Thứ Hai, ngày 21/10/2019 07:00 AM (GMT+7)
Hôm nay (21/10), kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV sẽ chính thức được khai mạc. Đây là kỳ họp dài nhất kể từ đầu nhiệm kỳ đến nay, dự kiến diễn ra trong 27 ngày, bế mạc vào ngày 27/11.
Hôm nay Quốc hội chính thức khai mạc kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa 14
Xem xét vấn đề nhân sự
Tại kỳ họp cuối năm này, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định nhiều vấn đề quan trọng. Quốc hội sẽ dành 3 ngày cho phiên chất vấn và trả lời chất vấn, nhiều hơn nửa ngày so với kỳ họp trước.
Cùng với đó, Quốc hội cũng tiến hành bỏ phiếu kín miễn nhiệm Bộ trưởng Y tế với bà Nguyễn Thị Kim Tiến và Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định, do đến tuổi nghỉ hưu và nhận nhiệm vụ mới.
Bên cạnh đó, tại kỳ họp này Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 12 dự án luật, 3 dự thảo nghị quyết, trong đó có Bộ luật Lao động (sửa đổi); Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước… Cùng với đó, Quốc hội cũng cho ý kiến về 9 dự án luật, như: Luật Thanh niên (sửa đổi); Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng.
Cũng tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét các báo cáo về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019; xem xét, quyết định đề án tổng thể đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021-2025; xem xét Báo cáo nghiên cứu khả thi về dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1...
Lo ngại ô nhiễm nguồn nước
Đặc biệt, kỳ họp được diễn ra trong bối cảnh diễn ra nhiều sự kiện bức xúc dân sinh, nên càng thu hút sự quan tâm theo dõi của cử tri. Ô nhiễm môi trường, đặc biệt vụ cháy tại Công ty Bóng đèn Rạng Đông và vụ đổ dầu thải gây nhiễm bẩn nguồn nước Sông Đà vừa qua là một trong sự vụ đáng chú nhất hiện nay.
Nguồn nước Sông Đà bị nhiễm bẩn, hàng vạn hộ dân vật lộn, khổ sở vì thiếu nước ăn uống, sinh hoạt trong nhiều ngày nay. Chính quyền chậm vào cuộc, doanh nghiệp cấp nước thì vô cảm, vì lợi nhuận mà quên đi đạo đức kinh doanh, bất chấp tất cả.
Ngay sau khởi tố vụ án, những đối tượng được thuê đổ trộm dầu thải ra đầu nguồn nước đã bị bắt và chủ động ra đầu thú. Ai đứng đằng sau vụ việc này, động cơ, mục đích của việc phá hoại này là gì? Vấn đề này chắc chắn sẽ được cơ quan chức năng làm rõ. Song điều dư luận lo lắng hơn cả sau vụ việc này là vấn đề an ninh nguồn nước. Thử hỏi, điều gì sẽ xảy ra, nếu những đối tượng phá hoại kia không đổ dầu thải, mà “đầu độc” nguồn nước bằng các loại chất độc hại, thì cuộc sống và cả tính mạng của hàng trăm nghìn hộ dân sẽ ra sao? Thực tế trên cho thấy, vấn đề đảm bảo an ninh nguồn nước là vô cùng quan trọng, không thể bị xem thường.
Trao đổi với Tiền phong, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Thanh Hồng ủng hộ việc kiện đơn vị cung cấp nước ra tòa, yêu cầu bồi thường thiệt hại cho người dân sau sự cố đổ dầu thải vừa qua.
Công khai những sai sót trong phần mềm chấm thi
Qua tập hợp ý kiến của cử tri, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho biết, tại hai kỳ họp trước, cử tri nhiều địa phương đã kiến nghị làm rõ trách nhiệm của Bộ GD&ĐT trong việc xảy ra gian lận thi cử tại kỳ thi tốt nghiệp THPT 2018. Trả lời cử tri, Bộ GD&ĐT khẳng định, sẽ chịu trách nhiệm về quy trình kỹ thuật, gồm phần mềm chấm thi; công tác quán triệt quy chế thi và công tác thanh tra. Bộ đã tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và đề ra giải pháp khắc phục.
Tuy nhiên Bộ lại không nêu rõ có cá nhân, đơn vị nào vi phạm hay không, mức độ vi phạm và xử lý như thế nào? Cử tri cho rằng vụ gian lận thi cử năm 2018 vừa qua, nhìn chung các địa phương đặc biệt là Hòa Bình và Sơn La đã xử lý nghiêm khắc, đủ sức răn đe đối với cán bộ, đảng viên có vi phạm.
Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT là cơ quan chịu trách nhiệm cao nhất về cả kỳ thi nói chung, là đơn vị tổ chức kỳ thi do chính mình xây dựng, nhưng thực tế cho thấy, Bộ còn chưa kiểm soát tốt được toàn bộ tình hình diễn biến trong kỳ thi 2018, đặc biệt là quá trình chấm thi.
Bên cạnh đó, Bộ cần tiếp tục rà soát, công khai những sai sót trong phần mềm chấm thi, vì việc chấm thi tốt nghiệp THPT có sử dụng phần mềm này đã diễn ra từ năm 2016, vậy những kỳ thi trước đã từng xảy ra sai sót nào hay chưa?
Đối với kỳ thi 2019, cử tri đánh giá cao công tác chuẩn bị và tổ chức kỳ thi an toàn, nghiêm túc, tuy nhiên cử tri còn băn khoăn về trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ GD&ĐT trong kỳ thi 2018 và mong muốn Bộ khẩn trương tiếp tục rà soát, xử lý những vi phạm tại kỳ thi 2018 nếu có, để đảm bảo tính nghiêm minh, công bằng của pháp luật”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét