Thứ Bảy, 25 tháng 1, 2020

Ông vua nhà Lý sinh năm Canh Tý

Lý Thái Tông sinh năm 1000, lên ngôi vua năm 28 tuổi và trị vì 27 năm. Thời đại của ông được xem là khởi đầu sự thịnh vượng của nhà Lý.

Vua Lý Thái Tông tên thật là Lý Phật Mã (hay Lý Đức Chính), sinh ngày 26 tháng 6 năm Canh Tý (năm 1000). Là vua thứ hai của triều đại nhà Lý trong lịch sử Việt Nam, ông cai trị từ năm 1028 đến 1054. Đại Việt sử ký toàn thư viết: "Vua là người trầm mặc, cơ trí, biết trước mọi việc, giống như Hán Quang Vũ đánh đâu được đấy, công tích sánh với Đường Thái Tông".

Lý Phật Mã là con trưởng của vua Lý Thái Tổ và Lê Hoàng hậu. Từ khi sinh ra, Phật Mã đã có 7 nốt ruồi sau gáy tụ lại như chòm sao thất tinh - Bắc Đẩu. Đây là chòm sao sáng nhất tại bán cầu Bắc, tượng trưng cho ngôi vua theo quan niệm lý số đời xưa nên từ nhỏ Phật Mã đã được cho là sẽ nối ngôi vua cha.

Lớn lên một chút, Lý Phật Mã bắt đầu cho thấy vị thế của mình. Khi chơi cùng đám trẻ khác, Phật Mã có thể sai bảo được chúng đi dàn hầu trước sau và hai bên như nghi vệ các quan theo hầu vua.

Lý Công Uẩn (vua Lý Thái Tổ), bấy giờ đang làm Điện tiền chỉ huy sứ của nhà Tiền Lê, thấy thế vui lòng, nhân nói đùa "Con nhà tướng nên bắt chước việc binh lính, dùng gì nghi vệ theo hầu". Nghe cha nói, Phật Mã trả lời: "Nghi vệ theo hầu có xa gì với con nhà làm tướng? Nếu xa thì sao ngôi vua không ở họ Đinh mãi mà lại sang họ Lê, do ở mệnh trời thôi". Thấy con còn nhỏ đã có chí khí của bậc quân vương, Lý Công Uẩn ngạc nhiên, từ đấy càng yêu quý Phật Mã.

Sau khi lên ngôi vua, Lý Thái Tổ lập Phật Mã làm Đông cung Thái tử, sau được phong làm Khai Thiên Vương, lập phủ ở ngoài nội cung để làm quen với quan lại và dân chúng. Ông nhiều lần được cử làm tướng cầm quân dẹp loạn và đều lập được công lớn. Chẳng hạn năm 1020, Lý Phật Mã đem quân đi đánh Chiêm Thành. Ông đánh tan quân Chiêm, bắt được tướng đem về.

Tượng vua Lý Thái Tông ở đền Lý Bát Đế (Đền Đô ở Từ Sơn, Bắc Ninh). Ảnh: Wikipedia

Tượng vua Lý Thái Tông ở đền Lý Bát Đế (Đền Đô ở Từ Sơn, Bắc Ninh). Ảnh: Wikipedia

Năm 1028, vua Lý Thái Tổ mất. Thái tử Lý Phật Mã được quyền kế vị. Nhưng khi chưa kịp tế táng xong cho vua, các hoàng tử Võ Đức Vương, Dực Thánh Vương và Đông Chính Vương đã đem quân đến vây thành, đòi tranh ngôi của thái tử, sử gọi là "loạn tam vương".

Theo cuốn Triều đại nhà Lý, phe tam vương toan tính việc giết thái tử để tranh ngôi báu. Nhưng bên cạnh thái tử luôn có những tướng cận vệ trung thành như Lê Phụng Hiểu và Lý Nhân Nghĩa. Khi quân lính của tam vương tiến gần cung Càn Nguyên, nơi làm việc của thái tử, thái tử truyền hai cận vệ vào và nói: "Tam vương không lo việc tang chay cho cha, nay đem quân đến vây bức cửa cung, thật không xứng đáng em ta. Vậy hai ngươi hãy mau đem quân trong cung ra dẹp yên đảng nghịch cho xứng với sự ủy thác của tiên đế".

Được lời của thái tử, Nhân Nghĩa và Phụng Hiểu dẫn quân trong cung tiến ra giáp chiến với quân của tam vương. Võ Đức Vương bị Phụng Hiểu giết chết. Thấy vậy, hai vương Dực Thánh và Đông Chính vội tháo chạy. Quân lính của họ đều buông vũ khí xin hàng.

Sau khi loạn tam vương được dẹp, ngày Kỷ Hợi, tức 1/4/1028, Lý Phật Mã lên ngôi, lấy hiệu là Lý Thái Tông. Theo Đại Việt sử ký toàn thư, ngay khi lên ngôi, ông đã đại xá thiên hạ, xuống chiếu cho lấy tiền lụa ở kho lớn ban cho thiên hạ. Dực Thánh Tông và Đông Chính Vương xin về chịu tội và được vua tha. Vì sự phản nghịch của tam vương, Lý Thái Tông mới lập lệ hàng năm, các quan phải đến đền Đồng Cổ ở làng Yên Thái, Hà Nội làm lễ đọc lời thề "Làm con bất hiếu, làm tôi bất trung. Xin thần minh giết chết".

Lên ngôi vua, Lý Thái Tông chăm lo chính sự, đánh dẹp giặc giã, phản loạn. Thời bấy giờ, hoàng đế không đặt quan tiết trấn, những việc binh việc dân ở các châu đều giao cho người châu mục. Vùng núi có tù trưởng quản lĩnh. Vì quyền hành quá to, những người này thường nảy sinh phản nghịch. Ngoài ra, những nước như Chiêm Thành và Ai Lao (Lào) thường hay sang quấy nhiễu. Vì thế, Lý Thái Tông mất rất nhiều công dẹp loạn.

Tiêu biểu là việc vua Lý Thái Tông nhiều lần dẹp loạn họ Nùng. Năm 1038, Nùng Tồn Phúc ở châu Quảng Nguyên (Lạng Sơn) làm phản, tự xưng là "Chiêu Thành hoàng đế", lập A Nùng làm "Minh Đức Hoàng hậu", đặt quốc hiệu là "Trường Sinh quốc" rồi đem quân đánh phá các nơi. Tháng 2/1039, vua Lý Thái Tông thân chinh đi đánh, Nùng Tồn Phúc và con là Nùng Trí Thông bị bắt đem về kinh đô, sau đó bị giết. A Nùng và người con khác là Nùng Trí Cao chạy thoát. Vào các năm 1041, 1048, 1052, Nùng Trí Cao làm phản, nhưng bị dẹp.

Lý Thái Tông lên làm vua hơn 15 năm mà nước Chiêm Thành láng giềng không chịu thông sứ, còn quấy nhiễu. Ông bèn sắp sửa binh thuyền sang đánh Chiêm Thành. Năm 1044, vua đi đánh, quân Chiêm dàn trận ở phía nam sông Ngũ Bồ. Lý Thái Tông thúc quân đánh tràn sang, quân Chiêm thua chạy. Quân Lý bắt được hơn 5.000 người và 30 con voi. Tướng Chiêm sau đó sang xin hàng.

Lý Thái Tông tỏ ra là hoàng đế bao dung, nhân hậu. Hễ năm nào đói kém hoặc đi đánh giặc về, vua lại giảm thuế cho dân trong 2-3 năm. Các nhà sử học cho rằng Lý Thái Tông cũng như nhiều hoàng đế nhà Lý có lượng khoan hồng vì ảnh hưởng của quốc giáo là đạo Phật. Trừ người em Vũ Đức Vương làm loạn bị giết, những vương tôn phản loạn khác ông đều tha tội. Nùng Trí Cao nhiều lần làm phản nhưng ông vẫn đối đãi khá rộng lượng.

Vua Lý Thái Tông cũng đặc biệt chú ý đến việc ban hành luật pháp để giữ kỷ cương nề nếp. Năm 1042, vua cho ban hành bộ Hình thư. Sách Đại Việt sử ký toàn thư ghi: "Trước kia, trong nước việc kiện tụng phiền nhiễu, quan giữ việc hình câu nệ luật văn, cốt làm khắc nghiệt, thậm chí bị oan uổng. Vua lấy làm thương xót, sai trung thư sửa luật lệnh..., làm sách Hình luật của một triều đại, để cho người xem dễ hiểu. Sách làm xong, xuống chiếu ban hành, dân lấy làm tiện. Đến đây, phép xử hình thản nhiên rõ ràng, cho nên có lệnh đổi mới niên hiệu làm Minh Đạo và đúc tiền Minh Đạo".

Theo Lê Quý Đôn trong Đại Việt thông sử, Hình thư gồm ba quyển, nay không còn. Đây là hệ thống pháp luật lần đầu tiên được quy định cụ thể, áp dụng thống nhất trong cả nước và đủ khả năng điều chỉnh các quan hệ xã hội.

Vua Lý Thái Tông còn cho dựng chùa Diên Hựu (chùa Một Cột). Sách Đại Việt sử ký toàn thư ghi mùa đông tháng 10 năm Kỷ Sửu (1049), vua cho dựng chùa Diên Hựu. Trước đây, vua chiêm bao thấy Phật Quan Âm ngồi trên tòa sen, dắt vua lên tòa. Khi tỉnh dậy, vua đem chuyện ấy nói với bề tôi. Có nhà sư Thiền Tuệ khuyên vua làm chùa, dựng cột đá ở giữa ao làm tòa sen của Phật Quan Âm, giống như đã trông thấy trong mộng, cho các nhà sư lượn xung quanh tụng kinh cầu cho vua sống lâu, vì thế gọi là chùa Diên Hựu.

Ông vua thứ hai của nhà Lý cũng rất chăm lo phát triển kinh tế, đặc biệt quan tâm đến nông nghiệp, biểu hiện rõ nhất là việc vua đi cày tịch điền. Lý Thái Tông là vua Lý đầu tiên cày tịch điền và là vua Lý thực hiện cày tịch điền nhiều lần nhất. Theo cuốn Những vị vua của các triều đại Việt Nam, lệ cày tịch điền là để khuyến nông, diễn ra hàng năm vào đầu mùa cày. Khi đó, Hoàng đế tự mình đi cày và tuyên bố rằng Hoàng đế mà còn đi cày thì trong thiên hạ không một ai được phép coi thường nghề cày cấy.

Việc cày tịch điền bắt nguồn từ đời vua Lê Đại Hành. Người đầu tiên nối tiếp là vua Lý Thái Tông. Sách Đại Việt sử ký tiền biên dẫn lời bình của sử thần Ngô Sĩ Liên nói "Thái Tông khôi phục lễ cổ, tự mình đi cày ruộng tịch điền để nêu gương thiên hạ, trên để cúng tông miếu, dưới để nuôi muôn dân, công hiệu trị nước khiến cho dân được giàu có đông đúc là đáng lắm thay".

Mùa đông ngày 1/10 năm Giáp Ngọ (1054), vua Lý Thái Tông mất ở điện Trường Xuân, thi hài được đưa về an táng tại Thọ Lăng Thiên Đức ở Cổ Pháp quê nhà (nay thuộc phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh), dân gian gọi lăng mộ ông là lăng Cả.

Sử sách đánh giá, Lý Thái Tông là hoàng đế giỏi thời nhà Lý. Hơn 30 năm chinh chiến và trị quốc, ông đã củng cố nền cai trị của nhà Lý, chống lại nguy cơ chia cắt, bạo loạn, xâm lấn, thu phục lòng dân, khiến nước Đại Cồ Việt vững mạnh.

Sách Việt giám thông khảo tổng luận khen ngợi ông là người "trí dũng, đánh đâu được đấy; có đức hiếu hữu, học tập lễ văn, đánh giặc giã, dẹp man nhung, cày tịch điền, khuyên việc ruộng, dân oan có chuông, việc hình có luật; là một bậc vua giỏi giữ nền nếp".

Let's block ads! (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét