Sinh năm 1978, từ nhỏ anh Thân Anh Hoàng Vũ (Quảng Nam) đã gắn bó với công việc buôn bán phế liệu của gia đình. Trong nhiều năm, đồ vật mà cha của Vũ thu mua chủ yếu là phế liệu chiến tranh, đồ quân dụng đã hư hỏng, mảnh bom đạn...
Anh Thân Anh Hoàng Vũ cầm vỏ đạn cối 81 sót lại trong chiến tranh. Ảnh: Đắc Thành. |
Thời gian gần đây phế liệu chiến tranh ít dần, gia đình Vũ chuyển sang nghề vận tải du lịch. Với niềm đam mê đồ vật chiến tranh từ thủa nhỏ, Vũ bắt đầu việc sưu tầm của mình.
Trong vài năm, anh đã tìm kiếm được hơn 1.000 đồ vật thời chiến, chủ yếu là vỏ đạn, máy thông tin và đồ quân dụng... “Nhiều lần tôi chở khách đi ăn cưới ở Quảng Trị. Khi khách vào dự tiệc, tôi lang thang khắp nơi dò hỏi đồ vật chiến tranh còn sót lại để mua, ở tỉnh này có rất nhiều đồ loại như vậy", anh Vũ kể và cho biết, nhiều khi tiền chở khách không đủ để mua đồ sưu tầm.
Anh Vũ chia sẻ, có những đồ vật chiến tranh dễ dàng mua được, thậm chí xin thì mọi người cho ngay, nhưng cũng có đồ vật dù có bỏ tiền triệu cũng không mua được. "Đó là kỷ vật gia đình hoặc đồ vật mà họ yêu thích, muốn mua phải thuyết phục rất công phu. Ngày đầu đến mua bị từ chối, phải qua ngày thứ hai, thứ ba trò chuyện, năn nỉ mới mua được", anh nói.
Những đồ vật chiến tranh mà anh Vũ sưu tầm được. Ảnh: Đắc Thành. |
Đầu năm 2018, anh Vũ chở khách lên huyện Tiên Phước, Quảng Nam, khi vào nhà một người dân anh thấy có chiếc bật lửa zippo cất giữ trên bàn thờ. Khi hỏi chuyện và bày tỏ ý định mua, chủ nhà nhất quyết không bán và nói rằng "những người sinh ra sau chiến tranh làm sao hiểu được đồ vật này".
Không tự ái, anh Vũ nói liền một mạch thông tin về bật lửa zippo nói chung cũng như loại bật lửa lính mỹ sử dụng trước năm 1975. Sự am hiểu của anh đã thuyết phục được chủ nhà đồng ý nhượng lại chiếc zippo cho vị khách.
Vũ kể tiếp, có những đồ vật anh mua về nhưng sáng hôm sau đại diện gia đình đến xin lại. “Đó là những kỷ vật gắn bó với họ, khi bán xong thì tiếc nuối, gặp trường hợp như vật tôi sẵn sàng trả lại”, anh chia sẻ.
“Ví dụ như có cái bi đông mà ba thế hệ trong một nhà sử dụng, hay là can đựng xăng dầu trong chiến tranh được hai thế hệ trong một gia đình dùng đựng nước. Đấy là những vật gắn bó với cuộc sống của họ nên giá trị tiền bạc không nói lên điều gì”, anh Vũ cho hay.
Khi đưa các đồ vật chiến tranh về nhà, anh Vũ lau chùi sạch sẽ, dành cả ngày đánh bóng đồ vật nào bị rỉ sét. Sau nhiều năm sưu tầm, cách đây 7 tháng, anh cải tạo phòng khách của gia đình, hướng ra mặt đường mở quán cà phê rộng khoảng 60 mét vuông trưng bày đồ vật chiến tranh.
Khách đến uống cà phê và ngắm đồ vật thời chiến tranh. Ảnh: Đắc Thành. |
Để làm đẹp cho quán, anh chế vỏ đạn thành bình đựng hoa, treo các loại đèn dầu cũ xung quanh tường. “Tôi trưng bày để mọi người đến và hiểu thêm về chiến tranh thông qua các đồ vật cụ thể, cũng là để chia sẻ đam mê của mình" anh Vũ nói.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét