Lẽ tự nhiên, sau Tết Âm lịch, con sông Trạm (thuộc thôn 2, xã Tiên An, huyện Tiên Phước, Quảng Nam) không còn sự cuồn cuộn của những dòng thượng nguồn, mà “nhường lại” cho những đá tảng lớn dưới lòng sông dần cạn một sự yên bình. Vậy nhưng mấy ngày nay, khi nước rút, sông Trạm lại bỗng xôn xao bởi sự tụ tập của hàng trăm người hiếu kỳ. Họ kéo đến bờ sông Trạm vì một hiện tượng kỳ lạ “tảng đá nở hoa”…
“Tảng đá nở hoa” trên bờ sông Trạm được phát hiện bắt đầu từ ngày mồng 9 Tết âm lịch (ngày 24-2-2018). Trước đó, mạng xã hội Facebook cũng đã xôn xao bởi một bức ảnh trên trang cá nhân chụp tảng đá “nở hoa” ở xã Tiên An. Đáng nói, ngay khi hình ảnh tảng đá nở hoa này được đăng tải, cùng nhiều dòng bình luận “chấn động”, khiến cư dân mạng vô cùng tò mò.
Theo hình ảnh người dân địa phương đưa lên mạng, thì dưới chân tảng đá lớn này hình thành nên một lớp xốp bám với nhiều màu sắc, hình dạng giống một chú cá có màu đỏ, vàng, trắng, đen rất rực rỡ. Không ít người còn thêm thắt cho phần ly kỳ rằng đây là một hiện tượng lạ, báo hiệu một điềm lành trong năm Mậu Tuất. Riêng người dân ở xã Tiên An, không kể già trẻ, lớn bé cứ lũ lượt đến bờ sông Trạm ngày một đông chỉ để được chiêm ngưỡng “lộc trời nở hoa”.
Tìm về xã Tiên An, để tận mắt chứng kiến tảng đá kỳ lạ và hiện tượng đá "nở hoa” xảy ra ở khu vực sông Trạm (một nhánh sông Tiên thuộc huyện Tiên Phước), chúng tôi đã gặp các cụ cao tuổi tại địa phương và được biết, hiện tượng đá nở hoa này chỉ kéo dài được khoảng 15-20 ngày, rồi sẽ biến mất. Hiện tượng này không xảy ra thường xuyên mà mà nhiều năm mới có một lần.
Cách đây 15 năm, cũng chính những đá tảng ở sông Trạm đã xuất hiện hiện tượng “đá nở hoa” và có những hình thù kỳ lạ. Việc cho rằng đá "nở hoa" hình con vật như cá vàng, chữ Nôm... đều xuất phát từ sự tưởng tượng của người dân địa phương. Đa số chỉ là những mảng bám có hình thù lộn xộn... Và cũng không phải chỉ duy nhất “hoa đá” xuất hiện trên một tảng đá nào cố định, mà có thể ở rất nhiều tảng đá khác nhau, đa phần có màu trắng và đen. Hy hữu như tảng đá “kỳ lạ” gây xôn xao những ngày qua lại có màu sắc sặc sỡ, nên thu hút sự hiếu kỳ của người dân.
Trong lúc chính quyền địa phương cùng ngành chức năng đang tiến hành làm rõ hiện tượng này thì với sự “lan tràn” nhanh chóng thông tin trên mạng xã hội, cùng sự hiếu kỳ, đồn thổi của nhiều người nên khu vực này những ngày vừa qua đã phải đón hàng nghìn người tìm đến xem. Đáng nói, không chỉ riêng người dân xã Tiên An, mà còn có có rất nhiều người dân các địa phương khác cũng kéo về khu vực có “Tảng đá lạ” để được tận mắt, tận tay sờ được hoa đá hòng cầu may. Một số đối tượng mê tín còn đồn thổi, cho rằng đây là lộc đầu năm mới, báo hiệu một năm Mậu Tuất may mắn… Do vậy, không ít người đến xem “đá nở hoa” còn cố tình cạo lớp xốp màu trên đá này mang về nhà làm “lộc” khiến hoa nở trên đá bị biến dạng…
Thực chất, những hình thù của “hoa đá” đều xuất phát từ sự tưởng tượng của người dân địa phương. Và cũng không phải chỉ duy nhất “hoa đá” xuất hiện trên một tảng đá nào cố định, mà có thể ở rất nhiều tảng đá khác nhau.
Theo ông Phan Hồng Phát, Chủ tịch UBND xã Tiên An xác nhận: Đây chỉ là một hòn đá bình thường, không có hiện tượng nào lạ. Trước đây, do thông tin đại chúng hạn chế nên chỉ những người trong thôn biết, còn bây giờ thì có rất nhiều người biết được thông qua mạng xã hội nên đã tìm đến xem đá để thõa mãn sự hiếu kỳ.
Còn các nhà khoa học thì cho rằng, hiện tượng “Tảng đá nở hoa” thực chất chỉ là lại địa y mọc trên đá. Ðịa y là dạng cộng sinh của hai loài: một Nấm mốc và một Tảo. Hình thức cộng sinh rất đặc biệt, có hình dạng riêng nên Ðịa y có tên giống và loài. Các hình dạng của Ðịa y: hình vảy (crustose), chặt và dán vào giá thể; hình lá với nhiều thùy (foliose) như lá cây; hay hình cành (fruticose ), như bụi cây. Trong Ðịa y, thành phần Nấm thường là Nấm túi, đôi khi là Nấm đảm. Thành phần Tảo thường là Tảo lục, đôi khi là Vi khuẩn lam. Tế bào Tảo phân tán giữa các khuẩn ty Một số khuẩn ty dán chặt vào rong để hấp thu carbohydrat và những chất hữu cơ từ Tảo, còn Nấm thì cung cấp nước và khoáng cho Tảo.
Ðịa y là một dạng thích nghi đặc biệt, chúng có thể sống trong những điều kiện khắc nghiệt. Trên đá chúng là những sinh vật tiên phong, là những tộc đoàn đầu tiên chiếm cứ môi trường mới vì chúng có thể phá hủy đá dần dần do các acid mà chúng tiết ra, và sẽ tạo ra những hạt đất nhỏ. Ðịa y tăng trưởng với một tốc độ rất chậm: Ðịa y dạng vảy tăng trưởng từ 0, 1 mm đến 10 mm /1 năm.
Ðịa y dễ bị tổn hại do chất ô nhiễm không khí và có thể được xem là sinh vật chỉ thị về chất lượng không khí. Ðịa y chỉ sinh sản vô tính, mặc dù thành phần Nấm túi có thể sinh sản hữu tính bằng túi. Một mảnh của Ðịa y được tách ra cho ra Ðịa y mới. Thêm vào đó, một số loài tạo ra những thể sinh sản đặc biệt được gọi là mầm phấn (soredia), là một khối nhỏ gồm các tế bào Tảo được bao quanh bởi các khuẩn ty. Mầm phấn được phát tán bởi gió và nước mưa.
Hy hữu tảng đá “nở hoa kỳ lạ” gây xôn xao và hiếu kỳ của người dân tại sông Trạm, thôn 2 xã Tiên An.
Theo các nhà khoa học: Hiện tượng “Tảng đá nở hoa” thực chất chỉ là lại địa y mọc trên đá. Ðịa y là dạng cộng sinh của hai loài: một Nấm mốc và một Tảo.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét