Đội trưởng quản lý - bảo vệ rừng Kinh Đứng Nguyễn Hoàng Đệ, 35 tuổi, mở đầu câu chuyện giữ rừng trong những ngày Tết bằng vết sẹo trên người đồng đội.
Đội của anh Đệ có ba người, được giao quản lý, bảo vệ hơn 800 ha rừng ở Vườn quốc gia Vồ Dơi (trong tổng số hơn 8.500 ha). Chiều 28 Tết năm 2017, nhóm của anh Đệ phải bỏ dở bữa cơm khi nhận tin kẻ xấu đột nhập vào vườn quốc gia.
Băng rừng tuần tra những ngày giáp Tết. Ảnh: Hoàng Hạnh. |
Sau nhiều giờ phục kích ở các lối ra, anh Kha phát hiện hai kẻ lạ mặt. Trong lúc vây bắt, anh bị chúng tấn công gây thương tích ở mặt và tay, phải khâu nhiều mũi. Anh Đệ cho biết, đối với những người giữ rừng, chuyện đối mặt với việc chống đối, hay rắn rết nơi rừng sâu nước độc là việc thường ngày.
Nghe đội trưởng kể về những khó khăn, nguy hiểm của những người lính giữ rừng với vẻ đầy tự hào. Phó giám đốc Vườn quốc gia Vồ Dơi Lê Thanh Dũng giải thích vội: "Anh em luôn coi trọng trách nhiệm của mình, nên khi chặn được một vụ xâm phạm bất hợp pháp vào vùng cấm, ai cũng vui, dù đôi khi phải đổi bằng máu".
Vào những ngày cuối năm, khi người người, nhà nhà đang chuẩn bị cho cái Tết đoàn viên, sum vầy, thì cũng là lúc những người lính giữ rừng như anh Đệ, anh Kha tất bật căng mắt canh lửa trên vọng gác cao 18 -26 m.
Tết của các anh gắn liền với những kế hoạch, phương án bảo vệ hàng nghìn ha rừng tràm nguyên sinh ở U Minh Hạ. Ông Lê Thanh Dũng cho biết, vườn có vị trí vùng lõi, tiếp giác với địa phận các xã Khánh An, Khánh Lâm (huyện U Minh), và xã Trần Hợi, Khánh Bình Tây Bắc (huyện Trần Văn Thời), nên công tác quản lý rừng hết sức khó khăn và phức tạp.
"Những kẻ xấu luôn lợi dụng những ngày Tết, ngày lễ để xâm phạm rừng cấm, nên vào những ngày này, anh em chúng tôi phải quyết liệt hơn", ông Dũng nói.
"Cực, nhưng vui khi hoàn thành nhiệm vụ", người lính vừa gia nhập đội giữ rừng Phạm Văn Đẹt, 32 tuổi, nói chắc nịch. Anh cho biết, tuần trước khi vác balô lên vai, từ giã vợ con vào rừng ăn Tết cùng mọi người, anh còn ngoái lại ghẹo vợ: "Tui đi giữ rừng, Tết nếu hai mẹ con có nhớ tui thì vào mà thăm".
Anh Phạm Văn Đẹt leo lên vọng gác để quan sát cánh rừng. Ảnh: Hoàng Hạnh. |
15 năm ăn Tết giữa rừng, anh Đệ nói Tết của anh và đồng đội cũng có bánh mứt, nồi thịt kho trứng theo truyền thống, nhưng đôi khi anh em phải bỏ dở bữa ăn, hay những lời chúc nhau năm mới vì nhiệm vụ chung.
"Dù đêm hay ngày, ngoài việc canh lửa, chúng tôi còn luôn trong tư thế sẵn sàng băng rừng, lần theo dấu vết những người vào rừng ăn ong (bắt ong), hay bắt tôm cá", anh Đệ nói và cho biết, có những đêm Tết nằm trên vọng gác, anh em ai cũng nhớ nhà, nhưng luôn động viên nhau vượt qua để làm nhiệm vụ.
Trên vọng gác chưa đầy 3 m2, ban ngày thì nắng gió, đêm đến muỗi bay thành từng đàn, các nhân viên bảo vệ rừng phải túc trực 24/24 nhằm quan sát, phát hiện và xử lý kịp thời khi có tình huống xấu xảy ra. Công việc của họ không chỉ có những ngày Tết, mà nó diễn ra quanh năm.
Hoàng Hạnh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét