Chia sẻ với VnExpress, Phạm Đức Huy – tiền vệ của CLB Hà Nội và đội tuyển Việt Nam - nhấn mạnh tầm quan trọng của gia đình, tình bạn với Đỗ Duy Mạnh và kế hoạch tương lai.
- Nhắc tới Phạm Đức Huy, người hâm mộ sẽ không chỉ nhớ tới một cầu thủ bóng đá mà còn cả những "câu nói bất hủ" trên mạng xã hội. Có vẻ, khiếu hài hước là thương hiệu giúp Đức Huy khác biệt với những cầu thủ khác?
- Tôi dùng mạng xã hội để giải trí sau những giờ tập luyện và thi đấu. Cho nên, lên mạng, cái đầu tiên tôi muốn là vui. Phải vui thì mới chơi. Thứ hai, tôi muốn gần gũi với mọi người. Không gian mạng không có biên giới. Là người của công chúng, tôi thấy mình cần gần gũi, mang lại tiếng cười và năng lượng tích cực cho cộng đồng.
Bản thân tôi không phải người trau chuốt, tính tình hơi "tưng tửng". Nói không quan tâm thì hơi quá nhưng thực sự không nặng nề truyền thông hay chú trọng làm hình ảnh đâu. Tôi vô tư nên tự dưng mọi người lại thấy nó là hay, thành một kiểu riêng.
- Hình tượng Đức Huy xây dựng mang tới niềm vui cho cộng đồng nhưng cũng có thể khiến anh mất đi những quyền lợi kinh tế, ở khía cạnh khai thác quảng cáo trên trang cá nhân. Giả dụ, có một nhãn hàng tìm tới đúng lúc Đức Huy gặp khó khăn tài chính, nhưng yêu cầu hợp tác là anh phải thay đổi giọng văn, viết status đúng kịch bản, hợp với tập khách hàng của họ. Anh sẽ giải quyết vấn đề thế nào?
- Tôi sẽ làm việc theo trình tự. Trước hết, tôi sẽ đề nghị họ lên kịch bản nhưng nội dung, cách hành văn là do tôi tự quyết. Nhưng nếu phương án này không qua được đồng ý, tôi lại rất cần tiền lúc đó để giúp đỡ gia đình, thì tôi sẽ thay đổi. Trên đời này, không có gì vượt qua được gia đình. Vì gia đình, tôi sẽ thay đổi. Vì gia đình, tôi sẽ hy sinh sở thích cá nhân. Vì gia đình là gốc rễ, là cội nguồn, là căn nguyên của mọi vấn đề trong cuộc sống. Không chỉ là chuyện kinh tế.
Cuộc đời tôi đã trải qua nhiều biến cố, tận mắt chứng kiến cảnh nhà vỡ nợ, mẹ oằn lưng gồng gánh, làm đủ thứ nghề vực dậy cả nhà. Bố mẹ có thể hy sinh cho con cái thì con cái cũng có trách nhiệm làm vậy.
- Nhưng cuộc sống là tập hợp của những bất ngờ và sai số. Đã bao giờ, Đức Huy bị đặt vào tình huống một bên là gia đình, một bên là lựa chọn bản thân nhưng đi ngược với mong muốn của bố mẹ?
- Tôi may mắn hơn nhiều người là từ nhỏ tới giờ luôn được toàn quyền đưa ra quyết định, tự lựa chọn điều mình mong muốn. Lúc gia đình hoàn cảnh, bố mẹ cũng bảo "Con muốn đá bóng hay về đi học, bố mẹ cho con chọn". Chưa một ai trong gia đình áp đặt cuộc sống, bảo tôi rằng con phải trở thành người thế này thế kia, phải làm nghề này nghề kia. Bạn có tưởng tượng nổi mấy nhà dám cho đứa trẻ bé tí tự lên kế hoạch tương lai? Nhà tôi là thế, đời mình phải do mình vạch ra, định hướng chứ không ai làm giúp được.
Ngay cả khi hết tuổi đào tạo trẻ, bạn bè ăn tập cùng từ bé rơi rụng hết, tôi đã sống trong thời kỳ phải cố xác định xem mình muốn gì vì bóng đá chuyên nghiệp mà, rất khắc nghiệt. 18 tuổi rồi, quay đầu đi học cũng chẳng kịp, bước tiếp mà không có năng lực xuất sắc thì càng dở hơn. Bấy giờ, nếu biết mình không đủ giỏi thì chỉ có rẽ ngang, bước ra bươn chải trong xã hội thôi. Đi đá bóng là lựa chọn của tôi, không tham khảo hay phụ thuộc ai cả.
- Chứng kiến cảnh bạn bè bỏ nghề, anh nghĩ sao?
- Thú thật, có giai đoạn tôi thấy chạnh lòng, thấy hụt hẫng. Bạn bè sống với mình từ nhỏ, giờ nhìn chúng nó ra ngoài, tìm đủ cách mưu sinh, rồi có đứa còn vào tù ra tội. Nhưng sau đấy, tôi phải xốc lại tinh thần để còn bước tiếp.
Tôi không thấy đời bóng ngắn ngủi. Không phải tôi không hiểu khái niệm "ngắn" về mặt thời gian, nhưng đặc thù nghề nghiệp là thế rồi, đâu cần tôi hay ai phải thấy. Quanh đi quẩn lại đã 34-35 tuổi, ai thể chất không tốt thì 30 tuổi phải nghỉ rồi. Thậm chí, có người mới chập chững lên chuyên nghiệp gặp chấn thương nặng, hỏng sự nghiệp luôn.
Đã xác định đi đá bóng, xác định sống với cái nghề này thì phải hiểu từ lúc nhỏ là thời gian của đời cầu thủ chỉ đến thế thôi. Phải nắm rõ bản chất công việc để tự mình điều chỉnh, vì ngay từ đầu quy luật của trò chơi là như thế. Tôi không thấy nghề này nó ngắn, tôi chỉ thấy nó bạc.
- Mới 25 tuổi, vừa ký hợp đồng chuyên nghiệp đầu đời, nhưng Đức Huy được đánh giá là người kiên định, lại ăn nói lưu loát. Những điều ấy có sẵn trong con người anh, hay do rèn luyện?
- Người ta thường nói bên trong một con người gai góc là nhiều tính cách phức tạp. Tôi nghĩ rằng, tập thể nào thì con người ấy, tính cách mỗi người là phản chiếu của môi trường họ sống, sinh hoạt cùng. Tôi hài hước vì từ nhỏ đã luôn sinh hoạt trong những tập thể có nhiều người hài hước, lấy tiếng cười làm niềm vui, động lực vươn lên. Tôi trưởng thành sớm vì từ nhỏ đã tự lập. Tôi hoạt ngôn, biết ăn nói có lẽ là do gen của bố mẹ.
Nhưng tôi cũng không khéo léo lắm đâu. Tôi có thể tâm sự, luyên thuyên, dốc ruột gan với người thân quen nhưng lại lười ra ngoài, giao tiếp mở rộng với người lạ. Nhiều người mới tiếp xúc đều nhận xét tôi là đứa khó gần. Tất nhiên, khéo ăn khéo nói, giao tiếp tốt là lợi thế. Đó là kỹ năng rất quan trọng trong cuộc sống. Tôi vẫn bị ấn tượng với bìa cuốn sách "Khéo ăn nói sẽ có được thiên hạ".
- Ngại nói chuyện với người lạ, lười mở rộng quan hệ, vậy Đức Huy kết bạn bằng cách nào?
- Cảm nhận đầu tiên rất quan trọng. Tôi luôn tin vào cảm nhận và niềm tin của mình. Có những người tôi gặp lần đầu, không biết là ai, nhưng cảm thấy là người tốt nên tôi trò chuyện và chơi tới tận bây giờ.
- Tức là Đức Huy tin vào "tâm sinh tướng"?
- Câu đó không hẳn đúng. Người ta đến với nhau trong cuộc đời trước là vì chữ "duyên", nhưng không thể lao ra đường, nhìn xem ông nào trông "tốt tốt" rồi bập vào được. Đúng là cảm nhận đầu tiên quan trọng, nhưng khi bắt đầu một mối quan hệ bạn bè, tôi cũng có cách đánh giá, kiểm tra xem người đấy là ai, có đáng tin không. Rồi sau đó thì anh em đi ăn uống, café nói chuyện, hợp nhau, quý mến nhau thật sự và đáng tin thì mới chơi. Thấy không ổn thì cắt, vậy thôi.
- Nói về tình bạn, có một chi tiết ít người để ý. Trong phần "Thành viên gia đình" trên Facebook, Đức Huy đặt chế độ cho hai người, một trong số đó là Duy Mạnh. Tình bạn của hai người bắt đầu từ bao giờ?
- Bọn tôi cùng tập với nhau từ bé, cùng đi lên các lứa trẻ của CLB rồi các cấp đội tuyển quốc gia. Duy Mạnh hơi nhỡ nhàng vì ban đầu tập cùng lứa của Quang Hải, nên Duy Mạnh coi tôi như anh trai. Kỷ niệm vui thì nhiều, nhưng có những ký ức buồn mà chúng tôi không bao giờ quên, coi đó là động lực để phấn đấu.
Đấy là khi tôi và Duy Mạnh bị loại khỏi danh sách U19 Việt Nam năm 2014. Mọi người biết đấy, ngày đó, U19 là ước mơ của những cầu thủ sinh cùng thời. Tôi đón nhận chuyện đó bình thản, nhưng Mạnh và mẹ thì sốc. Tôi là người thẳng tính nhưng khó gần, còn Duy Mạnh là người dễ tính, luôn quan tâm mọi người.
Đón nhận chuyện đó ở bước đi đầu đời không dễ dàng chút nào. Vì thế, bọn tôi sau này đi đâu làm gì cũng có nhau. Khi đứng trước các quyết định quan trọng hay mua bán gì đó, anh em đều tham khảo ý kiến nhau. Lúc Mạnh mua xe cũng hỏi tôi 'Anh thấy em có nên lấy xe này không?'.
- Như anh kể, Duy Mạnh có thể xem như một người bạn tâm giao với anh?
- Có thể nói là tri kỷ. Có người mất cả đời không tìm được tri kỷ, lúc muốn giãi bày tâm tư tình cảm cũng chẳng biết nói với ai. Giữ bí mật trong lòng là điều khó chịu nhất trên đời. Bởi chỉ có nói thật thì chúng ta mới không phải nhớ là từng nói gì.
- Thân nhau như thế vậy khi Duy Mạnh lấy vợ, anh có hụt hẫng hay thấy mất đi thứ gì đó trong cuộc đời không?
- À (cười), đúng là người có gia đình rồi thì sinh hoạt phải khác, không thể bù khú thâu đêm suốt sáng như đời trai trẻ độc thân được. Nhưng thiếu thì tôi không thấy vì bọn tôi vẫn ở chung một đội, tôi bốc máy "Alo anh đang ở đây" là Duy Mạnh tới ngay. Hơn nữa, Duy Mạnh có một tính thế này, từ trước khi lấy vợ cơ chứ không phải là có gia đình mới thế, ấy là đi chơi đâu thì tới một giờ nhất định cũng về nhà. Mạnh-chưa-vợ và Mạnh-có-vợ về cơ bản vẫn vậy.
- Có thể thấy, Đức Huy là người suy nghĩ logic, quan điểm sống rõ ràng. Nhưng một quan điểm chuyên môn bóng đá để cho thấy có một sự phi logic trong sự nghiệp của Đức Huy. Cái tên James Milner có khiến anh liên tưởng tới điều đấy?
- Tôi biết Milner và tôi chia sẻ nhiều điểm chung, nhất là sự xông xáo, nhiệt tình và sự đa năng trong phạm vi thi đấu. Cả hai chúng tôi đều thành danh từ vị trí tiền vệ trung tâm nhưng thường xuyên hy sinh, chơi ở vị trí hậu vệ biên không đúng sở trường. Milner từng nói, nhờ đa năng nên anh ta có thể kéo dài sự nghiệp, nhưng cũng vì đa năng nên không vị trí nào quá nổi bật để có một sự nghiệp quốc tế như ý muốn. Thực tế, cũng nhiều người từng nói với tôi sự đa năng sẽ mang tới "tác dụng phụ".
Nhưng một lần nữa, tôi muốn quay lại phần trước của cuộc nói chuyện để thấy cái phi logic nó lại... logic đến mức nào. Đây nhé, tính cách của tôi vốn xuề xòa dân dã, không quá quan tâm bản thân. Nếu tập thể cần và sự hy sinh của mình có thể giúp tập thể tiến lên, tôi sẵn sàng. Vì sao ư? Vì có phải là tập thể đạt thành tích, mình cũng hưởng lợi đúng không? Tập thể phải thành công thì cá nhân mình mới có bước tiến.
Với lại, tôi tự nhận thấy sự nghiệp của tôi lúc này tốt. Ít nhất thì tôi được thi đấu, làm được những điều mình muốn cho bản thân và gia đình.
- Nếu được chọn theo ý thích, Đức Huy sẽ chọn chơi tiền vệ biên – vị trí khởi nghiệp trong màu áo U19 hay tiền vệ trung tâm – vị trí đưa anh tới đỉnh cao tại Thường Châu 2018?
- Có việc này ít ai biết. Tôi từng gặp một chấn thương cổ chân rất nặng ngay trước thềm SEA Games 2017, giải đấu chú Nguyễn Hữu Thắng làm HLV trưởng. Dư âm của chấn thương ấy tới bây giờ vẫn còn nguyên. Tôi phải cuốn băng trắng cả lúc tập lẫn khi thi đấu.
Đá tiền vệ biên đòi hỏi cầu thủ sử dụng cổ chân rất nhiều. Cơ địa của tôi không còn được như trước để chơi hay nhất ở vị trí tiền vệ biên, vì nó cần sự lắt léo, liên tục bứt tốc độ. Tất nhiên, công lực của nó cũng là một chín một mười thôi, nhưng bây giờ tôi cảm thấy thoải mái với vị trí tiền vệ trung tâm.
Nếu để đá thả cửa, tôi vẫn đá tiền vệ cánh bình thường. Nhưng càng lớn, càng cọ xát nhiều tôi càng nghiệm ra điều này, ấy là muốn thành công phải biết thích nghi. Giả như cổ chân tôi có liền lại 100%, tôi cũng không bao giờ đá theo phong cách ngày xưa nữa.
Trẻ thì hùng hục lao vào, đá bằng sức, nhưng già đi, có tuổi hơn, thì đá bằng kinh nghiệm vậy. Giống như cuộc sống, không phải là chuyện mình thích thế nào, mà phải chọn cái gì là phù hợp với mình nhất.
Mọi người hay bảo tôi phải hy sinh, phải đá nhiều vị trí. Nhưng với tôi, đấy chẳng những không phải vấn đề, trái lại còn là điều kiện thuận lợi. Được thử nghiệm nhiều vị trí, tôi sẽ biết ưu - nhược điểm của từng vị trí, biết vị trí nào đòi hỏi tốc độ vị trí nào đòi hỏi sự già dơ. Để sau này, khi có tuổi, tôi sẽ nhận ra nên chuyển sang chơi dưới vai trò nào tiết kiệm được thể lực để kéo dài sự nghiệp.
Ai cũng thích là ngôi sao, được tập thể phục vụ, nhưng nếu tôi chưa đủ giỏi để được tập thể phục vụ thì tôi sẽ sắm vai "người phục vụ". Không sao cả, miễn là có kết quả tích cực.
- Các đồng đội như Văn Hậu đã sang Hà Lan, Quang Hải được liên hệ với nhiều CLB ở Thái Lan, Nhật Bản... Anh nghĩ thế nào đến việc ra nước ngoài thi đấu?
- Bên cạnh chuyên môn bóng đá, tôi nghĩ có hai thứ bắt buộc cầu thủ Việt Nam phải thích nghi. Một là ẩm thực, trừ châu Á thì ở đâu cũng hao hao nhau, chứ châu Âu là chuyện khác. Cái quan trọng hơn ăn uống là ngoại ngữ. Bản thân tôi, ví dụ như muốn đi nước ngoài, phải biết tiếng Anh.
Chuyện biết tiếng Anh không chỉ phục vụ đời đá bóng, là câu chuyện cả cuộc đời sau này. Kiểu gì tôi cũng phải học và giao tiếp được. Không biết tiếng Anh thì du lịch nước ngoài thế nào? Tôi nhớ lần đi cùng đội tuyển sang nước bạn, khách sạn phát cho mình thẻ từ vào phòng. Anh em nhỡ tay dập cửa khi chưa rút chìa, nhưng xuống lễ tân cứ ú ớ, ù ù cạc cạc chẳng biết mô tả thế nào để người ta cho mình thẻ mới. Biết tiếng Anh quan trọng ở chỗ đấy.
Sắp tới, CLB Hà Nội sẽ mở lớp tiếng Anh cho cầu thủ, mỗi tuần một buổi tối. Như thế là đội đã nghĩ rất xa cho cầu thủ, trang bị tri thức cho từng người sau giải nghệ.
Còn bản thân tôi, khi hợp đồng với CLB Hà Nội còn sáu tháng, có hai hoặc ba CLB ở Việt Nam và một CLB nước ngoài liên lạc, tiến hành đàm phán theo quy định FIFA. Nhưng tôi không hề dao động, đấy là tôi nói thật lòng. Tôi quyết định gắn bó với CLB Hà Nội, vì đây là môi trường đào tạo, cho tôi cơ hội thi đấu và cho tôi chạm tới những thành công như hiện nay.
- Các đội bóng lớn trên thế giới rất quan tâm tới các hoạt động xã hội, đưa cầu thủ tới gần với khán giả. Ở nhiều nơi, sự kết nối giữa đội bóng và cộng đồng cũng quan trọng không kém thành tích trên sân. Đức Huy nghĩ sao về nhận định này?
- Trong bóng đá, tình yêu là điều lớn lao nhất. Có tình yêu của người hâm mộ là sẽ có giá trị vật chất, sẽ được các nhà tài trợ, mạnh thường tâm quan tâm. Giá trị lớn nhất U23 Việt Nam 2018 mang lại cho người hâm mộ chính là tình yêu. Rất nhiều cô bác đã nói với tôi "Lứa các cháu đã mang lại niềm tin tưởng chừng đã mất của dân tộc này với bóng đá". Thế nên, tôi thấy niềm tin, tình yêu đi trước, và vật chất sẽ theo sau.
*
An Ngọc
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét