Thứ Ba, 24 tháng 3, 2020

Thủy điện chặn dòng, hơn 100 ha cây trồng 'khát' nước

Kon TumNhà máy thủy điện là thủy điện Thượng Kon Tum tích nước ở thượng nguồn sông Đăk Snghé, khiến lượng nước chảy về hạ lưu thiếu hụt.

Ngày 24/3, sông Đăk Snghé, chảy qua thôn 3, xã Tâp Lập, huyện Kon Rẫy khô cạn, trơ đá. Bên cạnh, một đoạn kênh dẫn nước từ con sông này xuống hạ nguồn vẫn còn nước.

Hàng chục người dân tận dụng bơm tưới cứu cà phê, lúa. Đứng trên ruộng lúa rộng hơn 1,3 ha đang dần héo lúa, khô khốc, bà Doãn Thị Nhâm, 65 tuổi, thôn 3, cho biết, trồng lúa hơn 20 năm, nguồn nước chủ yếu dẫn từ sông Đăk Snghé.

Thế nhưng 20 ngày qua, dòng nước đổ về kênh dẫn ra ruộng bỗng khô cạn. Hơn một ha lúa của gia đình bà chết héo, còn lại 3 sào thì đang có dấu hiệu vàng úa. "Hôm nay may mắn thủy điện Đăk Ne xả, bà con tận dụng bơm cứu cây trồng", bà Nhâm cho hay.

Dòng sông Đăk Snghé trơ đáy. Ảnh: Ngọc Oanh.

Dòng sông Đăk Snghé trơ đáy. Ảnh: Ngọc Oanh.

Cách ruộng bà Nhâm khoảng 500 m, vườn cà phê rộng 2,5 ha của ông Trần Văn Trường, 60 tuổi, đang héo rũ, nhiều cây thiếu nước đã chết khô. Vườn cà phê của ông Trường nằm cách xa kênh thủy lợi, nếu muốn tưới phải chuẩn bị từ sớm. Ông dự tính ngày mai sẽ đưa máy ra bơm nước tưới cây. 

Ông Trường kể, 14 năm trồng cà phê, chưa có mùa vụ nào thiếu nước trầm trọng như năm nay. Tuần trước, ông cùng dân làng dùng bao cát chặn dòng suối, nhưng bơm được vài sào đã trơ đáy. "Nếu tình trạng này còn kéo dài, cây trồng sẽ chết, thậm chí giếng nước sinh hoạt cũng không có", ông Trường lo lắng.

Ông Lê Thanh, Phó Ban Quản lý dự án Công ty cổ phần thủy điện Vĩnh Sơn Sông Hinh (chủ đầu tư nhà máy thủy điện Thượng Kon Tum) cho hay, cuối tháng 2 thủy điện thượng Kon Tum bắt đầu chặn dòng, tích nước tạm để nghiệm thu hạng mục cụm đầu mối (đập dâng, đập tràn, cửa nhận nước) và thử nghiệm thiết bị. "Trước khi thực hiện việc tích nước, chúng tôi đã thông báo cho người dân, chính quyền địa phương", ông Thanh khẳng định.

Trong thời điểm thủy điện Thượng Kon Tum tích nước, thủy điện Đăk Ne phải thường xuyên xả 1,29 m3/s ra môi trường (ở hạ nguồn cách khoảng 30 km). 

Riêng diện tích cây trồng của người dân bị ảnh hưởng do thiếu nước, ông Thanh thừa nhận phía thủy điện Thượng Kon Tum cũng có một phần trách nhiệm. "Sắp tới thống kê lại thiệt hại, đơn vị sẽ thống nhất với thủy điện Đăk Ne để có hướng bồi thường cho người dân", ông Thanh nói.

Ông Nguyễn Văn Quân, thành viên HĐQT Công ty cổ phần đầu tư năng lượng Trường Thịnh (đơn vị chỉ quản nhà máy thủy điện Đăk Ne) cho biết, khi thủy điện Thượng Kon Tum chặn dòng, tích nước dòng sông chính hầu như khô hạn.

Trước đây lưu lượng nước chảy về Thủy điện Đăk Ne 10-12 m3/s nhưng hiện lưu lượng nước đổ về chỉ ở mức 0,75 giây trên m3. Nguồn nước này chủ yếu từ các con suối, khe ở trên núi chảy về. "Trước mắt chúng tôi sẽ tiến hành tích nước ban đêm và xả nước vào ban ngày, đảm bảo nước tưới cho bà con từ 8h đến 17h", ông Quân nói.

Thủy điện Thượng Kon Tum chặn dòng, tích nước hơn một tháng nay. Ảnh: Ngọc Oanh.

Thủy điện Thượng Kon Tum chặn dòng, tích nước hơn một tháng nay. Ảnh: Ngọc Oanh.

Theo thống kê của UBND xã Tân Lập, hiện trên địa bàn thôn 3 có hơn 100 ha cây trồng gồm 92 ha cà phê, hơn 9 ha cây ăn trái, 5 ha hồ tiêu, 2 ha lúa bị héo úa do thiếu nước tưới. 

Ông Nguyễn Văn Thủy, Phó chủ tịch UBND huyện Kon Rẫy, cho biết để cứu cây trồng, UBND huyện đã huy động hàng trăm người dân đắp bao tải cát chặn, dẫn dòng vào cửa lấy nước của mương thủy lợi nhằm bảo đảm nguồn nước tưới, nhưng không đủ. 

Tây Nguyên đang trong mùa khô hạn, nhiều hồ đập cạn khô, ở mực nước chết. Hàng chục nghìn ha cây trồng thiếu nước tưới. Ở Kon Tum, những cánh đồng thiếu nước bắt đầu nứt toác, cây trồng cháy khô.

Theo dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn Quốc gia, tình hình khô hạn ở Tây Nguyên năm nay còn kéo dài đến tháng 5, mực nước trên các sông xuống dần và ở mức thấp nhất chuỗi số liệu quan trắc. Lượng dòng chảy trên các sông thiếu hụt 25-75 % so với cùng kỳ, một số sông thiếu hụt trên 90%.

Trần Hóa

Let's block ads! (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét