Thứ Hai, 25 tháng 5, 2020

Tôm nuôi chết hàng loạt

Quảng NgãiTôm thẻ chân trắng trong 21 hồ nuôi của người dân huyện Bình Sơn chết sau khi xuống giống khoảng 15-30 ngày.

Ông Trần Hải, 45 tuổi, ở xã Bình Dương có ba hồ nuôi tôm với diện tích khoảng 0,5 ha mỗi hồ. Từ Tết đến nay, ông xuống giống ba lần nhưng lần nào tôm cũng chết.

Tháng trước, ông đầu tư 6 triệu đồng mua 150.000 con tôm thẻ chân trắng thả vào hồ thứ ba để gỡ gạc hai lần trước. Nhưng khi xuống giống được khoảng 20 ngày, tôm có dấu hiệu đỏ thân bất thường, sau đó chết hàng loạt, nổi trên mặt nước. "Chúng tôi vừa tiêu hủy và khử trùng bằng chlorine, sắp tới tôi sẽ tiếp tục thả tôm giống nhưng với mật độ thưa hơn", ông Hải nói.

Ông Trần Nam vớt những con tôm còn sót sau khi đã tiêu hủy gần hết. Ảnh: Thạch Thảo.

Ông Trần Nam vớt những con tôm còn sót sau khi đã tiêu hủy gần hết. Ảnh: Thạch Thảo.

Còn ông Trần Nam, chủ hồ nuôi tôm 800 m2 gần đó cũng vừa tiêu hủy 200.000 con giống vừa thả một tháng. Ông Nam cho biết, ban đầu tôm bỏ ăn, bơi lờ đờ sau đó dạt vào bờ và đỏ thân; ba ngày sau tôm chết nổi đỏ hồ. "Chỉ riêng tiền giống tôi đã mất 18 triệu đồng, chưa kể thuốc men kể từ ngày tôm bệnh", ông nói.

Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Bình Sơn đã lấy mẫu xét nghiệm và xác định, tôm nuôi bị đốm trắng và bệnh hoại tử gan tụy cấp tính. Tỷ lệ chết cao sau 3-5 ngày phát bệnh.

Tôm chết do bệnh hoại tử gan tụy cấp tính ở xã Bình Dương, huyện Bình Sơn. Ảnh: Thạch Thảo.

Tôm chết do bệnh hoại tử gan tụy cấp tính ở xã Bình Dương, huyện Bình Sơn. Ảnh: Thạch Thảo.

Đến nay, ngành nông nghiệp đã cấp hóa chất và hướng dẫn 11 hộ dân tiêu hủy tôm trong 21 hồ với diện tích gần 5 ha ở hai xã Bình Dương và Bình Chánh.

Theo UBND tỉnh Quảng Ngãi, từ đầu năm đến nay, các loại dịch bệnh trên thủy sản diễn biến phức tạp. Ngoài huyện Bình Sơn, ở huyện Tư Nghĩa cũng xảy ra tình trạng tôm chết gây thiệt hại cho người dân.

Một hồ ở xã Bình Dương, huyện Bình Sơn không có nước, do chủ hồ dừng nuôi, sau khi tiêu hủy tôm chết. Ảnh: Phạm Linh.

Một hồ ở xã Bình Dương, huyện Bình Sơn không có nước, do chủ hồ dừng nuôi, sau khi tiêu hủy tôm chết. Ảnh: Phạm Linh.

Ông Nguyễn Tăng Bính, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi đã chỉ đạo ngành nông nghiệp kiểm tra thường xuyên, khuyến cáo người dân nuôi đúng lịch thời vụ, kịp thời xử lý ao nuôi và thủy sản mắc bệnh, bổ sung nguồn hóa chất để xử lý dịch bệnh. Công an tỉnh được yêu cầu điều tra, ngăn chặn, bắt giữ những người vận chuyển giống thủy sản không được kiểm dịch, không rõ nuồn gốc.

Phạm Linh

Let's block ads! (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét