Ngâm mình dưới nước lạnh để bắt phi, nhiều người dân ở xã Tam Tiến (Quảng Nam) kiếm được từ vài trăm nghìn đến cả triệu đồng mỗi ngày.
Những ngày gần đây thủy triều xuống, sông Trường Giang chảy qua huyện Núi Thành cạn nước. Hàng chục người dân địa phương tranh thủ đưa thuyền và đồ nghề ra sông bắt phi - một đặc sản của xứ Quảng, giống con trai biển nhưng vỏ mỏng hơn.
Ông Trần Lực cùng vợ, con (trú xã Tam Tiến) chọn khu vực nước sâu gần một mét để đánh bắt. Họ cắm chiếc cọc dài 4 mét xuống sông, dùng dây thừng cố định thuyền rồi nổ máy khiến chân vịt đẩy nước cuốn trôi đất cát. Vùng nước xoáy đục ngầu tạo thành những hố sâu dưới đáy sông, lộ ra con phi. Đồ nghề ông Lực mang theo là chiếc cào làm bằng khúc tre dài 2 m, một đầu gắn tấm lưới để vợt số phi ẩn mình dưới lớp đất cát ở đáy sông.
"Con phi dài hơn 5 cm, sống ở vùng nước mặn và lợ, thường ẩn mình dưới lớp bùn cát sâu gần nửa mét", ông Lực cho hay. Cứ khoảng 5 phút, ông Lực đưa vợt lên xuống một lần, thu được gần 10 con phi.
Hai vợ chồng ông Lực cùng con trai bắt phi nhờ chân vịt thuyền máy đẩy bùn cát dưới đáy sông. Ảnh: Đắc Thành. |
"Nghề này phụ thuộc vào thủy triều, mỗi tháng chỉ làm được 15 ngày khi nước xuống cạn, còn nước lớn thì đành chịu", ông nói. Mỗi ngày gia đình ông Lực thường ra sông bắt phi trong 3 giờ buổi sáng, thu được khoảng 70 kg, giá bán 20.000 đồng/kg. Trừ chi phí tiền dầu, mỗi người thu gần 500.000 đồng.
Bắt phi là nghề vất vả vì người dân phải ngâm mình trong nước nhiều giờ đồng hồ. Đôi tay cầm sào tre của họ chai sạn, làn da nhăn nhúm và thường bị vỏ phi cứa chảy máu.
Cách chỗ ông Lực khoảng 100 m, anh Nguyễn Hữu Tiến và ba người khác cũng ngâm mình trong nước, liên tục đưa vợt xuống chỗ chân vịt đẩy bùn cát để vớt phi. Nhóm của anh Tiến hôm nay gặp nơi nhiều phi nên chỉ hơn một giờ đã bắt được 300 kg.
Khi nước dâng lên, anh Tiến nghỉ tay và cho thuyền về bến. Thương lái chờ sẵn trên bờ để thu mua số phi của anh. "Từ ra Tết đến nay chúng tôi được mùa phi, trừ chi phí tiền dầu, tính ra mỗi người thu khoảng một triệu đồng mỗi ngày", anh Tiến cho hay.
Nghề bắt phi buộc ông Lực phải dầm mình trong nước liên tục. Ảnh: Đắc Thành. |
Với kinh nghiệm 10 năm bắt phi, anh Tiến nói thủy triều thường xuống vào rạng sáng nên họ phải dậy từ 3-4h hàng ngày để ra sông, "tuy dễ kiếm tiền nhưng mùa này phải ngâm mình dưới nước lạnh buốt liên tục".
Gần đây chính quyền địa phương cấm đánh bắt phi ở gần bờ để tránh sạt lở, do vậy công việc mưu sinh của người dân địa phương càng thêm khó khăn. "Chúng tôi phải tuân thủ quy định, nếu không sẽ bị xử phạt", anh Tiến cho hay.
Phi được chế biến thành nhiều món ăn. Ảnh: Đắc Thành. |
Phi bắt về được người dân địa phương cho vào nước muối ngâm một ngày để nhả cát. Ruột phi có ruột màu trắng ngần với hai tua dài, có thể chế biến thành nhiều món ăn khác nhau. "Đây là đặc sản xứ Quảng, rất bổ dưỡng nên từng được dùng để tiến vua", anh Tiến nói.
Bà Trần Thị Lan, thương lái ở xã Tam Tiến cho hay, trước đây người dân xã Tam Tiến thường chỉ bắt phi về chế biến thực phẩm trong gia đình, ít khi đưa ra buôn bán. Vài năm trở lại đây, thương lái thấy phi là món ăn ngon, lại dễ đánh bắt nên thu mua số lượng lớn để bán cho các nhà hàng, chợ đầu mối ở một số tỉnh miền Bắc.
"Bây giờ đang mùa lạnh nên ở miền Bắc chưa tiêu thụ nhiều, đến mùa hè, mỗi ngày tôi thu mua hàng trăm kg phi để xuất đi các tỉnh", bà Lan nói.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét