Chủ Nhật, 3 tháng 5, 2020

Bài học đắt giá từ châu Á khi vội mở cửa lại giữa dịch

Hậu quả của sự chủ quan mở cửa lại nền kinh tế sau những tiến bộ chống dịch bước đầu khiến các nước châu Á dè dặt về biện pháp tiếp theo của “làn sóng thứ hai”.

Các bãi cỏ gần bến Thượng Hải, ở bờ phía tây sông Hoàng Phố, chật kín người từ sáng tinh mơ. Người dân đổ về đây thưởng thức hoa anh đào nở rộ. Những ông bố, bà mẹ đẩy xe nôi trên các thảm cỏ. Nhóm sinh viên tụ tập trên cỏ nâng cốc rượu vang mát lạnh.

Đó là cách Time miêu tả người dân thành phố lớn nhất Trung Quốc trở lại cuộc sống sau 3 tháng vắng lặng vì các biện pháp cách ly xã hội.

“Không thể tưởng tượng được. Tôi chưa bao giờ thấy nơi này đông người đến vậy. Dường như ai cũng muốn lao ra ngoài tận hưởng”, Shally Zhou bày tỏ, khi đang xếp hàng cùng chú chó để đợi lấy cà phê.

Bài học đắt giá từ châu Á khi vội mở cửa lại giữa dịch-1Người dân Thượng Hải tụ tập ở bến sông đêm ngày Quốc tế Lao động. Ảnh: Getty Images.

Khi dịch bệnh bùng phát ở Trung Quốc, thành phố Vũ Hán tâm dịch bị phong toả triệt để trong khi những thành phố khác thì chịu cách ly. Nền kinh tế số hai thế giới như bị đóng băng hoàn toàn.

Bằng cách đó, Trung Quốc đã kiềm hãm tốc độ gia tăng của các ca nhiễm mới. Bệnh nhân mắc virus Corona cuối cùng ở Vũ Hán đã xuất viện ngày 27/4. Dù còn nhiều ý kiến hoài nghi những con số mà Bắc Kinh công bố, chính quyền các địa phương dường như hoàn toàn tự tin rằng đã đến thời điểm thích hợp để nối lại các hoạt động kinh doanh trên cả nước.

Đại dịch vẫn chưa rõ hồi kết. Nhưng tại nhiều nơi như Trung Quốc, Hàn Quốc, khi tốc độ số ca lây nhiễm mới đang chậm dần, thì trọng tâm chuyển hướng sang số phận nền kinh tế.

Tổ chức Tiền tệ Quốc tế (IMF) ước tính GDP toàn cầu sẽ sụt giảm 3% năm nay và xu hướng này tiếp tục diễn ra vào năm 2021, có thể dẫn đến mức giảm sâu nhất kể từ cuộc Đại Suy thoái.

GDP của Trung Quốc trong quý 1/2020 giảm 6,8% so với cùng kỳ. Nền kinh tế Mỹ đã co lại 4.8% trong quý đầu. J.P.Morgan dự đoán mức giảm đến 40% trong quý kế tiếp. Số lượng người nộp đơn thất nghiệp hiện đến 22 triệu.

Bài học đắt giá từ châu Á khi vội mở cửa lại giữa dịch-2Một tiệm cắt tóc mở cửa lại tại bang Colorado ngày 27/4. Ảnh: New York Times.

Đối diện với những số liệu này, không ít người lo lắng rằng những biện pháp phòng chống có thể còn gây tổn hại nghiêm trọng hơn cả bệnh dịch. Nhiều cuộc biểu tình nổ ra ở các thành phố Mỹ để phản đối lệnh giãn cách xã hội và cách ly.

Tuy nhiên, các chuyên gia y tế cảnh báo việc nới lỏng những biện pháp này quá vội có thể dẫn đến mô hình hồi phục chữ W, nghĩa là việc số lượng ca nhiễm bùng phát trở lại sẽ dẫn đến suy giảm kinh tế lần thứ hai rất nhanh, ngay tiếp sau đợt đầu.

Xét nghiệm diện rộng, dựng “hàng rào điện tử”
Mặc dù không có công thức thành công trong việc dỡ bỏ các biện pháp giới hạn, nhiều quốc gia Đông Á đang dẫn đầu trong nỗ lực này.

16h chiều ngày 7/4, Park Hong Cheol, 42 tuổi, nhận cuộc gọi từ cơ quan y tế địa phương thông báo rằng một đồng nghiệp tại công y anh đã dương tính với virus corona.

Park nhanh chóng đeo khẩu trang và lái xe đến Trung tâm Y tế Cộng đồng ở thành phố Sejong để làm xét nghiệm. Tại đây, anh điền tờ khai y tế và được một nhân viên thực hiện lấy mẫu ngay tại xe. Sau đó, họ phun dung dịch khử trùng lên xe anh, rồi Park trở về nhà, tuân thủ nghiêm ngặt việc không ra ngoài và hạn chế tiếp xúc người khác.

“Khi thức dậy vào hôm sau, tôi nhận tin nhắn báo kết quả âm tính”, Park kể.

Hàn Quốc dường như lơ là cảnh giác ở giai đoạn đại dịch bắt đầu bùng phát. Tốc độ phát hiện ca nhiễm chậm rãi dần leo dốc kể từ giữa tháng hai. Tuy nhiên, nhờ những nỗ lực y tế cộng đồng dồn dập mà Hàn Quốc đã khống chế tổng số ca nhiễm tính đến đầu tháng 5 ở dưới mức 11.000. So với Mỹ, Hàn Quốc thực hiện số lượng xét nghiệm, trên cơ sở bình quân đầu người, nhiều gấp 3 lần.

Bài học đắt giá từ châu Á khi vội mở cửa lại giữa dịch-3Người dân Hàn Quốc được lấy mẫu xét nghiệm ngay từ trong xe, tại nhiều điểm xét nghiệm lưu động trên cả nước. Ảnh: Getty Images.

Năng lực xét nghiệm và truy vết mọi trường hợp lây nhiễm và những người mà bệnh nhân đã tiếp xúc là một trong sáu điều kiện là Tổ chức Y tế Thế giới đặt ra để bất kỳ một xã hội nào mở cửa lại.

Đến ngày 24/4, hơn 589.000 người Hàn Quốc đã được xét nghiệm theo cách giống như anh Park tại các điểm xét nghiệm lưu động. Chính phủ phát triển những ứng dụng trên di động miễn phí để gửi tin nhắn khẩn cấp về số ca nhiễm bệnh ở từng khu phố, cập nhật việc theo dõi ca nhiễm ở các trang thông tin địa phương và trung ương.

Những bệnh nhân chỉ có các triệu chứng nhẹ thì được điều trị tại các cơ sở dã chiến, còn các bệnh viện sẽ tập trung những ca có triệu chứng nghiêm trọng hơn hoặc cấp tính.

Nhờ những nỗ lực này, Hàn Quốc đã thành công trong việc “làm phẳng đường cong” chỉ trong 20 ngày mà không cần áp đặt các biện pháp giới hạn cực đoan hay hạn chế đi lại nghiêm ngặt.

“Càng sớm phát hiện những đầu mối tiếp xúc thì chúng ta sẽ khống chế sự lây lan của virus hiệu quả hơn”, Bộ trưởng Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc Park Neung Hoo nói.

Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận “việc tìm ra điểm chung giữa hoạt động kinh tế và khống chế bệnh dịch đòi hỏi một sự cân bằng khéo léo”.

Quyền riêng tư hay sức khoẻ cộng đồng?
Những hành động nhanh chóng và quyết đoán đã giúp giảm thiểu thiệt hại kinh tế Hàn Quốc dự báo hứng chịu (dù nền kinh tế nước này sụt giảm 1.4% trong quý đầu năm nay).

Bộ trưởng Park cho rằng việc trả kết quả xét nghiệm nhanh chóng, tính từng phút chứ không phải ngày, là “vô cùng quan trọng” trong việc truy vết virus hiệu quả. Sau đó, dữ liệu GPS ẩn danh từ điện thoại của người nhiễm sẽ được gửi trực tiếp qua tin nhắn đến những người có thể đã tiếp xúc gần, nhằm cảnh báo họ cần đi xét nghiệm.

Một số nhóm khác sử dụng các biện pháp như phỏng vấn khai thác thông tin, camera an ninh và dữ liệu thẻ tín dụng để truy vết người nhiễm. Hong Kong và Đài Loan cũng đã áp dụng tương tự và thành công.

Tuy nhiên, Mỹ có vẻ ít chuẩn bị hơn để học hỏi những biện pháp này. Một trong số các hạn chế nằm ở nguồn cung và năng lực thực hiện xét nghiệm, khiến việc trả kết quả kéo dài vài ngày. Hoặc một hạn chế khác như Mỹ chỉ có tổng cộng khoảng 2.200 chuyên gia truy tìm đầu mối lây nhiễm dù các chuyên gia ước tính phải cần đến 100.000 người nữa.

Bảo vệ quyền riêng tư cũng là một trở ngại tại Mỹ. Phần lớn người Mỹ không muốn các công ty viễn thông chia sẻ dữ liệu định vị GPS của họ với chính phủ, ngay cả khi là dữ liệu ẩn danh và nhằm phục vụ cuộc chiến chống bệnh dịch.

Dù Apple và Google đang hợp tác phát triển một ứng dụng sử dụng thông tin định vị để hỗ trợ truy tìm đầu mối lây nhiễm, hai công ty này khẳng định nguyên tắc là người dùng phải tự nguyên chia sẻ thông tin.

“Thuyết phục một người tham gia bất kỳ việc gì là điều vô cùng khó”, Kai Fu Lee, một nhà đầu tư mạo hiểm và từng giữ cương vị lãnh đạo ở Google, Microsoft và Apple, nói. “Đó là sự cân não để trả lời câu hỏi điều gì quan trọng hơn, sự riêng tư của bản thân hay việc sử dụng dữ liệu một cách hạn chế, ẩn danh vì mục đích sức khoẻ cộng đồng trong những tình huống đại dịch khẩn cấp”, Kai nói.

Chính quyền Đài Loan đã đưa ra lựa chọn từ rất sớm. Hòn đảo 23 triệu dân nhận thức được họ cực kỳ dễ rủi ro do khoản cách địa lý chỉ cách đại lục khoảng 130 km. Bên cạnh những biện pháp xét nghiệm và phát hiện sớm, các cơ quan khẩn cấp áp dụng biện pháp theo dõi vị trí qua điện thoại, nhằm dựng lên “hàng rào điện tử” xung quanh những người phải cách ly, áp đặt mức phạt nặng nếu họ rời khỏi nhà.

Nhờ các biện pháp phòng ngừa sớm này mà số ca mắc bệnh ở Đài Loan đến nay ở dưới 500.

Một mắt xích sẽ yếu ảnh hưởng toàn cục
Singapore là một ví dụ của việc dù đạt được các thành công ban đầu nhưng nguy cơ vẫn chực chờ. Đảo quốc 5,6 triệu dân từng được WHO khen ngợi vì nỗ lực xét nghiệm diện rộng và truy vết người tiếp xúc toàn diện.

Đến ngày 23/3, Singapore cho phép các trường học hoạt động trở lại, tự tin rằng bệnh dịch đã được kiểm soát.

Tuy nhiên, tình hình diễn biến xấu đi khi nhà chức trách phát hiện ra lỗ hổng nghiêm trọng khi lơ là nhóm lao động nhập cư thu nhập thấp. Những ổ dịch mới nhanh chóng được phát hiện tại các ký túc xá sinh sống của họ, mà nơi đông nhất có sức chứa đến 25.000 người.

Chỉ trong một tuần tháng 4, số ca nhiễm tăng vọt đến 250% và vượt quá mốc 10.000, khiến Singapore trở thành điểm dịch lớn nhất Đông Nam Á.

Bài học đắt giá từ châu Á khi vội mở cửa lại giữa dịch-4Ký túc xá của những lao động nhập cư tại Singapore trở thành những nguồn lây nhiễm mới của dịch tại đảo quốc này. Ảnh: Bloomberg.

Anh công nhân xưởng tàu Ripon Chowdhury, 31 tuổi, rời Bangladesh đến Singapore làm việc đã được 10 năm. Anh cùng 15 người ở chung một phòng trọ vào thời điểm virus len lỏi đến khu vực của anh.

“Nơi này quá đông người. Chỉ cần một người nhiễm bệnh thì toàn bộ chúng tôi đều mắc cả, vì chúng tôi dùng chung nhà tắm, nhà vệ sinh và nhà bếp”, anh nói.

Bài học của Singapore là để đối phó với loại virus không chừa bất kỳ ai này thì các biện pháp cần toàn diện, bao trùm. Những người thu nhập thấp, không thể làm việc tại nhà, và không tham gia những gói bảo hiểm chính sách tốt, chính là những người dễ bị tổn thương trong giai đoạn dịch. Những cụ già bị cô lập trong các viện dưỡng lão cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Virus không thể bị xoá sổ bằng việc chỉ ưu tiên thanh niên hoặc những người giàu có.

“Virus này không phân biệt những rào cản cộng đồng. Khi chúng ta được hưởng lợi từ những người lao động thu nhập thấp thì chúng ta càng phải quan tâm nhiều hơn đến sức khoẻ của họ”, Christine Pelly, thành viên một tổ chức phi chính phủ hoạt động vì quyền lợi công nhân, nói.

Singapore không phải là quốc gia châu Á duy nhât hứng chịu “làn sóng thứ hai”. Nhật Bản là một trong những nước đầu tiên mà bệnh dịch lan tới, không chỉ khi du thuyền Diamond Princess thả neo ở phía nam Tokyo, mà từ trước đó là vùng Hokkaido ở phía bắc đã chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất.

Nhưng khi số ca nhiễm mọc lên như nấm ở những khu vực thành thị như Tokyo mà giảm dần ở Hokkaido, chính quyền đảo này bắt đầu lo lắng về thiệt hại kinh tế.

Thị trưởng Kazushi Monji tại thị trấn Kutchan, cách Sapporo khoảng 80 km, nói lệnh giới nghiêm “ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế địa phương, khi mà các nhà hàng thì trống khách, đặt phòng khách sạn bị huỷ toàn bộ và không có đặt chỗ mới. Ngày 19/3, hòn đảo quyết định dỡ bỏ lệnh giới nghiêm.

“Người dân Hokkaido cảm thấy vui sướng và nhẹ nhõm. Họ đổ ra đường, rủ nhau đi nhậu, họp bàn chuyện làm ăn”, tiến sĩ Kiyoshi Nagase, chủ tịch Hội Y dược Hokkaido, người giúp điều phối chiến dịch chống COVID-19 ở đảo này, nói.

Rất nhanh, nhiều ca nhiễm mới được phát hiện, và tình trạng khẩn cấp được áp dụng lại vào ngày 12/4. “Bây giờ tôi rất hối tiếc vì lẽ ra không nên dỡ lệnh ban đầu”, Nagase nói.

Bài học đắt giá từ châu Á khi vội mở cửa lại giữa dịch-5Hokkaido và Sapporo cùng tuyên bố tình trạng khẩn cấp mới giữa "làn sóng thứ hai" vào ngày 12/4. Ảnh: Asahi.

Đối với đầu bếp Koji Yorozuya, lệnh giới nghiêm khiến nhà hàng của ông trải qua “đợt tổn thất nghiêm trọng nhất” từ khi bắt đầu hoạt động 20 năm trước. Ông cho biết trước đây 40 chỗ trong nhà hàng luôn chật kín khách đến thưởng thức rượu sake và các món nướng. Nhưng những quy định y tế buộc ông phải ngừng tiếp khách và chỉ nhận giao hàng.

“Một mặt tôi rất muốn các biện pháp giới hạn sớm bãi bỏ vì tôi lo lắng nhà hàng thậm chí có thể đóng cửa. Nhưng về mặt sức khoẻ thì tôi cũng rất sợ. Tôi không biết phải làm gì”, vị đầu bếp nói.

Tình hình ở Hokkaido là mình chứng của việc bệnh dịch tưởng chừng đã được khống chế có thể nhanh chóng trở lại tình trạng báo động. Từ kinh nghiệm địa phương mình, Kazuto Suzuki, hiệu phó trường quan hệ quốc tế tại Đại học Hokkaido, nói việc nôn nóng mở cửa trở lại là “rất nguy hiểm”. “Dù anh đã kiểm soát được làn sóng đầu nhưng anh cũng không thể lơi lỏng được”.

Tại Texas, Mỹ, các công viên ở bang này đã mở cửa trở lại, những hoạt động vốn không nằm trong danh mục cần thiết cũng đã được nối lại. Ngày 24/4, các tiệm làm móng, spa, cắt tóc và tỉa lông cho thú cưng tại bang Oklahoma cũng hoạt động lại. Những phòng gym, trung tâm bowling hay tiệm xăm ở bang Georgia cũng đón khách vào cùng ngày. “Tôi rất vui khi các nơi đều mở cửa lại”, Thị trưởng Las Vegas Carolyn Goodman nói trên CNN.

Time nhận định những hành động đơn lẻ ở từng bang đặt ra nguy cơ với phần còn lại của Mỹ.

“Cả thế giới đang cuống cuồng vì virus Corona”, Michael Osterholm, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Chính sách Bệnh dịch Truyền nhiễm tại Đại học Minnesota, nói. “50 bang có sự liên hệ với nhau, và chỉ một bang xảy ra chuyện thì sẽ ảnh hưởng đến tất cả”.

Lựa chọn cân não
Câu hỏi mà bất kỳ nước nào cũng phải cố gắng trả lời, đó là phục hồi theo hướng nào trong giai đoạn hậu đại dịch.

New Zealand đã có những thành công vượt bậc trong việc khống chế virus, một phần nhờ vị trí địa lý cách biệt và mật độ dân số thấp của nước này. Nhưng cũng không thể kể đến những biện pháp phòng ngừa nghiêm khắc, bao gồm đóng cửa toàn bộ biên giới.

Hiện giờ, số lượng phát hiện lây nhiễm mới mỗi ngày tại đảo quốc này chỉ ở mức một con số, và New Zealand đang hướng tới khống chế hoàn toàn bệnh dịch.

Tuy nhiên, lệnh cấm nhập cảnh với toàn bộ người nước ngoài đã gây ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế mà du lịch chiếm tỷ trọng đáng kể. Chỉ riêng năm 2019, du khách quốc tế đến New Zealand chi tiêu hơn 10 tỷ USD. Nhân lực ngành du lịch chiếm 8,4% tổng nguồn lao động.

“Nền kinh tế sẽ vẫn tồn tại mà không dựa quá lớn vào du lịch, nhưng không phải theo cách mà chúng tôi từng biết”, Brad Olsen, chuyên gia kinh tế cao cấp tại công ty tư vấn Informetrics ở New Zealand, nói.

Những siêu cường kinh tế cũng đối mặt không ít rủi ro. Nền kinh tế Trung Quốc sụt giảm 6,8% trong quý đầu. Mặc dù nhu cầu nội địa đang tăng dần, việc kinh tế Trung Quốc hội nhập lớn với thị trường toàn cầu nghĩa là những tổn thất sẽ tiếp tục kéo dài, và để lại hậu quả khôn lường.

Chẳng hạn, khi nhu cầu của người Mỹ giảm mạnh vì chủ yếu trú ẩn trong nhà nghĩa là các nhà máy Trung Quốc phải hoạt động ở công suất thấp hơn bình thường, kéo theo giảm nhu cầu về năng lượng, là một phần khiến giá dầu giảm mạnh.

Sau khủng hoảng tài chính 2008, Trung Quốc đã đầu tư đáng kể vào khôi phục cơ sở hạ tầng. Nước này dồn 586 tỷ USD vào các công trình chính phủ như đường cao tốc, hệ thống tàu điện ngầm và sân bay. Một hệ quả của việc chi tiêu mạnh tay này là nợ công tăng vọt, nhưng bên cạnh đó là hàng triệu việc làm được tạo ra trong ngắn hạn và tạo nền tảng cho mọi việc làm ăn khác của Trung Quốc vận hành.

Bắc Kinh tỏ ra dè dặt nếu phải lặp lại việc này, nhưng cách làm đó có thể hiệu quả cho nước Mỹ, Time nhận định.

Mỹ đã chú trọng vào việc bơm thêm tiền vào thị trường tài chính, cấp tiền hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, và gói giải cứu 1.200 USD cho mỗi người dân. Các nhà phân tích nói Mỹ sẽ cần tiêu thêm 4,5 nghìn tỷ USD đến năm 2025 để sửa những con đường bị nứt, nâng cấp các nhà ga và sân bay ọp ẹp, nâng cấp thế hệ công nghệ tương lai như 5G.

Những nhà kinh tế học nói cơ sở hạ tầng như một nền tảng cân bằng giúp củng cố hoạt động kinh doanh, dù là lớn hay nhỏ, và nên được ưu tiên hơn so với các chương trình giải cứu tài chính.

Đến hiện tại, một điều rõ ràng là virus corona chắc chắn đã làm thay đổi bức tranh kinh tế thế giới. Gần nửa triệu công ty Trung Quốc nộp đơn tuyên bố phá sản vào quý 1. Bao nhiêu công ty Mỹ sẽ đi theo bước đường này là tuỳ thuộc vào những quyết sách ban hành kể từ hôm nay, bởi những quan chức và những người dân lo lắng tìm kiếm câu trả lời. Nguy hiểm hơn cả những cánh cửa đóng kín là một đám đông quá nóng lòng bước qua những cánh cửa mở toang, Time viết.

Theo Zing

Xem link gốcẨn link gốc https://ift.tt/2YpSp3I

Let's block ads! (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét