Chủ Nhật, 29 tháng 3, 2020

'Nguy cơ lây nhiễm nCoV từ Bệnh viện Bạch Mai rất lớn'

Phân tích số liệu, biện pháp phòng dịch của Bệnh viện Bạch Mai, Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung nói "rất có thể Bạch Mai sẽ phát hiện thêm ca bệnh".

Sáng 29/3, tại hội nghị trực tuyến của Chính phủ với một số tỉnh, thành về phòng chống Covid-19, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã phân tích nguy cơ lây nhiễm nCoV từ Bệnh viện Bạch Mai - nơi ghi nhận 16 bệnh nhân.

Chủ tịch Hà Nội nhận định ổ dịch ở Viện Bạch Mai là ổ dịch lớn nhất nước hiện nay. Ảnh: Giang Huy.

Chủ tịch Hà Nội nhận định ổ dịch ở Viện Bạch Mai là ổ dịch lớn nhất nước hiện nay. Ảnh: Giang Huy.

Chủ tịch Chung chia sẻ, ngày 19/3, khi nhận thông tin hai y tá ở Bệnh viện Bạch Mai dương tính nCoV, thành phố xác minh những người tiếp xúc gần, tổ chức xét nghiệm, cách ly. "Tối 19/3, tôi trao đổi trực tiếp với lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai và Thứ trưởng thường trực Y tế, kiến nghị đóng, phong tỏa một số khoa, giảm tải tiếp nhận bệnh nhân", ông Chung nói và cho hay đề xuất không được chấp nhận.

Những ngày sau, Bệnh viện Bạch Mai đã chuyển trên 5.000 bệnh nhân đang điều trị về các tỉnh, thành miền Bắc. Riêng Hà Nội tiếp nhận gần 1.600 người bệnh. "Thành viên Ban chỉ đạo của thành phố nói với nhau việc đưa bệnh nhân về địa phương chẳng khác nào thả gà ra đuổi. Sau ngày 19/3 đến trước khi Bạch Mai phong tỏa, mỗi ngày vẫn có hàng nghìn người bệnh và người nhà ra vào", ông Chung nói.

Chủ tịch Hà Nội cũng chỉ ra thực tế "bệnh nhân 86" (y tá Bệnh viện Bạch Mai) từ ngày 9 đến 14/3 đã phát thuốc cho khoảng 2.000 bệnh nhân HIV. 23 nhân viên Công ty Trường Sinh đi phát nước cho tất cả khoa trong Bệnh viện Bạch Mai, hiện đã có 2 ca dương tính nCoV. Trong 2 ca này, một người đã đến Khoa Thần kinh và tại khoa này đã phát hiện trường hợp dương tính (bệnh nhân 133 và 161).

Căn cứ thông tin do bệnh nhân đưa ra (vào nhà ăn của viện 5 lần), ông Chung đánh giá nhà ăn ở Bệnh viện Bạch Mai có nguy cơ lây nhiễm ra ngoài xã hội rất cao. Bởi mỗi ngày có khoảng 600-700 người vào đây ăn uống, cuối tuần khoảng 250 người. Hơn nữa, bộ phận nấu ăn mỗi ngày cung cấp cho khoảng 5.000-6.000 nhân viên trong bệnh viện. Khoảng 2.000-3.000 học viên, thực tập sinh của Hà Nội cũng như các tỉnh thành vào đây ăn uống.

Ông Chung nói đã nhờ một số chuyên gia về phòng chống bệnh tật trên thế giới phân tích lại những số liệu liên quan đến Bệnh viện Bạch Mai để đánh giá nguy cơ lây nhiễm Covid-19 ra cộng đồng. Các chuyên gia cho rằng, dịch bệnh ở Bệnh viện Bạch Mai còn phức tạp hơn ba bệnh viện nằm ở Daegu, Hàn Quốc; Lombardy, Italy và New York, Mỹ.

"Vì số người ra vào quá nhiều và số bệnh nhân quá đông nên Bệnh viện Bạch Mai phức tạp hơn cả ba bệnh viện trên. Ngoài ra, số học sinh, sinh viên ra vào đây cũng nhiều, nhưng đã chuyển về cách tỉnh thành rồi. Trường hợp này cũng như Vũ Hán dịp gần Tết, sau khi nhiễm bệnh nhiều người đã đi khắp nơi", Chủ tịch Hà Nội nêu.

Từ thực tế nêu trên, ông Chung kết luận: "Ổ dịch tại Bệnh viện Bạch Mai phức tạp nhất cả nước. Nguy cơ lây nhiễm từ bệnh viện ra cộng đồng rất lớn, rất có thể những ngày tới sẽ phát hiện thêm ca bệnh".

Hơn 600 người nhà bệnh nhân ở Viện Bạch Mai được đưa đi cách ly tập trung tối 28/3. Ảnh: Giang Huy.

Hơn 600 người nhà bệnh nhân ở Viện Bạch Mai được đưa đi cách ly tập trung tối 28/3. Ảnh: Giang Huy.

Chủ tịch Hà Nội đề nghị Chính phủ, Bộ Y tế cấp cho thành phố 15.000-20.000 bộ test. Thành phố có thể test nhanh trên diện rộng, trước mắt kiểm tra những phường xung quanh Bệnh viện Bạch Mai, nơi có bệnh nhân chạy thận, HIV, nơi trọ bệnh nhân ngoại trú, người bán máu thường xuyên...

Nêu ý kiến về ổ dịch ở Bệnh viện Bạch Mai, Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long nói: "Thái độ và tinh thần xử lý của Bộ là rất quyết liệt". Ngay khi phát hiện các trường hợp dương tính, Bộ Y tế đã chỉ đạo Bệnh viện Bạch Mai phong tỏa, cách ly tất cả bác sĩ, nhân viên y tế và người nhà bệnh nhân tại tại khoa có ca bệnh. Trung tâm Nhiệt đới của bệnh viện có 251 người và Khoa Thần kinh có 319 người đều được cách ly khi phát hiện ra trường hợp dương tính.

Bộ đã xét nghiệm tất cả nhân viên y tế cũng như bệnh nhân, người nhà ở Bệnh viện Bạch Mai để tìm ra nguồn truyền nhiễm. Trên 6.000 mẫu được lấy và đã có kết quả hơn 5.600 mẫu âm tính, phát hiện 9 ca dương tính. Trong số 9 ca này có 7 người thuộc Công ty Trường Sinh.

"Đêm 27/2, sau khi phát hiện hai trường hợp ở Công ty Trường sinh, Bộ Y tế đã thảo luận và báo cáo Phó thủ tướng. Như vậy nguồn bệnh ở công ty Trường Sinh là chính chứ không phải từ nhân viên y tế. Ngay lập tức Bộ Y tế yêu cầu phong tỏa toàn bộ Bệnh viện Bạch Mai trong đêm 0h ngày 28/3", ông Long nêu.

Thứ trưởng Y tế cho biết đã đề nghị Bộ Công an khoanh lại toàn bộ Công ty Trường Sinh. Ngoài ra, một nguồn có nguy cơ làm lây lan dịch là mạng lưới những người chăm sóc bệnh nhân ở các bệnh viện, do đó Bộ cũng đề nghị Bộ Công an khoanh vùng những đối tượng này.

"Bộ đã làm việc với Bệnh viện Bạch Mai để trích suất camera các xe đi vào bệnh viện Bạch Mai từ ngày 12/3 đến nay, lấy lại biển số xe đi vào đây kể cả lái xe Grab, Uber để có biện pháp kiểm soát dịch", ông Long nói.

Sáng 29/3, Bộ Y tế xác định thêm 5 trường hợp dương tính mới, nâng tổng số ca bệnh trên cả nước là 179. Trong 5 trường hợp công bố, có 4 ca liên quan tới Bệnh viện Bạch Mai. Như vậy, Bệnh viện Bạch Mai đã ghi nhận 16 ca nhiễm.

Để ngăn dịch lây lan, Chủ tịch Hà Nội đề xuất ngành y tế xem xét cơ chế mua trang thiết bị phục vụ chống dịch, trong đó có máy thở (Hà Nội hiện có 260 máy và có kế hoạch mua thêm tối đa 100 máy).

Thành phố kiến nghị Bộ Y tế cho Hà Nội chủ động công bố ca bệnh khi có kết quả xét nghiệm để thành phố kịp ứng ứng phó.

Hà Nội đề xuất Thủ tướng có văn bản cấm những người làm ở nhà hàng, khách sạn, người phục vụ ở các cửa hàng quần áo ở phố cổ Hà Nội... phải tạm trú tại chỗ, không được về quê để tránh làm lây lan dịch; kiến nghị cho một số cơ quan hành chính của cả nước nghỉ làm.

Võ Hải

Let's block ads! (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét