Theo lý thuyết, nếu Anh ra khỏi EU ngay lúc này, sẽ lập tức có hơn 100 cầu thủ Premier League phải rời khỏi giải đấu hấp dẫn nhất hành tinh này. Đấy sẽ là bi kịch với bóng đá Anh?
Luật nào chả có kẽ hở
Trên lý thuyết, Anh là một trong những quốc gia chặt chẽ nhất thế giới về lao động nhập cư, và bóng đá không phải là ngoại lệ. Suốt bao nhiêu năm nay, cầu thủ ngoài khối EU phải rất khó khăn để được thi đấu tại Anh, tất nhiên là trừ những cầu thủ mặc nhiên đáp ứng đủ điều kiện cấp giấy phép lao động.
Đại khái, để đá bóng ở Premier League, cầu thủ đấy phải có số trận tham đá cho ĐTQG mà họ mang quốc tịch theo quy định của Luật lao động Anh, tùy thuộc vào vị trí của ĐTQG ấy trên bảng xếp hạng FIFA. Vị trí ĐTQG càng cao, tỷ lệ số trận đấu tham gia càng thấp.
Tuy nhiên, luật này cũng quy định rằng khi không đủ điều kiện theo luật, trường hợp của cầu thủ đấy sẽ có cơ hội giải trình với một ủy ban, để chứng minh rằng họ phù hợp với bóng đá Anh, hoặc sẽ đóng góp cho sự phát triển của bóng đá Anh... và quyết định cuối cùng thuộc về ủy ban này.
Những cầu thủ EU như Payet hay Kante chẳng việc gì phải lo lắng.
Đấy chính là "cửa sáng" để rất nhiều cầu thủ, đặc biệt là cầu thủ Nam Mỹ được tham gia thi đấu ở Premier League, mặc dù không đủ điều kiện nếu chiếu theo luật lao động Anh. Lấy lý do gì, giải trình thế nào là việc riêng của CLB và những tay cò sừng sỏ, chỉ biết rằng hầu hết trường hợp đều thành công.
Chẳng phải năm 2013, Willian gia nhập Chelsea với vốn liếng chỉ là 2 lần khoác áo ĐTQG Brazil đó sao? Chẳng phải Man United đã chiêu mộ thành công hai anh em sinh đôi Rafael và Fabio da Silva hồi 2008 khi bộ đôi này chỉ vừa bước qua tuổi 18 vài ngày, và chưa từng thi đấu ở ĐTQG Brazil?
Nói thẳng ra, nếu Arsenal muốn chiêu mộ Công Phượng chẳng hạn, thì việc Việt Nam đứng sâu tít trên bảng xếp hạng FIFA, hay Công Phượng đá bao nhiêu trận ở ĐTQG sẽ chẳng thể là rào cản.
Nào phải ngày một, ngày hai
Hôm nay, thủ tướng Anh David Cameron chính thức nộp đơn từ chức. Trong vòng 3 tháng tới, người Anh sẽ tìm ra thủ tướng mới và thủ tướng mới của Anh mới là người ký quyết định đưa Anh rời khỏi EU.
Sau đấy, mất ít nhất 2 năm để Anh và EU giải quyết các vấn đề về các luật định liên quan đến việc Anh rời khỏi khối này. Theo một số nhận định uy tính, quá trình này thậm chí có thể kéo dài đến 7 năm. Cho đến lúc đấy, luật lao động mới áp dụng cho người lao động EU tại Anh mới bắt đầu hiệu lực.
Cuộc "chia tay" EU - Anh chẳng phải ngày một, ngày hai mà có thể hoàn tất được.
Khoảng thời gian đằng đẵng ấy quá đủ để các CLB Anh, lãnh đạo FA và Ban tổ chức Premier League đưa ra những kiến nghị với chính phủ Anh nhằm tìm kiếm một cơ chế riêng cho các cầu thủ "lao động" tại Anh, với lý do "vì sự phát triển của bóng đá Anh, vì danh giá của Premier League".
Và trong suốt khoảng thời gian đấy, đương nhiên các cầu thủ EU đang thi đấu tại các giải bóng đá Anh sẽ vẫn "ở đâu thì ngồi nguyên đấy". Từng đấy thời gian là quá đủ để họ chẳng phải lo lắng gì đến tương lai của mình cả.
Thậm chí ngay cả sau khi luật mới được áp dụng, có rất nhiều khả năng tình trạng "lao động" của các cầu thủ đang đá bóng ở Anh vẫn được giữ nguyên "chiếu theo hiện trạng do quá khứ để lại" và chỉ áp dụng với những trường hợp chuyển nhượng mới.
Có tiền mua tiên cũng được
Hiện tại, việc các CLB lớn châu Âu "mua lại" các CLB Nam Mỹ, thậm chí là trong EU để làm "sân sau" cho mình đã là điều quá bình thường. Ví dụ như Man United suốt nhiều năm qua đã sử dụng FC Twente (Hà Lan) làm "sân sau" để dễ dàng sở hữu các tài năng trẻ từ Nam Mỹ.
Từ đó, các CLB lớn sẽ dễ dàng dùng chiêu bài hỗ trợ các tài năng trẻ để nhận các cầu thủ trẻ "thử việc" từ các CLB sân sau của họ một cách đường đường chính chính. Tuy thời gian "thử việc" chỉ vài năm, nhưng chừng đấy thời gian là quá đủ để "hợp thức hóa" cho họ đủ điều kiện lao động.
Một khi các CLB lớn của Anh như Man United đã "kết" thì chẳng có điều gì ngăn cản nổi họ mua những cầu thủ trẻ cả.
Bên cạnh đó, việc lo sợ rằng vì luật lao động mới, các CLB Anh sẽ phải trả tiền nhiều hơn cho phí chuyển nhượng, cũng như lương để mua những cầu thủ đỉnh cao, khi họ khó khăn hơn trong việc mua những cầu thủ ở dạng tiềm năng cũng vô lý nốt.
Có thể rằng khi đó các cầu thủ ngôi sao có quyền "làm eo" chút ít, nhưng con số phụ trội sẽ không cao, bởi "tiền kiếm ở đâu chả thế, được đồng nào hay đồng đấy", vả lại khi các CLB Anh "hóa giải" thành công bài toán giấy phép lao động như đã nói ở trên, thì điều đó cũng vô ích.
Dù gì thì Premier League vẫn là giải đấu ước mơ của rất nhiều ngôi sao bóng đá hàng đầu thế giới, và bên cạnh đó, các CLB lớn của Anh có tiếc tiền mua sao bao giờ?
Vấn đề còn lại chỉ là liệu cầu thủ có đủ tài năng để thi đấu ở Premier League hay không, hoặc Premier League có đủ hấp hẫn với những cầu thủ "ngoại hạng" như Ronaldo hay Messi hay không mà thôi. Brexit ư? Quên nó đi!
new action movies 2016 - new horror movies 2016 - new sci fi movies 2016 - new comedy movies 2016 - new martial arts movies - new drama movies - new adventure movies - new romance movies 2016
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét