Thứ Hai, 6 tháng 4, 2020

Trung tâm cách ly không một bộ đồ bảo hộ

Hà TĩnhNhững cán bộ xã Mỹ Lộc chưa bao giờ nghĩ mình sẽ phải điều hành cả một trung tâm cách ly. Găng tay y tế còn là thứ xa xỉ ở vùng trung du này.

Trước làn sóng hồi hương của hàng nghìn lao động về từ Lào và Thái Lan, những trung tâm cách ly cấp xã được khẩn cấp thành lập để chống quá tải ở tuyến trên. Bắt đầu từ ngày 22/3, trường mầm non xã Mỹ Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh đón hàng trăm người hồi hương.

Ông Nguyễn Thế Nghĩa, trạm trưởng y tế Mỹ Lộc bắt đầu khám cho những người trở về khi còn chưa có đủ găng tay. Khẩu trang vừa mua bằng tiền túi. Họ cũng không có một bộ đồ bảo hộ nào. "Tôi khám mà tay run, sau đó cố lấy lại bình tĩnh, trấn an bản thân cố gắng vì việc chung", ông Nghĩa nhớ lại.

Cũng buổi sáng 22/3, cách nơi ông Nghĩa đang đón người hơn 400 km, tại Đà Nẵng, một cô gái 24 tuổi được xác định dương tính với nCoV – trở thành bệnh nhân 122 của Việt Nam. Trần Thị Oanh làm phục vụ trong một quán bar tại Bangkok. Ba ngày trước khi về nước, Oanh đến gặp một bạn đồng nghiệp quê ở Nghi Lộc, Nghệ An để chia tay. Người này về nước qua cửa khẩu Cầu Treo, và sau này trở thành bệnh nhân 146.   

Cô bạn Nghệ An còn một đồng nghiệp khác, cùng ăn ở làm việc tại quán bar bên Bangkok. Đó là một người quê ở Mỹ Lộc. Trong buổi sáng ấy, những thành viên tổ y tế Mỹ Lộc, chỉ mới ba tuần trước còn đang sống đời viên chức làng quê, lương tháng có vài triệu, không biết rằng họ chuẩn bị đón con virus đáng sợ nhất hành tinh lúc này.

Trong tổng hành dinh của trung tâm cách ly xã Mỹ Lộc. Ảnh: Đức Hùng.

Trong "tổng hành dinh" của trung tâm cách ly xã Mỹ Lộc. Ảnh: Đức Hùng.

Trung tâm cách ly xã Mỹ Lộc ra đời chỉ trong 48 tiếng đồng hồ. Bảy giờ sáng ngày 20/3, ban chỉ đạo Covid-19 của xã Mỹ Lộc nhận lệnh từ huyện về việc đón 202 người dân từ Thái Lan và Lào về cách ly. Bốn mươi cán bộ xã họp khẩn cấp trong buổi sáng, chia ra 4 nhóm: ban chỉ đạo chung, tổ y tế, bảo vệ và hậu cần.   

Ông Nguyễn Thế Nghĩa làm tổ trưởng y tế. Ba mươi năm làm nghề, chưa bao giờ ông đối mặt với một nhiệm vụ trọng yếu của quốc gia như lần này. Nhiệm vụ chính của một trạm y tế cấp xã chỉ là các công tác y tế dự phòng, công việc không quá bận, ông Nghĩa ngày thường còn có thời gian giúp vợ trồng rau, nuôi gà. Giờ họ chỉ có 48 tiếng để thành lập một "trung tâm cách ly" dành cho nhóm người có nguy cơ cao nhất: những lao động Việt Nam về từ nước ngoài.

Ở Hà Tĩnh, việc sang Lào hay Thái Lan kiếm sống từ lâu đã trở thành một lựa chọn phổ biến cho người dân những xã thuần nông như Mỹ Lộc. Địa hình trung du, năng suất lúa thấp, khắp Mỹ Lộc là những mảnh ruộng bỏ không, người trong xã đã tha hương tìm sinh kế.

Đa phần sử dụng chính sách miễn visa du lịch của nội khối ASEAN để ở lại nước bạn, lao động phổ thông hoặc bán hàng. Theo ông Nguyễn Sĩ Lương, chủ tịch xã, người Mỹ Lộc chủ yếu rủ nhau đi Thái Lan. Tại đó, trên những con phố sầm uất của Bangkok, không khó tìm thấy một người Hà Tĩnh đang bán hàng rong hay làm phục vụ.

Những làn sóng hồi hương bắt đầu dồn dập từ giữa tháng Ba, với hàng trăm người Việt Nam nhập cảnh mỗi ngày qua cửa khẩu Cầu Treo. Các khu cách ly cấp huyện, xã được gấp rút thành lập.

"Trung tâm cách ly Mỹ Lộc" thực chất là ngôi trường mẫu giáo được trưng dụng. Trường là công trình cách xa khu dân cư, trước và sau đều là đất ruộng. Một giờ chiều ngày 20/3, các thành viên ban chỉ đạo Covid-19 của Mỹ Lộc tới trường mầm non. Ba dãy nhà với gần 30 phòng, trong đó có hai dãy nhà cấp bốn, một dãy nhà hai tầng mới xây. Bên trong, bàn ghế, đồ chơi của học sinh sắp xếp lộn xộn, ngổn ngang, nhiều mảng tường ẩm thấp, nước thấm.   

Trưởng trạm y tế Mỹ Lộc, ông Nguyễn Thế Nghĩa. Ảnh: Đức Hùng.

Trưởng trạm y tế Mỹ Lộc, ông Nguyễn Thế Nghĩa. Ảnh: Đức Hùng.

Giường, chăn màn, vật tư y tế không có; đến bình nước cũng không. Trong tay "ban chỉ đạo" thậm chí còn không đủ khẩu trang – vật dụng tối thiểu để phòng dịch. "Quyết toán sau", chủ tịch xã tuyên bố. Bốn mươi cán bộ xã xắn tay vào sắp xếp. Họ xếp hàng trăm chiếc phản làm giường; tự bỏ tiền túi mua găng tay, khẩu trang, chăn màn, nước uống.

Sáng 22/3, sáu mươi lao động từ Lào và Thái Lan được chở đến cổng trường mầm non. Bảy thành viên tổ y tế của ông Nghĩa làm nhiệm vụ thăm khám sức khỏe cho người dân trước khi vào nhận phòng, trong khi bản thân chưa được trang bị đồ bảo hộ, găng tay.

Những ngày tiếp theo, huyện đã cấp thêm cho xã các vật tư như khẩu trang, máy đo thân nhiệt. Nhưng áp lực còn nhiều. Khoảng sân gần lối ra vào của trường bố trí một chiếc giường, phía trên che bạt, là nơi các bộ ngồi trông coi, kiểm soát người ra vào. Phòng bảo vệ và hai phòng học khác được đặt giường và trải phản để cán bộ nam nghỉ. Cách trường khoảng 200 m là Trạm Y tế xã Mỹ Lộc, là nơi ngủ của các cán bộ nữ.

Hàng ngày tổ y tế phải thức dậy từ 5h, tới 18 phòng đo thân nhiệt cho người cách ly, nếu phát hiện trường hợp nghi nhiễm nCoV sẽ báo cáo lên cấp trên, đề xuất đưa đi xét nghiệm. 17h, mọi số liệu trong ngày được cập nhật để gửi về phòng Y tế huyện Can Lộc. Buổi tối, dù ít việc hơn, nhưng tất cả đều phải trực, đến 23h mới dám chợp mắt.   

Với ban chỉ đạo chung, tổ an ninh, hậu cần, thành viên đa số là nam. Vào đầu giờ sáng, trưa, tối làm nhiệm vụ nhận cơm, đồ ăn từ nhà hàng chở đến để phát cho 202 người, bản thân cũng dùng bữa ngay tại điểm cách ly. Ngoài ra, họ còn kiểm soát người ra vào, kiểm đếm vật tư y tế nhà chức trách đưa đến, chia nhau mỗi tốp 3 người trực ca 3 tiếng vào buổi tối, bắt đầu từ 23h. Đến 6h hôm sau thì trở lại trực tập trung.

Ngày 31/3, các thành viên trung tâm cách ly Mỹ Lộc phát hiện ra dấu hiệu nghi nhiễm ở một cô gái 26 tuổi. Cô được đưa đi xét nghiệm, và trở thành bệnh nhân 210. Đó là người đã tiếp xúc gần với bệnh nhân 146.

Bệnh nhân 210 đã ở tại trung tâm cách ly Mỹ Lộc từ ngày 22/3 đến ngày 31/3. Ba mươi hai người ở dãy nhà với bệnh nhân 210. Tám y bác sĩ tiếp xúc gần. Sự hoang mang xuất hiện. Người thân lo lắng. Người làng nghi ngờ.

Phải tới chiều ngày 1/4, Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Tĩnh mới lấy được mẫu xét nghiệm của tất cả những người có liên quan đến bệnh nhân 210. Mất thêm một ngày nữa, 70 mẫu lấy tại Mỹ Lộc mới được chính thức công bố là âm tính.

Ngoài lo lắng lẫy nhiễm vì thiếu kiến thức phòng dịch, cán bộ xã còn gặp khó khăn khi người cách ly bất hợp tác, chống đối, khai báo y tế miễn cưỡng, không trung thực. Nhiều cá nhân khi được hỏi đã nổi cáu, to tiếng với lực lượng chức năng.

"Khi họ to tiếng thì tôi nhún nhường, nói đây là việc chung của cộng đồng, một sự thiếu hợp tác sẽ tạo bất an cho xã hội. Nhiều người khi nghe thuyết phục đã tỏ thái độ dễ chịu hơn rồi nghe theo sự sắp xếp của cán bộ", ông Lương cười. Vị chủ tịch xã nói qua đợt dịch này, ngoài chuyên môn quản lý, ông được trải nghiệm thêm một nghề là "chuyên gia tâm lý"

Bà Thẩm, thành viên tổ y tế, nhà cách điểm cách ly chưa đầy 1 km, song một tuần qua chưa được về. Mỗi ngày bà chỉ kịp gọi hai cuộc điện thoại cho chồng, dặn không nên lo lắng. Hoặc đôi khi là một dòng tin nhắn gửi cho con: "Ở đây mẹ vẫn ổn!".

Đức Hùng

Ngày 6/4, Quỹ Hy vọng - báo VnExpress đã hỗ trợ UBND xã Mỹ Lộc 400 bộ quần áo bảo hộ, 500 khẩu trang vải chống giọt bắn, 30 hộp găng tay y tế, 40 mũ cá nhân chống giọt bắn và 45 lít dung dịch rửa tay. Sữa Cô gái Hà Lan tặng trung tâm cách ly xã Mỹ Lộc 200 thùng sữa, hãng URC tặng 1.000 chai trà xanh và Suntory Pepsico tặng 100 thùng nước giải khát. Hoạt động nằm trong chiến dịch "Chung tay cho Tuyến đầu chống dịch" do Quỹ Hy vọng phát động. Chương trình vẫn đang nhận sự hỗ trợ từ độc giả,

Thành viên Quỹ Hy vọng mặc đồ bảo hộ cho cán bộ trung tâm cách ly Mỹ Lộc ngày 6/4.

Thành viên Quỹ Hy vọng mặc đồ bảo hộ cho cán bộ trung tâm cách ly Mỹ Lộc ngày 6/4.

Let's block ads! (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét