NSƯT Phạm Bằng; "Lão Quềnh" Hán Văn Tình, nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9....là những tên tuổi lớn, ra đi trong sự tiếc thương vô hạn của người hâm mộ. Làng nghệ thuật Việt đã có một năm đầy mất mát và đau buồn.
NSƯT Phạm Bằng
Ngày 31/10, người hâm mộ Việt bàng hoàng nghe tin "sếp" Phạm Bằng qua đời bởi căn bệnh viêm gan, hưởng thọ 85 tuổi. Hình ảnh lão nghệ sĩ gầy gò khi sụt 8 kg sau 2 tháng điều trị tại TP.HCM khiến khán giả xót xa.
NSƯT Phạm Bằng sinh năm 1931 là một nghệ sĩ sân khấu, hài kịch và truyền hình Việt Nam. Ông khởi nghiệp từ sân khấu kịch và chương trình Gặp nhau cuối tuần là nơi thực sự đưa nghệ sĩ Phạm Bằng đến với công chúng một cách sâu rộng.
Đối với thế hệ 8x, 9x đời đầu, nghệ sĩ Phạm Bằng là cả một tuổi thơ. Chẳng ai có thể quên được hình ảnh ông sếp xu nịnh với chất giọng đặc sệt "quan liêu" nhưng không kém phần hài hước của ông. Bộ tứ "sếp" Phạm Bằng, hai nhân viên Thắng "vẹo" (nghệ sĩ hài Quang Thắng) và Khánh "râu" (nghệ sĩ Quốc Khánh) cùng cô bồ nhí Vân Dung trong các tiểu phẩm Chuyện của sếp để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người hâm mộ.
Nghệ sĩ Phạm Bằng có 4 người con (3 gái, 1 trai). Vợ ông đã mất năm 2003 và ông bị khủng hoảng tinh thần một thời gian dài. Người nghệ sĩ nhân dân còn ấp ủ dự định tham gia đóng phim và tham gia chương trình Tết 2017, nhưng ông ra đi để lại mọi thứ còn dang dở và niềm tiếc thương vô hạn.
Nghệ sĩ Hán Văn Tình
Sau một thời gian dài chống trọi với căn bệnh ung thư, nghệ sĩ Hán Văn Tình đã ra đi vào ngày 4/9 tại nhà riêng. Nam diễn viên bị phát hiện mắc ung thư vào đầu năm 2015. Sau gần một tháng điều trị, gia đình đưa ông về nhà vì không trả nổi viện phí. Ngay sau đó, bạn bè, người thân và khán giả đã giúp đỡ và hỗ trợ kinh phí để nam diễn viên vượt qua thời kỳ khó khăn và có cơ hội chữa bệnh. Mặc dù mang trọng bệnh nhưng Hán Văn Tình vẫn giữ thái độ lạc quan với cuộc sống.
Nghệ sĩ Hán Văn Tình sinh năm 1957 tại Văn Lang, Tam Nông, Phú Thọ, học Trường đào tạo Sân khấu ở Hà Nội từ năm 1973. Sau khi tốt nghiệp về Đoàn tuồng Trung ương (nay là Nhà hát Tuồng Việt Nam), ông giữ cương vị đoàn trưởng đoàn 2.
Ông nổi tiếng với các vai diễn Chu Văn Quềnh trong phim Đất và người, Sở trong Bão qua làng, Trọc trong Canh bạc, Tuần trong Người thổi tù và hàng tổng…
Ca sĩ Minh Thuận
Căn bệnh ung thư phổi đã cướp đi sinh mạng giọng ca Tình thơ Minh Thuận. Anh trút hơi thở cuối cùng vào 8h15 ngày 18/9, hưởng thọ 47 tuổi. Minh Thuận sinh năm 1969, là nghệ sĩ nổi tiếng cùng thời với Phương Thanh, Lam Trường. Cuộc đời ca hát của Minh Thuận gắn liền với cái tên Nhật Hào. Họ từng là cặp song ca đình đám những năm đầu thập kỷ 90.
Sau khi nhóm tan rã, con đường âm nhạc của Minh Thuận từ đó không thuận lợi. Anh chuyển hướng đóng phim truyền hình và điện ảnh. Trong đó, vai Ninh Lâm (hay còn gọi là Lâm Ca rô) của anh trong phim truyền hình Cô gái xấu xí được khán giả rất yêu thích.
Minh Thuận từng bị tai biến và phát hiện bệnh phổi từ tháng 8/2015 . Sức khỏe anh ngày càng chuyển biến xấu. Mặc dù đã biết bệnh tình của anh, nhưng nhiều đồng nghiệp và người hâm mộ vẫn đau đớn trước sự ra đi của người nghệ sĩ thầm lặng và đa cảm.
Ca sĩ Trần Lập
Thủ lĩnh ban nhạc Bức Tường, Trần Lập ra đi đột ngột trong sự tiếc thương, đau xót của gia đình và bạn bè vào sáng 17/3 tại nhà riêng. Anh ra đi sau 6 tháng chống trọi với căn bệnh ung thư trực tràng.
Nhắc đến Trần Lập, người ta không chỉ nhắc đến nam ca sĩ máu lửa của nhóm Bức Tường, với những bản nhạc rock trở nên quen thuộc trong giới trẻ như: Bông hồng thủy tinh, Tâm hồn của đá... mà còn nhớ đến người nghệ sĩ đầy nghị lực. Khi biết tin mình mắc căn bệnh ung thư, Trần Lập đối diện với thái độ lạc quan. Anh chia sẻ trên trang cá nhân của mình và cho biết đã đến lúc cần chiến đấu như một người lính. Suốt nhiều tháng dài chữa trị, chưa lúc nào người ta thấy nam ca sĩ từ bỏ hy vọng.
Anh và ban nhạc của mình còn tổ chức thành công liveshow Đôi bàn tay thắp lửa diễn ra đêm 16/1 tại Trung tâm triển lãm Giảng Võ (Hà Nội). Đêm nhạc không chỉ gây xúc động với các nghệ sĩ tham gia, mà còn chuyển tải một thông điệp đẹp đến cuộc đời, lạc quan và kiên định trước mọi khó khăn.
Nhưng đó cũng là sân khấu cuối cùng trong cuộc đời của Trần Lập. Anh sinh năm 1974 và ra đi ở tuổi 42.
Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9
Vị nhạc sĩ già tài hoa của làng nhạc Việt Nguyễn Ánh 9 đã qua đời vào ngày 14/4 ở tuổi 78. Ông bị bệnh về đường hô hấp kèm suy thận, suy tim khiến sức khỏe giảm sút trong nhiều năm nay. Thông tin này khiến người hâm mộ những ca khúc dịu dàng, trữ tình cùng tiếng dương cầm mềm mại, réo rắt của ông đau đớn khôn nguôi.
Nguyễn Ánh 9 tên thật là Nguyễn Đình Ánh, sinh năm 1940 tại Phan Rang. Ông chuyển vào Sài Gòn sống từ năm 11 tuổi. Nhạc sĩ sáng tác không nhiều nhưng ca khúc của ông ghi dấu trong lòng nhiều thế hệ như: Không, Tình yêu đến trong giã từ, Bơ vơ, Cô đơn, Buồn ơi chào mi, Lặng lẽ tiếng dương cầm... Âm nhạc của ông được yêu thích bởi chất tình và nỗi buồn man mác thấu tận tâm can.
Nhạc sĩ Thanh Tùng
Nhắc đến những ca khúc như "Em và tôi","Hát với chú ve con", "Lối cũ ta về", "Lời tỏ tình mùa xuân" là người hâm mộ nhớ đến cố nhạc sĩ Thanh Tùng. Ông qua đời vào ngày 15/3 tại Bệnh viện Bạch Mai, hưởng thọ 69 tuổi.
Nhạc sĩ Thanh Tùng sinh ngày 15/9/1948 tại Nha Trang, Khánh Hòa. Năm sáu tuổi, ông theo cha mẹ tập kết ra Bắc và lớn lên tại Hà Nội. Ông tốt nghiệp Nhạc viện Bình Nhưỡng, Triều Tiên năm 1971, khi mới 23 tuổi. Trở về nước, Thanh Tùng đảm nhận vai trò chỉ huy dàn nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam II từ 1971 tới 1975. Sau đó, ông vào sống tại TPHCM và là một trong những người có công xây dựng Dàn nhạc nhẹ Đài truyền hình TPHCM. Ông cũng từng chỉ huy hợp xướng và chỉ đạo nghệ thuật Đoàn Ca múa Bông Sen trước khi công tác tại Hội Âm nhạc TPHCM.
Vị nhạc sĩ đáng kính bị liệt sau trận tai biến năm 2008, không còn đi lại được và mất khả năng nói. Ngoài ra, ông còn bị tiểu đường và bị thận. Sinh thời, Thanh Tùng nổi tiếng là người có tâm hồn lãng du, phóng khoáng.Nhiều năm qua, ông sống trên chiếc xe lăn nhưng vẫn giữ tinh thần lạc quan đúng như những gì mà ông gửi gắm trong các tác phẩm âm nhạc.
NSƯT Út Bạch Lan
Những ngày cuối năm, làng giải trí Việt đón nhận thông tin về sự ra đi của cây đại thụ cải lương, nghệ sĩ Út Bạch Lan sau thời gian điều trị bệnh nan y, hưởng thọ 81 tuổi.
Bà được biết đến là giọng ca mẫu mực và tài năng của nghệ thuật sân khấu cải lương, được mệnh danh "sầu nữ". Út Bạch Lan tên thật là Đặng Thị Hai, sinh năm 1935, tại ấp Lộc Hóa, xã Lộc Giang, Đức Hòa, Long An.
Bà thành danh trên sân khấu cải lương miền Nam từ những năm 1960 với vai cô lái đò trong vở Tình tráng sĩ. Sau đó, hàng loạt những tác phẩm gây tiếng vang của bà như: Nửa đời hương phấn, Chưa tắt lửa lòng, Bên đồi trăng cũ, Người đẹp thành Bát Đa... Đến nay, Út Bạch Lan được xem là nghệ sĩ gạo cội của làng cải lương, là "viên ngọc quý" với giọng hát và phong cách diễn mượt mà, trữ tình có một không hai.
Trong cuộc đời nghệ thuật của mình, bà còn giúp đỡ nhiều nghệ sĩ trẻ đó có ba nghệ sĩ đã được nhà nước trao tặng danh hiệu NSƯT Mỹ Thu, Phương Hồng Thủy, Ngân Vương. Bởi vậy, các lớp nghệ sĩ trong nghề đều gọi bà với cái tên thân thương là “má Út”. Bên cạnh đó, bà còn thường xuyên biểu diễn văn nghệ để gây quỹ từ thiện cho chùa, hoặc giúp đỡ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn.
new action movies 2016 - new horror movies 2016 - new sci fi movies 2016 - new comedy movies 2016 - new martial arts movies - new drama movies - new adventure movies - new romance movies 2016
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét