Quảng TrịGạo "ra dư" với những đặc tính hiếm có, được người Pa Kô ở dãy Trường Sơn dành để nấu cho con rể, khách quý, người già.
Hạt lúa ra dư trên rẫy của người Pa Kô. Ảnh: Hoạ My |
Đầu tháng 12, những hạt lúa ra dư chín vàng trên sườn đồi được người Pa Kô đưa hết về nhà kho cất giữ. Lúa được phơi kỹ dưới nắng, rồi đóng vào bao và gác lên cao để giữ gìn. Khi việc thu hoạch hoàn thành, người Pa Kô phải quay trở lại rẫy lúa, với ít lễ vật là gà, xôi, thịt lợn để gọi hồn lúa về nhà. "Hồn lúa có về nhà, thì người Pa Kô mới làm được lễ cơm mới mừng một vụ mùa đã xong", bà Hồ Thị Loan (55 tuổi, trú xã A Bung) cho hay.
Bà Loan kể, với người Pa Kô ở miền tây Quảng Trị, gạo ra dư là sản vật quý vì giá trị dinh dưỡng cao mà nó mang lại, trong khi điều kiện canh tác khó khăn mà năng suất thấp. Từ xa xưa, người Pa Kô đã trồng lúa ra dư, nhưng năng suất thấp nên không trồng được đại trà. Gạo thu hoạch được thường dành để nấu cơm mời con rể, khách quý, người già và người ốm đau. "Ưu tiên con rể vì có quý con rể thì con gái mình mới được đối xử tốt ở nhà chồng", bà Loan giải thích.
Gạo ra dư hạt to, có màu đỏ nhạt, mùi thơm đặc trưng không lẫn với bất cứ loại gạo nào. Ra dư có thể phơi khô rồi xát vỏ và nấu như gạo bình thường, hoặc để nguyên hạt lúa và hấp trên hơi nước nóng cho vừa chín tới. Hạt lúa hấp này được phơi khô, xát vỏ và nấu chín thêm lần nữa để thưởng thức. Với mỗi cách chế biến, hạt cơm có một mùi vị riêng, hạt cơm không dính chặt với nhau nhưng vẫn dẻo, ngọt bùi trong miệng.
Anh Hồ Văn Tiêm nói nhờ mở rộng diện tích lúa ra dư mà gia đình có thêm nguồn thu vì giá bán cao. Ảnh: Hoàng Táo |
Nhằm phục tráng giống lúa quý của dân tộc mình, từ hai năm nay, nhà bà Loan bắt đầu trồng lúa ra dư với diện tích lớn, lúc đầu khoảng 20 ha. "Mẹ phải lên rẫy chọn kỹ từng cây, xem cây nào không phải lúa ra dư thì nhổ bỏ. Sau đó thu hoạch rồi chọn hạt tốt nhất làm giống", bà Loan kể. Sau đó, bà Loan cấp giống cho một số bà con thân quen, vận động trồng lại giống lúa quý của tổ tiên.
Người Pa Kô ý thức được giá trị của hạt gạo ra dư, nhưng trồng lúa ra dư không đủ ăn, bán thì giá cao ít người mua nên họ không mặn mà bảo tồn. Hiểu được điều này, bà tìm cách đưa gạo ra dư ra thị trường, thu mua với giá hợp lý để người dân yên tâm canh tác.
Nhờ đó, đến năm 2019, khoảng 100 hộ dân Pa Kô trồng hơn 100 ha lúa ra dư trên các triền đồi ở xã A Bung, diện tích lớn nhất từ trước đến nay, và cũng là năm được mùa nhất với năng suất 36 tạ mỗi ha. Được vận động của bà Loan, từ năm 2019, anh Hồ Văn Tiêm (28 tuổi, trú xã A Bung) trồng 3 ha lúa ra dư. Năm nay, gia đình anh thu được 30 triệu đồng nhờ bán lúa cho bà Loan. Anh Tiêm nói năm nào cũng trồng lúa ra dư nhưng chỉ diện tích ít. Tương tự, nhiều hộ dân ở cùng thôn cũng mở rộng diện tích trồng ra dư vì được thu mua với giá hợp lý.
Gạo ra dư cũng rất đặc biệt, chỉ thích nghi nhất với vùng đất triền đồi xã A Bung và xã Hồng Thuỷ giáp ranh (huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế). Ở những vùng đất khác, lúa kém sinh trưởng, hạt gạo không ngon bằng.
Người dân sàng hạt gạo ra dư để chuẩn bị lễ cơm mới. Ảnh: Hoàng Táo |
Mùa gieo hạt thường vào tháng 4 hàng năm, người Pa Kô làm một con gà, ít thịt lợn mang lên rẫy, cúng báo thần lúa, thần nhà cửa biết người dân sắp đi trỉa lúa. Đến tháng 7 và 8, hạn hán khiến cây hay bị sâu bệnh, người Pa Kô lại làm lễ cúng thần rừng ngay tại rẫy để cầu mùa màng bội thu. "Nhà nào có điều kiện thì làm con trâu, không thì làm con lợn to", bà Loan cho hay. Sau 7 tháng trỉa hạt, lúa ra dư trổ vàng ươm. Người Pa Kô làm thêm lễ gọi hồn lúa về nhà. Cuối cùng, bà con làm lễ cúng cơm mới, mừng một mùa màng bội thu, an toàn.
Ở triền đồi, lúa ra dư phát triển hoàn toàn tự nhiên, không tưới tắm, không phân bón hay thuốc trừ sâu. Người dân mất bốn lần làm cỏ thì cây lúa mới có bông. Chỉ có tấm lòng người Pa Kô là sắt son dõi theo từng hạt lúa ra dư.
Thấu hiểu tấm lòng muốn bảo tồn giống lúa quý của mẹ mình, chị Hoạ My (33 tuổi, con gái bà Loan) đưa hạt gạo ra dư đi khắp nơi, dự các hội chợ nông sản cũng như bán trên mạng xã hội. Hiện, gạo ra dư được bán với giá 55.000 đồng mỗi kg, tiêu thụ rộng rãi ở Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Hà Nội và Sài Gòn.
Ông Hồ Văn Hiền, Phó chủ tịch UBND xã A Bung nói lúa ra dư thơm ngon, có giá trị dinh dưỡng và là giống lúa truyền thống của người Pa Kô, nhưng từ năm 2015 trở về trước ít người trồng do không bán được, canh tác vất vả, năng suất thấp. Tuy nhiên, vài năm gần đây, người dân mở rộng dần diện tích vì có thị trường tiêu thụ. "Có được điều này là nhờ công lao rất lớn của bà Loan", ông Hiền nói.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét