Sang Hàn Quốc thăm con cháu, ông Thảo chứng kiến rất nhiều chuyện bất ngờ. Trong đó, có nhiều điều văn minh, tiến bộ nhưng cũng có những việc khiến ông chạnh lòng ...
Trong căn biệt thự 2 tầng bề thế mới được xây dựng ở xã Thủy Triều, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng, ông Nguyễn Văn Thảo (64 tuổi) khá hài lòng về công trình ‘để đời’ của mình.Căn nhà bề thế mới được xây dựng của gia đình ông Thảo.
Theo dự kiến ban đầu, ông Thảo định xây căn nhà 3 tầng nhưng sau đó nghĩ lại, ông rút xuống 2 tầng với tổng chi phí xây dựng khoảng hơn 2 tỷ đồng. ‘Trong đó, một phần chi phí được đóng góp bởi hai cô con gái lấy chồng Hàn Quốc, một cô đang ở tỉnh Busan và một cô ở tỉnh Incheon’, ông Thảo tự hào nói.
Ông cũng cho biết, trước khi xây nhà, cả ông và vợ đều có một thời gian (khoảng 3 năm) sống ở Hàn Quốc cùng các con và cháu theo diện thăm thân (chính sách của Hàn Quốc đối với những trường hợp gia đình có trẻ dưới 7 tuổi).
‘Ở đó một thời gian, tôi mới thấy, đất nước con người họ có rất nhiều điều khác biệt với chúng ta’, ông Thảo nói và bắt đầu hồi tưởng lại quãng thời gian bên xứ người.
Bên xứ người, ông Thảo có 2 chàng rể, cả hai đều đi làm công ty nhưng sau giờ làm, chàng rể cả có thêm nghề làm nông nghiệp. Hàng ngày, quan sát cách làm việc của con và những người dân nơi đây, ông Thảo khá bất ngờ.
‘Mình cũng là người làm nông nghiệp nhưng sang đó mới thấy, họ làm nông nghiệp cầu kỳ và đầu tư rất lớn.
Hầu như rau củ, hoa mầu đều được trồng trong một ‘ngôi nhà’ phủ kín nilong. Bên trong, người chủ có máy đo và phương pháp điều hòa nhiệt độ. Chỉ cần nhiệt độ tăng hoặc giảm quá mức cho phép, hệ thống sẽ báo động để người nông dân điều chỉnh cho phù hợp.
Đặc biệt, tôi quan sát bên Hàn Quốc, nông dân chủ yếu trồng rau theo phương pháp thủy canh. Đây là phương pháp trồng cây không dùng đất mà trồng trên nước. Trong nước có dung dịch dinh dưỡng hòa tan, nuôi cây. Các chậu cây được kê cao, đục lỗ cho rễ cây mọc. Phía dưới là các máng nước đựng dung dịch dinh dưỡng. Năng suất trồng rau bằng phương pháp này rất cao’, ông Thảo nhớ và mô tả lại.
Cùng với đó, những ngày đầu mới sang, ông Thảo khá lạ lẫm khi đường phố Hàn Quốc rất sạch và trên đường không hề có bóng công an. ‘Sau này tôi mới biết, những người phạm luật giao thông sẽ bị nhận giấy phạt tại nhà. Tuy vậy, tôi đoán số đó chắc không nhiều vì người dân ở đây khá tuân thủ luật. Họ cũng rất có ý thức giữ gìn vệ sinh chung’.
Cổng vào nhà được ông Thảo xây dựng kiên cố, hoành tráng
Ông Thảo cũng cho biết, người trong độ tuổi lao động ở Hàn Quốc dành nhiều thời gian cho công việc. ‘Họ đi làm từ 7h sáng cho đến 6h tối. Trong lúc làm việc, kể cả người làm nông nghiệp cũng không nghỉ giải lao, kề cả uống cốc nước hay hút điếu thuốc lào như ở Việt Nam. Tất cả đều phải tập trung tuyệt đối cho công việc’, ông Thảo nói.
Làm việc cật lực là vậy nhưng theo ông Thảo, người dân nơi đây ăn uống khá đơn giản. ‘Họ không bày biện nhiều món như người Việt mình. Bữa ăn của họ cũng không có nhiều thịt. Thông thường, một gia đình chỉ ăn khoảng 1 đến 2 bữa thịt trong tuần, còn lại họ ăn chủ yếu ăn rau, mì và kim chi’.
Thế nhưng, bên cạnh sự phát triển và văn minh của nước bạn, trong quá trình sống tại Hàn Quốc, sự khác biệt về văn hóa, lối sống cũng khiến ông đôi lúc chạnh lòng.
'Hai con rể của tôi đều rất quý và tôn trọng bố mẹ vợ. Khi chúng tôi sang, các cháu đều đưa bố mẹ đi nhà hàng chiêu đãi. Việc ăn ở nhà hàng thì đắt đỏ, một miếng thịt bò bằng bao thuốc lá tính ra cũng 1,4 triệu đồng, các cháu không hề tiếc, cứ giục bố mẹ ăn uống thoải mái, vui vẻ.
Thế nhưng, sau đó, các cháu dành phần lớn thời gian cho công việc. Rất nhiều bữa ăn không đủ các thành viên trong nhà. Con rể tôi đi làm công ty về, có khi chỉ ăn tạm một bát mỳ rồi lại tất tả làm nông nghiệp, ít có thời gian trò chuyện với bố mẹ’, ông Thảo cho biết.
Bên cạnh đó, ông Thảo cũng nói, do đã quen với văn hóa mời chào, khi ngồi vào mâm cơm, người ít tuổi phải mời người lớn tuổi, con cái phải mời bố mẹ, hay khi ra khỏi nhà, các con phải xin phép, chào hỏi bố mẹ nên khi sang Hàn, có lúc ông bị sốc.
‘Ở Hàn Quốc, tôi hiếm khi chứng kiến văn hóa mời chào đó. Vì thế, lúc đầu tôi cũng có chút khó hiểu. Sau này, tôi biết, mỗi quốc gia lại có một thói quen văn hóa khác nhau nên cũng quen dần’, ông Thảo bộc bạch.
Theo ông, sau quãng thời gian bên xứ người, chứng kiến cuộc sống và sự phát triển của các con, cháu, ông cũng có phần yên tâm về tương lai của chúng. Tuy nhiên, ông vẫn luôn dặn các con, khi sống phải biết dung hòa mọi chuyện để cuộc sống dễ dàng hơn với bản thân mình.
Theo VietNamNet
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét