt dậy lên quyết tâm: phải chứng minh cho tất cả thấy họ đã sai lầm khi đánh giá thấp "gà chiến" Quang Hải.
Và tôi rút lại ý định về lại Khánh Hòa. Tôi tiếp tục chiến đấu và chờ đợi thời cơ. Hết trận này đến trận khác, tôi chờ đợi và chờ đợi. Việt Nam vào bán kết AFF Cup, gặp đương kim vô địch Singapore. Lượt đi trên sân nhà hòa 0-0, và chúng tôi phải đá lượt về trên sân khách. HLV Calisto nói: chỉ cần hiệp một Singapore không ghi được bàn, chúng ta sẽ đánh bại họ trong hiệp hai.
Hiệp một ở Singapore vẫn không có bàn. Sự tự tin toàn đội tăng dần. Hiệp hai trôi qua được 5 phút, 10 phút rồi 15 phút. HLV Calisto tung tôi vào sân. Tôi thầm nghĩ: thời cơ của mình đây rồi. Tôi thấy mình như một con gà chiến, chỉ muốn xông vào dùng cái cựa sắc nhọn của mình hạ gục đối thủ.
Chỉ năm phút sau khi vào sân, tôi ghi bàn duy nhất trận đấu, đưa Việt Nam vào chung kết.
Sau này, tôi mới biết, HLV Calisto ít sử dụng tôi ở các trận đấu, nhưng chưa từng định gạt tên tôi. Thầy cho tôi dự bị, hoặc ném lên khán đài chính là để kiểm tra sự kiên nhẫn của tôi. Thật may, tôi đã vượt qua "bài trắc nghiệm" ấy.
Sau khi ghi bàn duy nhất giúp Việt Nam loại Singapore, tôi tiếp tục phải ngồi dự bị khi Việt Nam hạ Thái Lan để lên ngôi vô địch. Khi các đồng đội tôi ăn mừng chiến công lịch sử, HLV Calisto đến ôm tôi và nói: "Tôi xin lỗi cậu. Với những gì cậu đã thể hiện ở bán kết, cậu xứng đáng có mặt ở trận chung kết này. Nhưng chúng ta có cầu thủ chấn thương, và tôi không có lựa chọn khác".
Tôi nhớ mình đáp lại rằng: "Con đã trưởng thành rồi. Và giờ hãy cùng nếm trải vinh quang này".
Phải, một cầu thủ rất giống một con gà chọi. Có tiềm năng là rất tốt, nhưng chưa đủ. Con gà và một cầu thủ trẻ cần rất nhiều sự rèn luyện, cần dinh dưỡng tốt và cần một tâm lý vững vàng. Nhưng gà chọi chỉ chiến đấu một mình, còn cầu thủ phải chiến đấu cùng đồng đội. Khi đeo huy chương lên cổ nhà vô địch, người ta không chỉ trao cho 11 cầu thủ đá chính mà trao cho cả những cầu thủ dự bị, những vị trợ lý, những săn sóc viên. Vì mỗi thành viên đều góp phần tạo nên vinh quang.
Từ một người bị gạt bỏ, tôi trở thành "người hùng". Tôi có tiền xây nhà cho mẹ, xây nhà cho mình và mua những con gà mà mình thích. Sau bao nhiêu lần vấp ngã, tôi luôn vịn bóng đá để đứng dậy.
Và dù bóng đá hôm nay có một tài năng lớn cùng tên: Nguyễn Quang Hải của CLB Hà Nội, nhưng Hải "Gà" quê Khánh Hòa cũng đã có một câu chuyện của riêng mình để kể.
Tôi đang làm bóng đá cộng đồng cùng với Cao Sỹ Cường tại Khánh Hòa. Và tôi sẽ dạy cho các em bài học lớn nhất của đời mình: Hãy bền chí. Vì trong người ta luôn có một con gà chọi, chờ ngày cất cao tiếng gáy.
Cựu tuyển thủ Nguyễn Quang Hải
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét