Khánh HòaThấy nhiều đứa trẻ ở Nha Trang không đến trường, thiếu tá Nguyễn Văn Tưởng, Đồn biên phòng Cầu Bóng, suốt 16 năm qua nhận thêm nhiệm vụ dạy học.
Mỗi tối, thiếu tá Tưởng, 45 tuổi, trong quân phục lính biên phòng lại trở thành thầy giáo. Gian phòng rộng khoảng 40 m2 tại nhà văn hóa khu phố 19, phường Vĩnh Phước với bàn ghế có sẵn thành lớp học của những đứa trẻ không có cơ hội đến trường.
Lớp học miễn phí được mở suốt 16 năm qua tại nhà văn hóa của phường ở Nha Trang: Ảnh: Xuân Ngọc. |
Đúng 19h, lớp học sáng đèn. Tiếng học bài ê a râm ran không ngớt. Ở phía trên, thiếu tá Tưởng kẻ chiếc bảng làm ba cột. Bên trái dành cho khối lớp 4-5 ôn lại kiến thức, mở rộng nội dung. Cạnh đó là chương trình lớp 2-3 và còn lại là các em học sinh lớp một.
Sau đó, "thầy giáo quân hàm xanh" đến từng chỗ học sinh kiểm tra nét viết trong tập, rồi bảo các em đọc lại chữ cái hôm trước đã học. Khi phát hiện nét chữ viết nguệch ngoạc, anh yêu cầu học trò xóa đi, viết lại theo chữ mẫu.
Một vài trường hợp loay hoay mãi nhưng chữ viết vẫn không tròn, anh lại động viên, rồi cầm tay các em viết theo. Sau vài phút, chữ viết thẳng với ô trong tập, anh quay sang kèm cho học sinh khác.
Lớp học diễn ra 19h-21h, từ thứ hai đến thứ sáu trong tuần với gần 30 em ở các độ tuổi khác nhau. Chương trình học lớp một đến năm.
Thiếu tá Tưởng kể, năm 2004 anh được phân công về Đồn biên phòng Cầu Bóng. Trong lần nhận nhiệm vụ đi cơ sở, anh phát hiện nhiều đứa trẻ không thể đến trường, do gia đình quá nghèo nên có ý định mở lớp dạy chữ miễn phí.
Sau khi trình bày dự định của mình với đơn vị, các ban ngành địa phương và được chấp thuận, tạo điều kiện. UBND Phường cho mượn nhà văn hóa thôn, lẫn chi phí điện, nước và bàn ghế. Tập sách, bút viết có mạnh thường quân hỗ trợ.
Năm đó, lớp học được mở, nhưng thầy và trò chưa được chục người. "Khi ấy, tôi phải đến từng nhà thuyết phục để họ cho con đi học. Khi họ hiểu, những đứa trẻ rủ nhau đến ngày một đông", anh lính biên phòng nói.
Thiếu tá Nguyễn Văn Tưởng đang bày cho học sinh viết chữ. Ảnh: Xuân Ngọc. |
Thoạt đầu đứng lớp, thiếu tá Tưởng gặp không ít khó khăn. Các em học nhưng không nhớ, có khi quên cách đọc, viết dù mới học một ngày. "Những lúc như thế, mình khá bực, nhưng nghĩ đây là những đứa trẻ đã thiệt thòi nên kìm lại, hướng dẫn chúng lại từ đầu", thầy giáo Tưởng nói.
Anh suy nghĩ, rồi tìm đến bạn bè làm trong ngành giáo dục học hỏi thêm. Ngoài ra, chàng lính biên phòng soạn giáo án riêng để dạy bằng cách chia từng nhóm chữ cái, rồi dạy các em đến lúc thuần thục mới thôi. Trong lúc giảng, anh pha thêm trò chơi, các mẫu truyện cười để các em hứng thú. Từ đó, buổi học bớt khô khan, cứng nhắc, các em đến lớp đều và chăm học hơn.
"Mình tạo sự gần gũi bằng tình cảm thực sự để các em hiểu, nâng cao ý thức học tập", anh Tưởng nói và chia sẻ niềm vui của anh là sau mỗi khóa học xóa mù chữ là các trò áp dụng vào đời thường để lăn lộn cuộc sống.
Là một trong những học sinh lớn tuổi nhất lớp, Huỳnh Văn Phát, 18 tuổi, nhưng vẫn khá ngây ngô như một đứa trẻ. Cậu bị thiểu năng trí tuệ, gia đình đưa đi học nhiều năm mà không biết chữ.
Gia cảnh cũng khó khăn, họ cho con ở nhà. Hai năm trước, phụ huynh dẫn Phát đến lớp xin học. Thầy Tưởng đồng ý. Sau mấy năm theo học, Phát đã biết đếm, cộng trừ và đọc chữ được.
Cạnh đó, Nguyễn Văn Minh, 17 tuổi, cũng có hoàn cảnh tương tự. Là anh cả trong nhà có bốn anh em, ba mẹ đi làm phụ hồ, chỉ lo cho các con từng bữa cơm và tiền thuê phòng trọ. Các con ở nhà tự quản lấy, bảo bọc chờ cha mẹ đi làm về, không ai màn đến con chữ.
Từ bé, Minh đã đi làm thuê, sau đó xin học nghề tại một cơ sở làm thợ sắt. "Quá trình học nghề, em thấy không biết chữ rất thua thiệt, nên đến xin thầy học. Đến giờ đã biết đọc, biết viết, nên em rất vui", Minh nói và cho hay, ngày đi làm còn tối đến thì tới lớp để học thêm hai nữa cho đủ chương trình lớp 5.
Thiếu tá Nguyễn Văn Tưởng kỳ vọng các học sinh sẽ biết đọc, viết sau khi học tại lớp. Ảnh: Xuân Ngọc. |
Khác với những bạn cùng trang lứa, Trần Thị Gia Hân (11 tuổi) đều được mẹ đưa đến lớp mỗi tối. Cô bé có đôi mắt đượm buồn và trông rụt rè. Khi rời tay mẹ, Hân tìm đến ở góc bàn, lấy tập ra lẩm bẩm lại bài học của hôm trước. Còn xung quanh, những đứa trẻ khác đang ê a đánh vần bảng chữ cái.
Mẹ Hân, bà Trần Thị Niên, 50 tuổi, đứng bên ngoài ngước mắt dõi theo con. Bà kể, quê ở Vĩnh Long, cuộc sống khó khăn nên họ trôi dạt nhiều nơi rồi đến đây mưu sinh. Mỗi ngày, bà Niên ai thuê gì làm đó, trung bình tháng hơn hai triệu đồng.
Con gái không được đến trường, phần vì nghèo, phần vì không có giấy tờ để đi học. Mỗi ngày, nhìn những đứa trẻ đến lớp, Hân buồn vời vợi. Rồi người mẹ nghe kể về lớp học miễn phí do các anh biên phòng mở, liền tới gặp xin. Cô bé đã học được đến chương trình lớp 5. "Đến hôm nay, con gái đã biết viết, biết đọc là tôi vui lắm. Làm mẹ, tôi chỉ mong sau này khi lớn, bé có một cuộc sống ổn định", bà Niên kỳ vọng.
Trung tá Nguyễn Văn Tân, Chính trị viên Đồn Biên phòng Xóm Bóng, cho biết mục tiêu mở lớp là để học sinh biết đọc, biết viết. Do vậy, đơn vị tạo điều kiện tối đa để các cháu hứng thú học. "Việc làm của thiếu tá Tưởng đã khiến nhiều người khâm phục và xứng đáng là một tấm gương sống đẹp", trung tá Tân nói.
Xuân Ngọc
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét