Thứ Sáu, 27 tháng 3, 2020

Những người chặn dịch ở cửa khẩu miền Trung

Quảng TrịNhiều ngày qua, bác sĩ Võ Thành Phong, nhân viên kiểm dịch tại Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo không dám về nhà.

Bác sĩ Phong đang kiểm dịch y tế tại cửa khẩu quốc tế Lao Bảo. Ảnh: Hoàng Táo

Bác sĩ Phong đang kiểm dịch y tế tại cửa khẩu quốc tế Lao Bảo. Ảnh: Hoàng Táo

Từ 18/3 đến nay, bác sĩ Phong cùng 12 cán bộ, nhân viên Khoa kiểm dịch y tế, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Trị được tăng cường lên cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, do dòng người từ Thái Lan, Lào về nước tăng đột biến. Mỗi ngày có hàng trăm người về qua cửa khẩu này.

"Chúng tôi chia làm nhiều ca trực trong ngày, mỗi ca khoảng 8 người, quay vòng để có thời gian nghỉ tay ăn cơm, vệ sinh", bác sĩ Phong nói. 

Trong những ngày qua, bằng biện pháp chuyên môn, bác sĩ Phong phát hiện bốn người nghi nhiễm nCoV, phải đưa đi cách ly y tế. "Mỗi lần như vậy tôi không dám về nhà. Chẳng may có trường hợp dương tính, không chỉ mình mà vợ con đều bị cách ly, cuộc sống đảo lộn. Ngoài ra, nguy cơ lây nhiễm cho gia đình rất cao. Tôi phải chờ một, hai ngày, khi ca nghi nhiễm có kết quả âm tính mới dám về", ông chia sẻ và cho biết nhà chỉ cách chỗ làm khoảng 20 km.

Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo áp dụng mô hình một cửa một lần dừng, thời gian làm việc từ 7h sáng đến 22h đêm. Tuy nhiên những ngày qua đội kiểm dịch nhiều khi làm việc đến 1h sáng.

Căn phòng nhỏ bên cổng lớn vào cửa khẩu trở thành nơi làm việc của cán bộ kiểm dịch. Tại đây, tất cả người về nước phải khai báo y tế, đo thân nhiệt, sau đó đi làm thủ tục nhập cảnh tại biên phòng. Hai bàn làm việc được kê gọn, chia làm hai luồng kiểm dịch. Các cán bộ y tế làm việc luôn tay; đến giờ ăn, họ thay nhau ra ngoài ăn cơm bụi rồi nhanh chóng trở về vị trí.

"Lượng người nhập cảnh đông nên bà con hay chen lấn, nhiều người không nghe theo hướng dẫn, chạy lên tiếp xúc quá gần với cán bộ kiểm dịch", bác sĩ Phong cho hay. Trong khi đó, đội kiểm dịch chỉ được trang bị găng tay, khẩu trang nên họ phải tìm mọi cách hạn chế lây nhiễm như đo thân nhiệt từ xa, gọi từng nhóm nhỏ vào kiểm dịch, trong đó ưu tiên phụ nữ, trẻ em, người già, người mang thai.

Nhà chức trách gọi tên các công dân lên xe về khu cách ly tập trung. Ảnh: Hoàng Táo

Nhà chức trách gọi tên các công dân lên xe về khu cách ly tập trung. Ảnh: Hoàng Táo

Những ngày này, Trạm kiểm soát Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Lao Bảo phải huy động 100% nhân lực để đảm bảo công việc thông suốt.

Từ ngày 18/3 đến nay, cửa khẩu này đã tiếp nhận 2.072 người Việt Nam nhập cảnh từ Lào. Trong đó, 1.110 người quê ở tỉnh Thừa Thiên Huế, được xe quân sự đưa về tỉnh này để cách ly. Số còn lại cách ly nhiều cơ sở khác nhau tại Quảng Trị.

Thiếu tá Nguyễn Việt An, Trạm trưởng kiểm soát cho hay, Chính phủ đã yêu cầu tất cả người nhập cảnh từ các nước ASEAN phải đi cách ly tập trung. Do vậy, trước đây bộ đội biên phòng trả hộ chiếu cho công dân sau khi nhập cảnh, nhưng nay phải giữ lại hộ chiếu, rà soát và phân loại theo quê quán, nhóm người thân, bạn bè đi chung... để có kế hoạch đưa lên xe cách ly cho hợp lý.

Sau khi làm thủ tục nhập cảnh, công dân được hướng dẫn qua nhà cách ly tạm thời, chờ gọi tên lên xe về khu cách ly tập trung.

"Chúng tôi huy động tối đa quân số, làm việc không kể ngày đêm để giảm tải cho cửa khẩu, vừa để bà con yên tâm, bớt mệt mỏi do phải chờ đợi lâu", thiếu tá An nói.

Nhiều hôm giải quyết thủ tục nhập cảnh đến quá nửa đêm, chỉ chợp mắt được hai, ba tiếng đồng hồ, cán bộ, chiến sĩ đồn biên phòng Lao Bảo đã phải thức giấc chuẩn bị cho ngày làm việc mới.

Phát cơm miễn phí cho công dân trong khu vực cách ly tạm thời. Ảnh: Hoàng Táo

Phát cơm miễn phí cho công dân trong khu vực cách ly tạm thời. Ảnh: Hoàng Táo

Vào khung giờ trưa và tối, công dân được cung cấp miễn phí suất ăn, nước uống, có khi là cơm hộp hay ổ bánh mì... Ở khu vực cách ly tạm thời, biên phòng phối hợp của công an, nhân viên Trung tâm quản lý cửa khẩu đảm bảo trật tự, phát cơm nước cho người dân.

"Dịch càng diễn biến phức tạp ở nước ngoài thì bà con về nước ngày càng đông. Dù biết về nước phải đi cách ly song người dân cho rằng về gần nhà vẫn yên tâm hơn", thiếu tá An nói.

Trước nguy cơ lây nhiễm do tiếp xúc với nhiều người, thượng úy Phạm Văn Luận cho hay anh cùng đồng đội thường xuyên rửa tay bằng cồn sát khuẩn, đeo khẩu trang, kính bảo hộ. "Dù biết đồ bảo hộ chỉ mang tính chất hạn chế rủi ro, không ngăn được 100% nhưng chúng tôi vẫn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ, giữ cho tuyến sau được an toàn", Thượng uý Luận nói.

Dù bận rộn nhưng biết ở nhà vợ con lo lắng, nên thượng uý Luận thường tranh thủ gọi điện về động viên gia đình. Anh chỉ có chút ít thời gian để hỏi hỏi thăm, nghe con nói đôi ba câu rồi trở lại với nhiệm vụ, "thế nhé, ba còn phải làm việc". 

Chị Nguyễn Thị Trang, 31 tuổi, quê ở Thừa Thiên Huế cho biết hai vợ chồng cùng hai con nhỏ từ Lào về cửa khẩu Lao Bảo sáng 26/3 để tránh Covid-19. "Tôi rất yên tâm khi được nhà nước bố trí đi cách ly 14 ngày. Cán bộ ở cửa khẩu tận tình giúp đỡ, lên xe về đến quê hương là mừng lắm rồi", chị nói. 

Let's block ads! (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét