Cà Mau cho bơm 160.000 khối bùn, cát lấp khoảng 4,5 km kênh dọc đê biển Tây, đoạn qua huyện Trần Văn Thời, để ngăn chặn sụp lún đang phức tạp.
Dự án có vốn đầu tư 50 tỷ đồng, do Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cà Mau làm chủ đầu tư, nhằm bảo vệ đoạn đê Kênh Mới - Đá Bạc ở xã Khánh Bình Tây, có chiều dài tương ứng. Triển khai từ cuối tháng 3, đến nay tổng khối lượng bùn cát bơm lấp kênh đạt khoảng 50% khối lượng.
"Từ khi có lượng bùn, cát nhất định, tình trạng sụp lún đê không tái diễn", ông Tô Quốc Nam, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nói và cho biết nguyên nhân dẫn đến tuyến đê bị sụt lún là do bị mất phản áp của nước.
Ông Nam lý giải do năm nay mùa khô khắc nghiệt đã làm mực nước trong kênh ven đê cạn kiệt, tạo độ chênh lệch khoảng cách ba mét giữa lòng kênh đến chân đê. Trong khi thân đê lại rất nặng và phía dưới có túi bùn nên dẫn đến sụt lún.
"Việc đưa bùn, cát vào tạo lại phản áp là giải pháp hữu hiệu nhất hiện nay, có cơ sở từ thực tế và được nhiều chuyên gia góp ý", ông nói và cho biết các đơn vị thi công đang gấp rút để công trình hoàn thành vào cuối tháng 5, trước mùa mùa bão.
Ông Nguyễn Quốc Đoàn, Chủ tịch UBND xã Khánh Bình Tây cho biết đây là đoạn kênh cụt hiện bị cạn nước. Khu vực này thưa dân, bình thường rất ít ghe xuồng qua lại nên không ảnh hưởng lớn đến giao thông thủy khi san lấp.
Đoạn đê biển Kênh Mới - Đá Bạc đang là điểm nóng sụp lún ở Cà Mau. Hồi giữa cuối tháng 2, khoảng 300 m đê, bề ngang 7 m tại khu vực này sụp lún nặng nề, có nơi sâu 2 m. Sau đó, toàn bộ đoạn đê xuất hiện nhiều vết nứt, mặt đường bị xê dịch; giao thông ách tắc.
Công trình đê biển Tây Cà Mau dài gần 110 km, nằm trên địa phận các huyện Trần Văn Thời, Phú Tân và U Minh. Tuyến đê có vai trò chiến lược trong quốc phòng, an ninh và ngăn mặn để bảo vệ vùng ngọt hóa hơn 100.000 ha đất sản xuất phía Bắc Cà Mau và hệ sinh thái rừng tràm U Minh Hạ.
Khánh Hưng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét