Các tuyến đường ở Hà Nội, Hải Phòng, Nghệ An, Đà Nẵng... vắng vẻ hơn ngày thường và đa số người dân ra phố đều đeo khẩu trang.
Sáng 1/4, ngày đầu tiên thực hiện chỉ thị của Thủ tướng, mật độ giao thông ở Hà Nội trở nên thưa thớt. Cửa ngõ phía Tây, quan sát khoảng 30 phút ở đoạn cuối đại lộ Thăng Long chỉ có vài chiếc ôtô đi vào trung tâm thành phố.
Đường Phạm Văn Đồng - cửa ngõ phía Bắc cũng tương tự. Lâu nay, do thi công đường vành đai ba trên cao nên tuyến đường này có nhiều điểm đen ùn tắc như nút giao Cổ Nhuế - Trần Cung, đoạn qua Xuân Đỉnh, còn sáng nay các phương tiện đi lại bình thường suốt tuyến.
Các tuyến phố nội đô như Nguyễn Chí Thanh, Kim Mã, Tây Sơn... vào giờ cao vẫn có nhiều người đi xe máy, nhưng không còn tình trạng tắc đường. Gần trưa các tuyến phố này trở nên vắng vẻ. Hầu hết những người trên phố đều đeo khẩu trang.
"Mật độ giao thông hôm nay giảm đáng kể so với một ngày trước. Phố Phạm Văn Đồng, Trần Duy Hưng, Xuân Thuỷ... chỉ có rất ít xe qua lại. Chúng tôi đã lập các tổ chống dịch để phối hợp với chính quyền địa phương, công an phường nhắc nhở người tham gia giao thông đeo khẩu trang, đảm bảo việc chống dịch đạt hiệu quả", ông Trần Quang Chinh - đội phó CSGT số 6 (Công an TP Hà Nội) nói.
Phương tiện đi lại thưa thớt trên đại lộ Thăng Long. Ảnh: Gia Chính. |
Anh Trần Văn Đức (26 tuổi, huyện Chương Mỹ) đến công ty thu dọn tài liệu trước khi chuyển sang làm việc ở nhà, cho hay "ngày thường mất khoảng một giờ để đi hơn 10 km đến công ty (ở nội thành), nhưng hôm nay chỉ mất hơn 30 phút".
Còn anh Nguyễn Hữu Huấn, làm việc tại một đơn vị công nghệ trên phố Láng Hạ, nói đơn vị đã kích hoạt chế độ làm việc từ xa từ hôm nay để đảm bảo an toàn cho nhân viên. "Những ngày trước chúng tôi chia nhau đến công ty cách nhật, nhưng nay chuyển hết sang làm việc ở nhà theo lệnh của Chính phủ", anh nói.
Các bến xe Yên Nghĩa, Giáp Bát, Mỹ Đình, Gia Lâm... hôm nay bắt đầu đóng cửa vì không còn xe khách hoạt động. Ông Vũ Tuấn Tùng - Phó giám đốc bến xe Mỹ Đình cho biết, toàn bộ nhân viên của bến được tạm nghỉ việc. "Chúng tôi chỉ giữ lại bến 8 nhân viên phục việc điều hành, đảm bảo vật tư cũng như an toàn phòng cháy", ông Tùng nói.
Bến xe Mỹ Đình đóng cửa. Ảnh: Gia Chính. |
Tại Hải Phòng, lượng phương tiện trên các tuyến đường trung tâm thưa hơn những ngày trước song vẫn còn khá đông; mọi người ra phố đều đeo khẩu trang.
Hàng loạt chốt kiểm soát được lập trên các trục đường lớn như Lê Hồng Phong, Đông Hải... Lực lượng chức năng tại đây gồm công an, bộ đội và nhân viên y tế, có nhiệm vụ kiểm soát người, phương tiện từ tỉnh, thành khác đến Hải Phòng; đo thân nhiệt, ghi chép lịch trình và yêu cầu để lại địa chỉ, số điện thoại.
Nhà chức trách địa phương yêu cầu kiểm soát chặt các cửa ngõ ra vào, nhất là phương tiện từ 25 tỉnh, thành đã có người mắc nCoV. Riêng chốt kiểm soát trên đường 356 qua cầu vượt biển Tân Vũ - Cát Hải, mọi người qua lại đều phải xuất trình giấy tờ tuỳ thân. UBND huyện Cát Hải đã cấm tất cả phương tiện đến từ 25 tỉnh, thành có người nhiễm nCoV ra vào địa bàn, ngoại trừ xe đầu kéo chở hàng hóa.
Theo quan sát, các chợ dân sinh và siêu thị lớn trên địa bàn việc mua bán diễn ra bình thường, không có hiện tượng tích trữ hàng hóa. Tuy nhiên, một số điểm giao dịch ngân hàng liên quan đến thuế, phí xuất nhập khẩu hàng hóa vẫn tấp nập người làm thủ tục; một điểm giao dịch ở đường Đà Nẵng (quận Ngô Quyền) gần 100 người chen nhau nộp tiền trong sáng nay.
Tại thành phố Vinh, Nghệ An, xe cộ vẫn ra đường vào giờ cao điểm buổi sáng và 11h trưa, tuy ít hơn nhiều so với những ngày trước.
Các tuyến phố trước đây luôn nhộn nhịp như Phan Bội Châu, Lê Lợi, Lê Hồng Phong.., nay trở nên vắng vẻ. Các cửa hàng đều dán thông báo nghỉ kinh doanh tới 15/4.
Sáng nay, anh Châu Huy Hùng (48 tuổi) lái ôtô chở gạo tới địa chỉ đã hợp đồng từ trước và cho biết "gia đình kinh doanh gạo, mặt hàng thiết yếu, nên vẫn ra đường để phục vụ khách hàng".
Anh Châu Huy Hùng sau chuyến chở gạo lúc 11h ngày 1/4. Ảnh: Nguyễn Hải. |
Ngồi chờ xe buýt trên đường Mai Hắc Đế, chị Vũ Thị Cúc (33 tuổi) trú thị xã Thái Hòa (huyện Nghĩa Đàn) đeo khẩu trang, tay cầm túi xách và lọ nước sát khuẩn. Chị kể sáng nay ngồi nhờ xe người thân xuống viện ở TP Vinh khám, lấy thuốc theo lịch hẹn từ trước.
"Chính phủ yêu cầu cách ly toàn xã hội, nhưng người đang có bệnh thì vẫn được đến viện. Khám xong, tôi đợi người thân đưa xe tới chở về bởi vì hôm nay xe buýt dừng hoạt động", chị Cúc nói.
Các công sở trên địa bàn TP Vinh hôm nay cũng vắng vẻ. Chiều qua 31/3, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung đã yêu cầu người đứng đầu các cơ quan, đơn vị xây dựng phương án cho cán bộ, nhân viên làm việc ở nhà, chỉ những người có việc thực sự cần thiết mới đến công sở.
Tai Đà Nẵng, những tuyến đường đường có văn phòng, chợ, siêu thị... nhiều người đi lại và mua sắm, còn lại là cảnh thưa thớt xe cộ. Các cửa hàng không thiết yếu trên địa bàn đều đóng cửa.
Các tuyến đường đi bộ ven sông Hàn như vỉa hè đường Bạch Đằng (quận Hải Châu), đường Trần Hưng Đạo (quận Sơn Trà) chỉ có bóng dáng nhân viên vệ sinh môi trường.
Thành phố đã thiết lập 7 chốt tại các cửa ngõ ra vào và 2 chốt ngăn chặn "phượt thủ" lên bán đảo Sơn Trà, đèo Hải Vân. Tại các chốt này, người dân và du khách được kiểm tra thân nhiệt, làm tờ khai y tế, nhắc nhở không tập trung đông người...
Trung tá Nguyễn Ngọc Rạng, Trạm trưởng CSGT cửa ô Hòa Hiệp (quận Liên Chiểu) cho biết, ghi nhận tại chốt phía Nam hầm Hải Vân trong sáng nay (1/4), lượng phương tiện giảm hơn nửa so với bình quân trước đây. Hầu như không có xe khách lưu thông mà chỉ có ôtô cá nhân đi lại ở cự ly gần giữa các tỉnh, thành lân cận.
"Người ngoài hộ khẩu Đà Nẵng đều phải làm tờ khai y tế thì mới cho vào thành phố. Những người ra khỏi thành phố thì chưa có văn bản nào cấm. Nếu họ đi có việc cần, chúng tôi cho qua. Còn nếu đi chơi, cảnh sát yêu cầu quay đầu. Sáng nay một số xe ra Lăng Cô (Huế) đã phải quay về", ông Rạng nói.
Cầu Rồng vắng phương tiện vào sáng 1/4. Ảnh: Nguyễn Đông. |
Ông Võ Ngọc Đồng - Giám đốc Sở Nội vụ, cho biết sáng nay ngoại trừ phụ nữ mang thai, nuôi con nhỏ và một số người có tiền sử bệnh được ở nhà, còn lại toàn bộ công chức đến Trung tâm hành chính thành phố làm việc tập trung để triển khai chỉ thị 16 của Thủ tướng.
"Trước đây mình quản lý con người và công việc bằng giờ hành chính, thì từ chiều nay (1/4) công chức chỉ đến cơ quan khi có việc thiết yếu liên quan đến phòng chống dịch, còn lại sẽ làm việc tại nhà với nhiều hình thức như điện thoại, email, trực tuyến", ông Đồng nói và cho biết từng sở, ngành sẽ phân công người trực để phối hợp với lãnh đạo thành phố điều hành công việc.
Đà Nẵng thông báo dừng việc tiếp nhận hồ sơ công dân nộp trực tiếp tại Tổ một cửa, chỉ xử lý qua mạng kể từ ngày 2/4. Ban Tiếp công dân thành phố dừng hoạt động và sẽ tiếp nhận, giải quyết ý kiến công dân qua email, điện thoại.
Sáng 31/3, Thủ tướng ban hành chỉ thị yêu cầu cách ly trên toàn quốc, áp dụng từ 0h ngày 1/4 và kéo dài trong 15 ngày. Cách ly toàn xã hội được thực hiện theo nguyên tắc "gia đình cách ly với gia đình, thôn bản cách ly với thôn bản, xã cách ly với xã, huyện cách ly với huyện, tỉnh cách ly với tỉnh".
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét