Thanh HóaBốn ngày sau khi được bàn giao, con bê của anh em ông Nguyễn Văn Đức và Nguyễn Văn Lập ở xã Ái Thượng, huyện Bá Thước, lăn ra chết.
Gia đình hai ông Đức và Lập bị ảnh hưởng bởi dự án nâng cấp quốc lộ 217 giai đoạn 2. Hợp phần hỗ trợ sinh kế (phục hồi thu nhập) cho người dân nằm trong giai đoạn giải phóng mặt bằng của dự án.
Để nhận 10 triệu đồng, hộ ông Đức, ông Lập phải đáp ứng một trong những tiêu chí: là hộ dân tộc thiểu số; hộ nghèo; hộ mất 10% tài sản, mất hoàn toàn đất ở; hộ chính sách, khuyết tật; hộ không có đất hoặc hộ người già (trên 70 tuổi)...
Ngày 21/3, con bê trị giá 20 triệu đồng được bàn giao cho hộ anh em ông Đức và Lập. Ba ngày sau, khi bê đang ở ngoài đồng thì bỏ ăn, không thể bước đi, một ngày sau lăn ra chết.
Gia đình ông Đức báo chính quyền xã và đại diện nhà cung ứng, sau đó đem chôn bê. Hai hộ được đại diện bên cung ứng bê đưa một triệu đồng công chôn cất, bù thêm 8 triệu đồng nữa và thống nhất "không được cấp lại bò".
"Con bò ốm yếu từ lúc mới đưa về và chắc chắn đã mắc bệnh từ trước...", ông Đức nói và cho hay cơ quan thú y không lấy mẫu bệnh phẩm bê chết để xét nghiệm tìm nguyên nhân mà "xử lý nhanh gọn".
Cũng ở xã Ái Thượng, ông Trương Văn Ất, 62 tuổi, phản ánh ông và gia đình hàng xóm Nguyễn Xuân Toàn chung nhau nhận con trâu trị giá 22,8 triệu đồng. Vì định mức chỉ 10 triệu đồng nên hai gia đình phải phụ thêm 2,8 triệu đồng.
Nhận được hai ngày, ông Ất phát hiện trâu bị lở mồm long móng, làm lây sang hai con trâu của gia đình. Ông Ất báo cáo chính quyền và thú y địa phương. Xác định con trâu bị bệnh, đơn vị cung ứng thu lại trâu và trả cho hai gia đình 11 triệu đồng. Trừ khoản tiền bù ra 2,8 triệu đồng, ông Ất và ông Toàn mỗi người chỉ nhận lại hơn 4 triệu đồng.
Con trâu của gia đình chị Phạm Thị Thúy và người chị dâu mua của đơn vị cung ứng giá 23,9 triệu đồng, nhưng đại diện nhà cung cấp giống chỉ trả hơn 13 triệu đồng. Ảnh: Lê Hoàng. |
Tương tự, gia đình chị Phạm Thị Thúy và chị dâu Hà Thị An nhận con trâu 23,9 triệu đồng, vừa giao khỏi tay bên cung ứng đã hỏi mua lại nhưng chỉ trả 13,4 triệu đồng. Cho là quá rẻ mạt, hai gia đình không đồng ý, dắt trâu về nuôi.
Chị Thúy nói: "Con trâu bị nâng giá cao gấp đôi thực tế, ức phát khóc, nhưng méo mó có hơn không. Cán bộ ban dự án huyện thông báo nếu sau ngày 21/3, ai không nhận thì mất quyền lợi nên đành chấp nhận".
Anh Phạm Văn Giang, 29 tuổi, phản ánh được giới thiệu nhận con bò giá 15 triệu. Do không có tiền đối ứng (5 triệu đồng) và không có điều kiện chăn thả vì nhà mặt phố, hôm 21/3 gia đình anh được đại diện bên cung ứng phát cho 4,8 triệu đồng, song vẫn phải ký hồ sơ nhận đủ 10 triệu đồng. "Họ không giải thích vì sao bớt xén tiền của chúng tôi một cách vô lý như vậy", anh Giang nói.
Theo quy định của dự án, người dân chỉ nhận con giống hoặc máy móc phục vụ sản xuất, không được cấp tiền. Nhưng vì trâu bò ốm yếu, một số hộ ở xã Ái Thượng chấp nhận bán lỗ cho bên cung ứng, lấy tiền ít hơn cả chục triệu đồng.
Các hộ nhận máy móc ở Bá Thước cũng phản ánh bị bớt xén tiền hoặc ép giá. Một chủ hộ (xin giấu tên) phản ánh, gia đình anh ban đầu đăng ký nhận bò, nhưng khi xem thấy bị đội giá cao hơn thị trường nên chuyển sang nhận tủ bảo ôn để kinh doanh. "Dù chiếc tủ chỉ giá khoảng 7 triệu đồng, tôi vẫn phải ký hồ sơ quyết toán cho bên cung ứng giá 10 triệu đồng", anh nói.
Dự án nâng cấp quốc lộ 217 giai đoạn 2 khiến 6 xã gồm Thiết Ống, Lâm Xa (cũ), Ái Thượng, Điền Lư, Điền Quang và Điền Trung bị ảnh hưởng với gần 1.000 hộ dân trong diện được hỗ trợ phục hồi thu nhập. Hiện Ban quản lý dự án của huyện đã cấp phát trâu bò, máy móc cho ba xã.
Trước phản ánh của người dân về việc con giống, máy móc bị ép giá, ông Võ Minh Khoa, Phó chủ tịch huyện Bá Thước, cho hay Ban quản lý dự án chỉ định hướng, lựa chọn đơn vị cung ứng rồi giới thiệu cho dân. "Giá cả hai bên tự thỏa thuận, chúng tôi chỉ kiểm soát", ông Khoa nói.
Về thông tin người dân cho rằng nhà cung ứng là người thân của mình, ông Khoa phủ nhận, nói "chỉ là người cùng quê, không có họ hàng".
Ngày 26/3, Chủ tịch UBND huyện Bá Thước Nguyễn Văn Dũng đã ký công văn yêu cầu Ban quản lý dự án kiểm tra, đánh giá lại chương trình hỗ trợ sinh kế, nếu thực hiện chưa đúng phải tạm dừng, chờ điều chỉnh phù hợp. Ban quản lý dự án huyện nếu để xảy ra sai phạm phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Dự án nâng cấp quốc lộ 217 giai đoạn 2 triển khai từ đầu năm 2018, có tổng mức đầu tư hơn 1.710 tỷ đồng (tương đương 80 triệu USD, trong đó hơn 73,3 triệu USD là vốn vay của Ngân hàng Phát triển châu Á - ADB và 7 triệu USD là vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam). Dự án do Bộ Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư, Ban quản lý dự án I là đại diện chủ đầu tư.
Theo dự án, khoảng 45 km đường qua ba huyện là Hà Trung, Cẩm Thủy và Bá Thước sẽ được nâng cấp, đạt tiêu chuẩn đường cấp III miền núi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét