TP HCMÔng Phạm Hữu Quốc, Giám đốc Bệnh viện quận Gò Vấp, bị tố cáo thu gom hơn 500.000 khẩu trang bán kiếm lời, trong khi người dân không thể mua.
"Thanh tra Sở Y tế TP HCM đang làm rõ sự việc, xem xét có hay không sai phạm để báo cáo UBND TP HCM", bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai (Chánh Văn phòng Sở Y tế) cho biết ngày 28/2.
Trước đó, mạng xã hội đăng thông tin ông Phạm Hữu Quốc "thu gom khẩu trang đem ra nước ngoài bán giá cao kiếm lời" kèm hình ảnh giấy tờ giao dịch nhiều tỷ đồng. Sự việc thu hút quan tâm của dư luận do tình trạng khan hiếm khẩu trang phòng chống dịch nCoV đang diễn ra trầm trọng, người dân TP HCM không thể mua khẩu trang trong suốt thời gian dài.
Trả lời VnExpress, bác sĩ Quốc phủ nhận thông tin tố cáo và cho rằng mình bị "nhóm người kia chơi xấu".
Theo Giám đốc Bệnh viện quận Gò Vấp, từ ngày 15 đến 18/2, qua các mối quan hệ quen biết, ông gặp nhóm người do ông Mã Thanh (một đại gia giàu có) đứng ra đặt vấn đề mua khẩu trang y tế. Ông này nói muốn mua một lượng lớn khẩu trang mang sang Campuchia "làm từ thiện". Nghĩ đây là việc tốt, ông Quốc kêu nhân viên điều dưỡng tên Thái làm việc với nhóm người này.
Ông Thái sau đó liên hệ Công ty Thiên Kim mua 177 thùng khẩu trang loại bốn lớp, 25 thùng mua từ các nguồn bên ngoài - tổng số khẩu trang mua được là hơn 500.000 chiếc. Theo thỏa thuận giá mua mỗi thùng là 23,5 triệu đồng (470.000 đồng/hộp), bên mua chuyển khoản tiền cọc là 3,3 tỷ đồng. Tuy nhiên, hai bên xảy ra mâu thuẫn do bên mua chỉ đồng ý giá 11 triệu đồng/thùng (250.000 đồng/hộp).
Về việc tiền cọc chuyển vào tài khoản của mình, ông Quốc cho là "do họ không chuyển được vào tài khoản của Thái". Sau khi giao dịch không thành công, ông đã chuyển trả 2,8 tỷ đồng cho họ, yêu cầu lấy lại hàng nhưng bên mua không đồng ý. "Sau này tôi mới biết mình sơ suất có thể gây sự hiểu lầm là tôi bán khẩu trang kiếm lời", ông Quốc nói và cho biết mình nhiều lần bị nhóm người này đe dọa, đốt bệnh viện, "cho mất chức"... nên đã trình báo với Công an quận Gò Vấp.
"Hôm qua tôi phải làm việc với Thanh tra UBND quận Gò Vấp từ 16h đến 22h về việc này. Tôi chỉ là giúp đỡ người ta làm từ thiện nhưng bây giờ lại mang tiếng bán khẩu trang ăn lời. Tôi đang làm tường trình, chiều nay quận Gò Vấp sẽ họp đánh giá sự việc", ông Quốc nói.
Đại tá Trà Văn Lào (Trưởng Công an quận Gò Vấp) cho biết ông Quốc từng trình báo bị nhóm người đe dọa nhưng sau đó rút lại với lý do "hai bên đã thỏa thuận được". Đối với việc ông Quốc bị tố cáo thu gom khẩu trang bán kiếm lời, công an chưa vào cuộc vì sự việc đang được UBND quận lập tổ công tác xác minh.
Theo luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch (Đoàn luật sư TP HCM)t, nếu chứng minh được Giám đốc Bệnh viện Gò Vấp có hành vi thu gom lượng lớn khẩu trang để bán giá cao, cơ quan chức năng có thể xử lý theo khoản 1 Điều 46 Nghị định 185/2013/NĐ-CP (quy định trong hoạt động thương mại, sản xuất, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng...). Theo đó, người nào lợi dụng thiên tai, hỏa hoản, dịch bệnh... để thu gom hàng hóa bán lại khi thị trường khan hiếm sẽ bị xử phạt 5-10 triệu đồng. Mức xử phạt tối đa lên đến 100 triệu đồng đối với hàng hóa có giá trị từ một tỷ đồng.
Đối với cơ sở kinh doanh khẩu trang mặc dù có khẩu trang nhưng không bán để chờ tăng giá thì có thể bị xử phạt 5-10 triệu đồng theo Điều 47 Nghị định 185/2013/NĐ-CP. Người nào găm hàng trong kho vượt quá 150% so với lượng hàng hóa tồn kho trung bình của 3 tháng liền kề trước đó sẽ bị phạt tiền 20-30 triệu đồng.
Khẩu trang luôn là vấn đề khó khăn cho TP HCM trong cong cuộc phòng chống dịch nCoV. Hiện, 20 doanh nghiệp ở thành phố chỉ có thể cung cấp mỗi ngày hơn 2,5 triệu chiếc, trong khi đó chỉ riêng 5 nhóm người bắt buộc đeo khẩu trang (công chức sở ngành, quận huyện, tiểu thương, nhân viên trung tâm thương mại, khách sạn...) đã là hơn 322.000 người - tức 966.000 chiếc/ngày.
Tại cuộc họp của Ban chỉ đạo phòng chống dịch nCoV tối 25/2, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong nói rằng, thành phố có khoảng 2.000 trường học với khoảng 2 triệu học sinh. Nếu học sinh đi học đều đeo khẩu trang thì mỗi ngày cần khoảng 3 triệu chiếc. Đây là con số rất lớn mà thành phố khó đáp ứng nếu không muốn nói là bất khả thi.
Trước thực trạng thiếu khẩu trang do thiếu nguyên liệu sản xuất, Sở Công thương báo cáo Bộ Công Thương để kết nối với các nước có nguồn vải không dệt như Ấn Độ, Malaysia... Đồng thời Sở Công thương ký hợp đồng mua khẩu trang vải kháng khuẩn với Tổng công ty X28 (Bộ Quốc phòng) với khoảng 200.000 cái mỗi ngày và đặt hàng Tập đoàn Dệt may Việt Nam thêm 5 triệu chiếc để đảm bảo cung ứng cho thị trường.
Hà An - Hữu Công - Hải Duyên - Quốc Thắng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét