Đồng ThápVợ chồng ông Hồ Văn Tai, 84 tuổi, gìn giữ nghệ thuật tranh tạo hình nổi bằng chất liệu vải trên nền giấy, vốn hưng thịnh giữa thế kỷ trước.
Trong căn nhà nhỏ tại xã Tân Phú Trung, huyện Châu Thành, hàng ngày ông Tai cùng vợ Nguyễn Thị Bạch Thủy, 77 tuổi, vẫn miệt mài bên những bức tranh gói vải. Dù nay, mắt hai người có chút mờ, đôi tay cũng không còn linh hoạt như thời còn trẻ.
Nhấp ly trà nóng, ông Tai cho biết, người sáng lập ra dòng tranh gói vải này là "sự phụ" của mình - cụ Trần Văn Huy (hiệu là Thủy Tiên) ở TP Sa Đéc. Ban đầu, đây chỉ là sáng kiến thay hình dán giấy bằng vải hoặc gấm chuyên về chân dung để dùng trong thờ phụng. Về sau, tranh có thêm nhiều chủ đề phong phú, được sử dụng làm quà tặng trong các dịp đám cưới, mừng thọ, tân gia.
Theo lão nghệ nhân, tranh gói vải là sự kết hợp giữa mỹ thuật và thủ công, trải qua nhiều công đoạn. Bắt dầu từ khâu vẽ nét phác thảo trên nền giấy, các chủ thể chính của tranh như người, con vật hoặc cây cối... được dùng bông gòn tạo hình. Sau đó dùng vải, gấm hoặc lụa phủ lên rồi tạo nếp sao cho thật nhất. Cuối cùng gắn keo lên mặt tranh đã được vẽ nền trên chất liệu vải trước đó.
Nếu con người thì phần mặt, tay chân sẽ được người thợ vẽ chi tiết như thật; con vật thì được nghệ nhân vẽ mắt mũi... loại gấm, lụa hoặc vải sao cho giống thực tế nhất. Nên mỗi bức tranh làm ra luôn sinh động và có nét độc đáo riêng.
Đang tỉ mẩn dùng từng lớp bông để tạo hình chú trâu, bà Thuỷ nói: "Cái nghề này, đam mê thôi chưa đủ mà phải có sự kiên trì và nhẫn nại. Như hình chú trâu này bà phải cẩn thận kéo từng lớp bông gòn sao cho thật bằng phẳng và mượt mà, sắc nét như thật nhất".
Tiếp lời vợ, ông Tai chia sẻ, mỗi bức tranh làm khá kỳ công, có thể 3-10 ngày, thậm chí lâu hơn tùy theo kích thước. Nhưng khó nhất vẫn là tranh chân dung. Cái đặc biệt của dòng tranh này được làm hoàn toàn bằng vải từ phong nền, cho đến từng chi tiết, ngoại trừ phần giấy carton lót nền. Nhưng khó ở chỗ người làm phải sáng tạo các hình ảnh về con người, đồ vật bằng những tấm vải lụa sao cho bức tranh trở nên sinh động.
Ông Tai sinh ra trong một gia đình nông dân. Nhưng từ nhỏ, cậu bé Tai đã bộc lộ năng khiếu với hội họa qua việc vẽ tranh phong cảnh, tranh các con vật gắn liền với đời sống người dân Nam Bộ để tặng bạn bè. Năm 1956, khi 16 tuổi, trong một lần đến tiệm tranh Tiên Thủy chơi, thấy những bức tranh quá đẹp nên ông quyết định nghỉ học để làm nghề tranh gói vải này. Chưa được bao lâu thì cửa hiệu Thủy Tiên chuyển về Sài Gòn, cậu học trò Hồ Văn Tai cũng đi theo.
Bốn năm sau, chàng trai học hành lành nghề, mở cửa tiệm tranh gói vải với tên gọi Trúc Lam, thời điểm hoàng kim của dòng tranh này tại Nam Bộ, nhiều khách đặt hàng làm không kip. Sau đó, ông lấy vợ và truyền nghề lại cho bà. Tuy nhiên, bà đảm nhiệm vai trò "thợ phụ", chủ yếu trong công đoạn gói vải. Còn các khâu chính như ý tưởng, vẽ phát thảo, định hình và trang trí là do ông đảm trách.
Chiến tranh loạn lạc, gia đình ông chuyển về Đồng Tháp sinh sống. Dòng tranh gói vải không phát triển mà lại dần mai một theo thời gian, riêng vợ chồng ông vẫn quyết giữ nghề. Hiện nay, không còn hưng thịnh như xưa, nhưng tranh gói vải của nghệ nhân Hồ Văn Tai vẫn được nhiều khách hàng gần xa từ Vĩnh Long, cần Thơ, Kiên Giang, thậm chí ở các tỉnh miền Đông và miền Trung ưa chuộng.
Hơn 60 năm gắn bó với nghề, vợ chồng nghệ nhân Hồ Văn Tai đã tạo ra hơn 3.000 bức tranh gói vải, như một đứa con tinh thần, chứa đựng cả công sức, sự sáng tạo lẫn tâm huyết của họ. Hiện mỗi bức tranh hoàn chỉnh được lồng vào khung kính, có giá trị một đến 30 triệu đồng, trưng bày khoảng 40 năm.
Tuy nhiên, hiện dòng tranh này có rất ít truyền nhân. "Thể loại tranh này rất riêng biệt và do cái thiên tư của người làm rồi còn tùy thuộc vào sự đam mê và bền chí nữa, không thể gượng ép được", ông Tai nói và cho biết thực tế có nhiều người theo học nhưng rồi cũng bỏ cuộc", ngay cả sáu người con và nhiều cháu chắt của vợ chồng ông cũng không ai theo nghề này.
An Bình
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét