Thứ Tư, 14 tháng 2, 2018

Xuân mới trên đảo tiền tiêu Cồn Cỏ

Những ngày cận tết, anh Hồ Văn Hưng tích cực vá lưới, ra khơi đánh bắt hải sản. Ảnh: Trần Tuyền

Những ngày cận Tết, anh Hồ Văn Hưng tích cực vá lưới, ra khơi đánh bắt hải sản. Ảnh: Trần Tuyền

Trong căn nhà xây 42 m2 được nhà nước hỗ trợ, anh Hồ Văn Hưng (28 tuổi, trú huyện đảo Cồn Cỏ, Quảng Trị) cặm cụi may lại lưới cá cho những chuyến đi biển. Những ngày giáp Tết, trời nắng ấm, biển lặng giúp cho những chuyến biển gần bờ của anh được thuận lợi. Căn nhà trống trải, chưa có đồ dùng gì nhiều ngoài chiếc bàn, đôi chiếc ghế… và một đống ngư cụ lỉnh kỉnh nằm ở xó nhà.

Bảy tháng trước, chính quyền chủ trương di dân ra đảo Cồn Cỏ lập nghiệp, anh Hưng bàn với vợ rồi quyết ra đảo xây dựng cuộc sống mới. Gia đình anh cùng 6 hộ khác, với tổng cộng 21 khẩu ra đảo lần này, được nhận nhiều ưu đãi như cấp 200 m2 đất, cấp nhà xây, hỗ trợ tiền ăn, vay ngân hàng làm vốn…

Sinh ra và lớn lên ở thôn Vịnh Mốc (xã Vĩnh Thạch, Vĩnh Linh), nơi gắn liền với địa đạo Vịnh Mốc huyền thoại, anh Hưng được nghe kể về những chuyến biển quyết tử tiếp tế Cồn Cỏ từ thuở chăn trâu cắt cỏ. Tình yêu Cồn Cỏ được bồi đắp dần từ đó.

Bảy hộ gia đình trẻ ven biển huyện Vĩnh Linh được đưa ra đảo Cồn Cỏ định cư. Ảnh: Hoàng Táo

Bảy hộ gia đình trẻ ven biển huyện Vĩnh Linh được đưa ra đảo Cồn Cỏ định cư. Ảnh: Hoàng Táo

Ngày ra đảo, vợ chồng mới cưới vay mượn 60 triệu đồng sắm con thuyền nan 12 mã lực đánh bắt gần bờ. “Cồn Cỏ lắm cá tôm, nhiều sản vật, ở đây vợ chồng đều không lo thiếu thốn”, anh Hưng nói. Những con cá ngon nhất được anh nhập về đất liền bán, phần còn lại vợ anh sản xuất nước mắm.

“Đây là cái Tết đầu tiên gia đình đón trên đảo Cồn Cỏ, thấy chộn rộn và lâng lâng”, anh Hưng tâm sự. Cuộc sống những ngày đầu còn chật vật nhưng vợ chồng đều vững tin vào sự thay đổi của đảo.

Ra đảo cùng đợt, anh Lê Văn Thượng (37 tuổi) đưa thêm vợ và con trai tám tuổi. Ở đất liền, anh Thượng đi biển, vợ chạy chợ, cuộc sống không mấy khấm khá. Di dân ra vùng đất Cồn Cỏ, vợ chồng anh hy vọng cuộc sống tốt đẹp hơn, do gần ngư trường, vùng biển này nhiều hải sản lại nhận nhiều hỗ trợ thời gian đầu.

Cũng như anh Hưng, tàu cá của ngư dân Thượng tạo thêm việc làm cho hai người khác trên đảo. “Xuân này cũng như thời ở đất liền, vợ chồng làm ít bánh mứt. Ba ngày xuân đi thăm bạn nghề, thăm người dân khác định cư từ lâu và các đơn vị trên đảo. Đảo nhỏ, ít dân nên gặp ai tôi thấy cũng thân tình”, anh Thượng nói về dự định mấy ngày xuân.

Cồn Cỏ được quy hoạch thành đảo du lịch. Ảnh: Hoàng Táo

Cồn Cỏ được quy hoạch thành đảo du lịch. Ảnh: Hoàng Táo

Cuối tháng 5/2017, bảy hộ gia đình trẻ ở ba xã ven biển huyện Vĩnh Linh được lựa chọn di dân ra đảo Cồn Cỏ lập nghiệp. Đây là lần thứ hai tỉnh Quảng Trị di dân ra hòn đảo 2,3 km2 này, nâng tổng dân số của đảo lên 19 hộ, 69 nhân khẩu.

Tết Mật Tuất này, người dân trên đảo Cồn Cỏ vui hơn khi có điện 24/24h. Từ tháng 7/2017, khi hệ thống điện trên đảo được bàn giao cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam, đảo Cồn Cỏ được cấp một máy phát diesel 250kVA để phát điện liên tục. Hệ thống hạ tầng trên đảo cũng ngày một hoàn thiện, khang trang.

Định cư trên đảo đã 11 năm, bà Trần Thị Quyệt hồ hởi nói đây là xuân đầu tiên người dân được cấp điện cả ngày đêm. “Có điện, cuộc sống người dân, việc bảo quản hải sản phục vụ khách du lịch thêm thuận lợi”, bà Quyệt nói.

Về đợt di dân mới đây, ông Nguyễn Văn Thành, Phó bí thư huyện ủy Cồn Cỏ, phấn khởi chia sẻ: “Những hộ gia đình vừa di dân ra đảo đã biết kết hợp cùng đi biển, chăn nuôi và chế biến một số đặc sản như nước mắm, cá khô… Cuộc sống mới trên đảo nhiều bỡ ngỡ nhưng mọi người đều hòa nhập nhanh”.

Ông Thành nói huyện Cồn Cỏ di dân thêm ba hộ gia đình trong năm 2018 để đủ chỉ tiêu 10 hộ được phê duyệt trước đó. Huyện hỗ trợ người dân học tập sinh kế, tham quan và học kỹ năng làm du lịch ở đảo Cù Lao Chàm (Quảng Nam) và Lý Sơn (Quảng Ngãi) để xây dựng du lịch thành ngành kinh tế chính của đảo.

“Huyện làm tất cả để giúp người dân yên tâm bám đảo, ổn định sinh kế, góp phần xây dựng huyện đảo ngày càng giàu đẹp”, ông Thành nói.

Tháng 3/2012, tỉnh Quảng Trị phối hợp với Trung ương đoàn đưa 43 thanh niên xung phong, trong đó có 15 nữ ra xây dựng đảo Cồn Cỏ. Anh Nguyễn Quang Thánh, một trong những người ra đảo lúc bấy giờ, nhớ lại đảo còn thiếu thốn đủ bề. “Không có nhà cửa, anh em xin ở nhờ với bộ đội, nước sinh hoạt tiết kiệm từng giọt”, anh Thánh kể.

Ngày 1/10/2004, Thủ tướng ban hành nghị định thành lập huyện đảo Cồn Cỏ, hoàn tất tiến trình dân sự hóa đảo. Một năm sau, huyện đảo Cồn Cỏ chính thức đi vào hoạt động. Lúc này, còn khoảng 25 người tình nguyện ở lại đảo. Họ lập gia đình và sinh sống, bám trụ với đảo tiền tiêu cho đến hôm nay. Đời sống của người dân đều đã ổn định và tốt hơn trước rất nhiều.

Cồn Cỏ là hải đảo tiền tiêu thuộc vùng biển Quảng Trị, diện tích khoảng 2,3 km2, nằm cách đất liền khoảng 30 km. Đảo được đánh giá có nhiều tiềm năng về du lịch và khai thác thủy hải sản.

Let's block ads! (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét