Năm 2019, Bộ GD&ĐT sẽ hỗ trợ kỹ thuật cho các trường về thông tin tuyển sinh trên cổng thông tin tuyển sinh, thống kê nguyện vọng thí sinh, phần mềm xét tuyển, lọc ảo... để giúp các trường thực hiện tuyển sinh thuận lợi hơn.
Hạn chế triệt để thí sinh ảo
Việc thực hiện xét tuyển và lọc ảo toàn quốc sẽ diễn ra từ ngày 6 - 8/8 theo phương thức trực tuyến. Bộ GD&ĐT yêu cầu các nhóm trường xét tuyển, lọc ảo và tất cả các trường (trong và ngoài nhóm trường xét tuyển) phải chủ động trong quá trình tuyển sinh và tương tác với phần mềm xét tuyển, lọc ảo theo lịch chung.
Đặc biệt, các trường phải triệt để tuân thủ và thống nhất thực hiện quy định: Danh sách thí sinh trúng tuyển chính thức vào trường là danh sách thí sinh được phần mềm lọc ảo toàn quốc gửi lại trường (trên cơ sở danh sách thí sinh dự kiến trúng tuyển do trường tải lên hệ thống) sau khi lọc ảo lần cuối cùng vào ngày 8/8, các trường tuyệt đối không được điều chỉnh danh sách trúng tuyển chính thức.
Để danh sách thí sinh trúng tuyển sát với chỉ tiêu tuyển sinh đã xác định, Bộ GD&ĐT yêu cầu các trường, nhóm trường xét tuyển bố trí cán bộ có kinh nghiệm trong việc thống kê số liệu, phân tích dữ liệu, xử lý thông tin... về tuyển sinh để kiểm soát tỷ lệ thí sinh ảo phù hợp với từng trường, từng ngành/nhóm ngành đào tạo và quy trình tuyển sinh. Tương tự như năm 2018, trong đợt 1 xét tuyển năm 2019 thí sinh chỉ trúng tuyển vào một trường duy nhất nên chỉ còn tỷ lệ ảo do thí sinh trúng tuyển nhưng không nhập học.
Nhằm hạn chế triệt để số thí sinh ảo đã trúng tuyển theo phương thức xét tuyển theo đề án tuyển sinh riêng, xét học bạ vào các trường (nếu có), các trường phải cập nhật danh sách thí sinh trúng tuyển và đã xác nhận nhập học vào trường theo quy định tại Điểm đ Khoản 1 Điều 13 của Quy chế tuyển sinh hiện hành để loại bỏ danh sách những thí sinh này khỏi danh sách thí sinh xét tuyển trên hệ thống.
Theo Bộ GD&ĐT, một số trường đã tự nguyện hình thành nhóm xét tuyển khu vực phía Bắc và nhóm xét tuyển khu vực phía Nam. Các nhóm cần thống nhất việc hỗ trợ lẫn nhau trong xét tuyển và lọc ảo. Các trường cần lưu ý tính toán việc điều chỉnh điểm dự kiến trúng tuyển, danh sách thí sinh dự kiến trúng tuyển sau mỗi lần lọc ảo trong nhóm và lọc ảo toàn quốc để bảo đảm danh sách thí sinh chính thức trúng tuyển vào trường sau lần cuối cùng lọc ảo toàn quốc (ngày 8/8/2019) sát với chỉ tiêu tuyển sinh của trường. Các trường, nhóm trường lưu ý bảo mật thông tin trong suốt quá trình xét tuyển, lọc ảo; lưu ý cấu hình máy tính phục vụ công tác xét tuyển, lọc ảo (đặc biệt các trường có số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển lớn).
Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT cũng lưu ý các trường, phần mềm lọc ảo chỉ làm nhiệm vụ lọc bỏ những thí sinh đã trúng tuyển nguyện vọng cao hơn vào trường khác ra khỏi danh sách trúng tuyển dự kiến mà trường gửi lên hệ thống, không có chức năng điều chỉnh chỉ tiêu, điểm chuẩn mà trường đã xác định.
Xử lý nghiêm trường tuyển vượt chỉ tiêu
Trao đổi kết quả sau giờ thi. Ảnh: Thế Đại
Theo quy định, dự kiến trước ngày 21/7, Bộ GD&ĐT công bố ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào khối ngành đào tạo giáo viên, khối ngành sức khỏe; trước ngày 22/7, các trường ĐH, CĐ sư phạm, trung cấp sư phạm điều chỉnh, công bố mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển trên Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD&ĐT và trang thông tin điện tử của trường.
Với các trường Bộ GD&ĐT không xác định ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào, việc xác định ngưỡng này đối với tổ hợp xét tuyển khi sử dụng kết quả ba bài/môn thi, hai bài/môn thi, một môn thi của Kỳ thi THPT Quốc gia kết hợp với các điều kiện khác để xét tuyển vào các ngành đào tạo giáo viên và các ngành sức khỏe có chứng chỉ hành nghề cần bảo đảm:
Thứ nhất, với tổ hợp xét tuyển sử dụng kết quả ba bài/môn thi: Tổng điểm ba bài/môn thi cộng điểm ưu tiên (khu vực, đối tượng) theo thang điểm 10. Với tổ hợp xét tuyển sử dụng kết quả hai bài/môn thi: Tổng điểm hai bài/môn thi cộng điểm ưu tiên (khu vực, đối tượng) nhân 2/3 (làm tròn đến 2 chữ số thập phân), tối thiểu bằng ngưỡng ba bài trên môn thi nhân 2/3 (làm tròn đến 2 chữ số thập phân). Nếu sử dụng kết quả một môn thi: Điểm môn thi cộng điểm ưu tiên (khu vực, đối tượng) nhân 1/3 (làm tròn đến 2 chữ số thập phân), tối thiểu bằng ngưỡng 3 bài/môn thi nhân 1/3 (làm tròn đến 2 chữ số thập phân).
Bộ GD&ĐT nhấn mạnh: Các trường tự chủ trong công tác tuyển sinh và phải chịu trách nhiệm trong xác định chỉ tiêu, xác định điểm trúng tuyển vào các ngành/nhóm ngành đào tạo của trường. Nếu trường xác định danh sách trúng tuyển dự kiến không sát với thực tế dẫn đến tuyển vượt chỉ tiêu đã đăng ký thì nhà trường và cá nhân liên quan hoàn toàn chịu trách nhiệm và sẽ bị xử lý theo Điều 25 của Quy chế tuyển sinh hiện hành. Những trường tuyển không đủ chỉ tiêu trong đợt 1 có thể tiếp tục xét tuyển các đợt bổ sung.
Bộ GD&ĐT cũng lưu ý: Các trường công bố điểm trúng tuyển phải kèm theo việc công bố thang điểm xét tuyển và công bố thông tin tiêu chí phụ (nếu có), cập nhật danh sách thí sinh trúng tuyển, nhập học các đợt, phương thức xét tuyển, các hình thức đào tạo theo đúng cấu trúc dữ liệu và đúng thời gian quy định
Từ 8 - 10/7, Bộ GD&ĐT đã thực hiện thực hành phần mềm xét tuyển và lọc ảo toàn quốc. Mục đích nhằm thực hành theo các bước chung toàn hệ thống (trường nhóm chủ động triển khai quy trình trong nhóm) và các trường thực hiện đầy đủ các bước theo thời gian quy định, làm quen thao tác xét tuyển, lọc ảo đảm bảo tính đồng bộ toàn hệ thống, tiếp tục góp ý hoàn thiện phần mềm (nếu có).
Để chuẩn bị dữ liệu thực hành xét tuyển, các trường đã cập nhật vào trang nghiệp vụ (trang thực hành) giả lập các thông tin của trường như: Ngưỡng đảm bảo chất lượng, bổ sung tiêu chí phụ, nhập điểm năng khiếu, điểm khuyến khích, điểm chứng chỉ ngoại ngữ, điểm tiêu chí phụ ngoại ngữ (nếu có), thí sinh tuyển thẳng, thí sinh trúng tuyển xét kết quả học tập THPT đã xác nhận nhập học...
Bộ GD&ĐT giả lập ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào các ngành đào tạo sư phạm trình độ ĐH, CĐ và trình độ trung cấp; các ngành đào tạo thuộc lĩnh vực sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề.
Theo Thời đại
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét