Tình tiết ông Sơn hiểu lầm Huệ, ép Huệ về nhà với Khải rồi còn nói "Đáng đánh thì phải đánh" trong "Về nhà đi con" đã khiến khán giả cảm thấy vô cùng bất bình. Nhưng suy cho cùng, ông Sơn chỉ là hình ảnh đại diện cho một kiểu mẫu cha mẹ điển hình ngoài đời thực mà thôi.
Có rất nhiều lý do khiến "Về nhà đi con" được coi là bộ phim quốc dân, thu hút đông đảo người xem nhất ở thời điểm hiện tại. Kịch bản chất lượng, chủ đề quen thuộc, diễn xuất nhập tâm, đủ độ của cả dàn diễn viên từ chính đến phụ, những câu thoại đậm chất viral... tất cả đã tạo nên sức hấp dẫn không thể chối từ cho bộ phim.
Thế nhưng, lý do lớn nhất khiến người ta bỗng tạo thành thói quen cứ 21h hằng ngày là trực sẵn trước TV để chờ xem "Về nhà đi con" có lẽ đến từ cái tính rất... đời của phim. Người ta như được thấy mình trong ông Sơn, trong Huệ, hay cũng có thể là trong Dương, Thư, Vũ... và sống chung với cảm xúc của chính những nhân vật ấy. Gần đây nhất chính là tình tiết Huệ bị bố hiểu lầm nên đã không cho Huệ về nhà mà bắt cô tự giải quyết vấn đề giữa cô, Khải cùng Thành. Khán giả có quyền bất bình thay Huệ nhưng đừng vì thế mà phủ nhận hoàn toàn những lời lẽ của ông Sơn.
Người xem bất bình với phản ứng của ông Sơn nhưng lại quên rằng ông chỉ là đại diện cho một kiểu cha mẹ điển hình ngoài đời
Bởi sau tất cả, ông Sơn cũng chỉ là đại diện cho một kiểu cha mẹ rất phổ biến, rất thật ở ngoài đời mà thôi.
Bạn còn nhớ lời ông Sơn dặn Thư trước khi về nhà chồng hay khi ông tâm sự với với Huệ lúc biết tin cô và Khải cãi nhau không? Nhẫn nhịn, dĩ hòa vi quý, có gì vợ chồng bảo ban nhau... Đó là lời của ông Sơn, nhưng cũng là câu cửa miệng quen đến không thể quen hơn của rất nhiều ông bố bà mẹ dạy con gái mình lúc chuẩn bị về làm dâu nhà người khác. Tư tưởng này thực chất đã ăn sâu vào máu của không ít những người thuộc thế hệ trước, không phải nói thay đổi là có thể thay đổi ngay được.
Bạn bực bội khi thấy ông Sơn không tán thành chuyện Huệ ly dị, cho rằng ông độc đoán, bảo thủ. Nhưng bạn thử nghĩ lại mà xem, phản ứng chung của các bậc phụ huynh vốn là như thế đó. Cha mẹ nào chả muốn vun vào cho con. Hôn nhân suy cho cùng là chuyện đại sự, không ai muốn con mình mang cái mác "đã một đời chồng" để rồi tương lai bấp bênh, không đoán trước được điều gì.
Như mọi bậc phụ huynh khác, ông Sơn cũng có những trăn trở của riêng mình
Bạn trách ông Sơn thiên vị, Thư có bầu trước khi cưới thì ông không nề hà cưu mang, Huệ thì khổ sở, vất vả nhưng giải thích ông lại không tin. Dừng lại một chút để phân tích đã, chúng ta là người ngoài được chứng kiến mọi thứ trong mắt nên biết đúng sai rõ ràng. Chỉ có chúng ta và Huệ biết được cô đã khổ sở và bị đay nghiên đến mức nào.
Còn ông Sơn, thực tế chỉ biết những gì diễn ra ngay trước mắt mình. Cũng như bố mẹ chúng ta ngoài đời vậy, có những chuyện bạn biết mình không có lỗi nhưng có nói thế nào, bố mẹ cũng không nghe. Không phải vì bố mẹ không yêu bạn, chỉ là họ chưa có cơ hội hiểu bạn, lý giải bạn.
Bạn ném đá câu nói "Đáng đánh thì phải đánh" của ông Sơn, thậm chí cho rằng giá trị bộ phim giảm 50% vì lời thoại ấy. Với cương vị là người làm cha, làm mẹ, bạn không chỉ sinh ra con cái mà còn phải là người định hướng, dạy bảo chúng nên người. "Muốn làm gì thì làm, trước tiên mình phải làm đúng đã" - đó là châm ngôn định hướng bạn thành người tốt. Hãy nhớ nhé, có những ông bố bà mẹ bênh con vô điều kiện nhưng cũng có những người nghiêm khắc, đúng thì khen mà sai chắc chắn phải trách phạt để bạn còn biết đường sửa đổi.
Sau tất cả, ông bố này cũng chỉ muốn những điều tốt nhất dành cho con cái
Rõ ràng, ông Sơn không phải một ông bố hoàn hảo. Bởi thực tế nếu ông thực sự tâm lý, thực sự hiện đại, thực sự hoàn hảo thì đã chẳng có chuyện Dương bị ăn tát oan mấy lần trước đó và cũng chẳng có chuyện hai cha con mất một thời gian dài mới thực sự hàn gắn được tình cảm với nhau. Ông Sơn là một hình tượng phụ huynh hơi truyền thống, có những tư tưởng mang chút cổ hủ của riêng mình, một chút bảo thủ, một chút nghiêm khắc, có khi mắc sai lầm... Nhưng ông thương con, lo cho con, muốn vun vén, gìn giữ hạnh phúc cho con dù cách làm chưa thực sự đúng.
Sau tất cả, "Về nhà đi con" là một bộ phim rất... đời nên ông Sơn cũng chỉ là một ông bố rất... đời, rất... thật và rất gần gũi, thế thôi!
Theo Trí thức trẻ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét