Là tác giả của cuốn sách "Permission to Parent: How to Raise Your Child with Love and Limits" - một trong những cuốn sách về giáo dục gia đình nổi tiếng và ăn khách nhất thế giới, Tiến sỹ giáo dục Robin Berman, một phó giáo sư chuyên nghiên cứu về tâm thần học, đặc biệt là với đối tượng trẻ em và các bậc cha mẹ cho rằng: "Nỗi buồn, sự lo âu hay những cảm xúc tiêu cực khác chính là chìa khóa để nuôi dạy nên những đứa trẻ hạnh phúc. Và bố mẹ cần trở thành huấn luyện viên cảm xúc, người hướng dẫn riêng cho con mình về những cảm giác hàng ngày. Một trong những món quà tuyệt vời nhất mà chúng ta có thể trao cho con cái là chỉ cho chúng thấy cách thức cài đặt và sử dụng chiếc rơ-le cảm xúc của mình. Chiếc rơ-le này sẽ giúp chúng đắc lực trong cả cuộc đời. Điều này được khoa học chứng minh."
Sự căng thẳng, lo âu và những nỗi sợ hãi là các cảm xúc tiêu cực trẻ thường gặp phải. Hãy đồng cảm với những cảm xúc tiêu cực của con thay vì ngăn chặn chúng đến với con bạn. (Ảnh minh họa)
Vì thế, một trong những lời khuyên quan trọng mà Tiến sỹ Berman dành cho các cha mẹ khi con gặp phải những cảm xúc tiêu cực như buồn bã, cô đơn, căng thẳng, lo âu, sợ hãi đó là hãy "đồng cảm với cảm xúc của con – đừng phủ nhận chúng". Có vô số lý do, hoặc đơn giản là chẳng có lý do gì cả cũng khiến con bạn rơi vào trạng thái lo âu, căng thẳng, hãy thể hiện sự đồng cảm của mình với con và cùng con vượt qua cảm xúc tiêu cực đó một cách kiên nhẫn đầy yêu thương và sự sẻ chia bằng những cách đơn giản này các bố mẹ nhé!
1. Nút bấm của một cái ôm thật chặt
Ngày đầu tiên đi học, tham gia một cuộc thi, lên sân khấu biểu diễn, thử sức với một thử thách… hay những khoảnh khắc mà trẻ không có bố mẹ ở bên thường dễ khiến chúng cảm thấy lo âu và sợ hãi. Để giúp con cảm thấy bình tĩnh hơn, cảm nhận được sự đồng hành của bố mẹ, bạn hãy vẽ lên lòng bàn tay của con và của mình một trái tim (hay bất cứ một biểu tượng nào mà con thích) và gọi đó là "Nút bấm của những cái ôm thật chặt". Hãy nắm tay con thật chặt để "sạc đầy" năng lượng cho nút bấm "trái tim", trước khi tạm biệt con, hãy cùng con bấm nút và ôm nhau thật chặt, và bất cứ thời điểm nào trong ngày khi trẻ cảm thấy lo âu, chúng sẽ bấm vào nút "trái tim" đó để gửi đến bạn một cái ôm thật chặt.
2. "Ống xả" căng thẳng
Bạn có thể tận dụng một lõi giấy vệ sinh, cùng con tô màu và trang trí thật đẹp, cắt giấy màu các loại thành từng sợi, chiều rộng 1cm, dài khoảng 10-15cm (hoặc có thể dùng dây ruy-băng nhiều màu sắc), dán các sợi giấy này vào thành bên trong của cuộn giấy. Khi con cảm thấy lo lắng, căng thẳng hãy hướng dẫn con hít một hơi thật sâu rồi thổi thật mạnh vào ống giấy để những sợi giấy bay rung rinh. Thực ra, đây là một cách để bố mẹ dạy con kiểm soát hơi thở khi chúng cảm thấy lo âu, khi trẻ biết cách điều hòa và kiểm soát hơi thở của mình, chúng sẽ dễ dàng cảm thấy thoải mái và vui vẻ hơn.
Dạy trẻ những cách đơn giản để học cách kiểm soát hơi thở khi căng thẳng, lo âu là một trong những cách vô cùng tuyệt vời giúp trẻ có thể nhanh chóng xử lý các cảm xúc tiêu cực của mình. (Ảnh minh họa)
3. Tặng con một "Chiếc hộp lo lắng"
Cũng giống như là khi chúng xuất hiện, những cảm xúc tiêu cực, sự âu lo và căng thẳng của trẻ cũng sẽ nhanh chóng qua đi, vì thế, bố mẹ hãy cho phép trẻ được lo lắng và tự vượt qua nỗi căng thẳng của chính mình. Thậm chí, mỗi ngày bạn có thể cho con thực hiện một "nghi thức" gọi là "Thời gian lo lắng", kéo dài trong khoảng 10-15 phút. Trong thời gian diễn ra "nghi lễ" này, hãy để trẻ vẽ, viết ra những điều khiến mình cảm thấy căng thẳng, lo âu và sợ hãi, sau đó hãy thả những tờ giấy đó vào một chiếc hộp lo lắng mà bạn và trẻ cùng nhau tự làm, khi đóng hộp lại, hãy cùng con nói "Tạm biệt lo lắng nhé"!
Vượt qua những trạng thái cảm xúc khó khăn của bản thân là một kỹ năng sống vô cùng quan trọng. Trẻ chỉ có thể làm tốt việc đó khi chúng được cho phép tập luyện. Hãy cho con bạn món quà tuyệt vời của việc tự vượt qua những cảm xúc của chính mình.
Theo Helino
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét