VPF đang tìm các phương án nhằm đưa giải Vô địch quốc gia 2020 trở lại sớm nhất có thể. Nhưng bây giờ, câu trả lời không còn thuộc thẩm quyền của bóng đá.
Ban đầu, cũng như Việt Nam, các quyết định hoãn của đa số giải đấu lớn trên thế giới đều có thời hạn nhất định. Đó là dựa trên giả thuyết Covid-19 sẽ bị chặn đứng sớm. Nhưng lúc này, toàn bộ đều nằm trong trạng thái "hoãn vô thời hạn". Với tình hình phức tạp và đà lây lan của đại dịch hiện nay, câu chuyện không nằm ở việc khi nào thì dịch mới kết thúc mà còn là sự hồi phục hoàn toàn của đời sống kinh tế, xã hội sau khi dịch bệnh bị đẩy lùi. Bóng đá hay thể thao, nói cho cùng cũng mang yếu tố giải trí. Thời gian để cuộc sống trở lại như bình thường hoàn toàn không thể dự báo được. Chính vì vậy, những sự kiện có quy mô châu lục hay toàn cầu buộc phải lùi hẳn một năm cùng với hy vọng, sự an toàn sẽ trở lại với thế giới.
Công Phượng đi bóng trong trận TP HCM thắng Thanh Hóa 1-0 ở vòng 2 V-LEague 2020 trên sân Thống Nhất. Ảnh: Đức Đồng. |
Trong tối 25/3, VPF ấn định lùi thời gian tái đấu đến ngày 15/4, đồng thời xin ý kiến về các phương án thi đấu mới. Tất cả đều không phù hợp, bởi lúc này không một ông chủ hay nhà quản lý CLB nào đủ năng lực dân sự để trả lời đá hay không đá, đừng nói đến việc đá như thế nào.
Câu hỏi đặt ra là tại sao VPF phải tìm mọi cách đưa V-League trở lại sớm? Đó là vì họ đang đối diện với vấn đề nghiêm trọng. Công ty này được vận hành dựa trên nguồn tài chính đến từ tổ chức thi đấu chứ không có kinh doanh gì khác nên không giải đấu là không có ngân sách hoạt động, trong khi vẫn phải làm nghĩa vụ với VFF. Năm nay, sau khi nhãn hàng Wake-up 247 rút lui, phải rất nỗ lực V-League mới tìm được nhà tài trợ LS vốn là "sân sau" của ông Trần Anh Tú - Chủ tịch VPF. Nhưng nếu V-League 2020 không diễn ra, chẳng có cơ sở nào để nhận tiền tài trợ. Tức là hiện tại không có tiền, thì chưa chắc mùa giải 2021 có nhà tài trợ nào mới sau một năm bóng đá nội địa không hoạt động, còn các CLB thì lâm vào tình trạng phá sản. Hậu quả thật nặng nề.
Nhưng VPF có thể nghĩ đến phương án tổ chức một V-League theo thể thức đặc biệt, ví dụ như trong khoảng thời gian ngắn và ở thời điểm cuối năm, thay vì cố đưa ra những giải pháp vô nghĩa trong lúc cả nước đang phải gồng mình chống đại dịch.
Cho đến nay, chính (CLB Quảng Nam) về việc hủy V-League 2020 là quan điểm duy nhất có hướng "mở", và VPF cần phải lưu tâm. Ý kiến này có phần cực đoan, nhưng không hoàn toàn vô lý nếu phân tích trên các cơ sở chuyên môn.
VPF có thể xem như V-League 2020 chưa diễn ra, và khi đó việc lúc nào nó bắt đầu cũng dễ dàng hơn là đặt tất cả trong tình trạng "chờ", vô cùng tốn kém. Kết quả hai vòng đấu đầu tiên bị hủy bỏ và chắc chắn điều đó cũng không ảnh hưởng gì. Các giải đấu ở châu Âu còn đau đầu hơn Việt Nam khi mùa giải đã đi quá hai phần ba, nhưng họ vẫn tính đến phương án hủy hoàn toàn.
Theo kế hoạch, mùa giải 2020 của bóng đá Việt Nam bao gồm 26 vòng của V-League (đã đá hai vòng), năm vòng dành cho Cúp Quốc gia và một trận đấu play-off. Nếu cứ trung bình mỗi tuần một trận, một CLB ở V-League sẽ thi đấu tối đa 30 tuần (trong trường hợp vào đến chung kết Cúp Quốc gia). Như vậy, quãng thời gian cho một mùa giải khoảng bảy tháng.
Nhưng căn cứ vào năm 2019, với lịch hoạt động rất dày đặc của đội tuyển quốc gia và đội tuyển U23 thì tổng thời gian thi đấu thực tế của các giải đấu nội địa của Việt Nam gói gọn trong năm tháng. Từ tháng 3 đến tháng 10 với năm lần tạm dừng để nhường cầu thủ cho đội tuyển. Nghĩa là trong trường hợp bắt buộc, thời gian thi đấu vẫn có thể rút xuống. Ví dụ như năm ngoái, ba đợt thi đấu với mật độ hai tuần một trận. Trong trường hợp buộc phải rút gọn thời gian thi đấu để không bị "tràn" sang những tháng cuối năm (tránh thời tiết xấu ở miền Trung và Bắc), VFF lẫn công ty VPF hoàn toàn có thể tính đến việc bỏ Cúp Quốc gia. Điều này sẽ giúp cho V-League có thể thi đấu liên tục và kết thúc trong bốn tháng, nếu như nó cần thiết phải diễn ra.
Việc bắt đầu từ tháng 7 và kết thúc trước tháng 11 cũng giúp HLV Park Hang-seo có điều kiện tuyển quân cho đội tuyển.
Năm nay, vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Á dự kiến lùi lại đến tháng 10. Vì vậy sớm nhất cũng phải đến tháng 9 đội tuyển mới cần tập trung. Do đó, nếu V-League có thể thi đấu vào các tháng 8 và 9, HLV Park Hang-seo sẽ có đủ thời gian để đánh giá phong độ cầu thủ. Còn nếu V-League không thể thi đấu, ông vẫn có thể tập trung đội tuyển với số lượng lớn, sử dụng các chuyến tập huấn, thi đấu giao hữu để rèn quân.
Song Việt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét