Vụ ly hôn của ông Đặng Lê Nguyên Vũ – bà Lê Hoàng Diệp Thảo mặc dù đã khép lại tại phiên toà ngày 27/3, song vẫn còn không ít ý kiến, tranh luận quanh một số chi tiết của vụ việc, trong đó có giá trị tài sản được phân chia.
Cụ thể, tòa tuyên chia cho ông Vũ 60% và bà Thảo 40% giá trị tài sản tại các công ty. Trong đó, đáng chú ý là bà Thảo sẽ giao toàn bộ số cổ phần trong các công ty của tập đoàn Trung Nguyên cho ông Vũ và ông Vũ sẽ thanh toán phần chênh lệch tài sản cho bà Thảo. Số tiền mà bà Thảo nhận được hơn 3.000 tỷ đồng.
Trong tổng giá trị tài sản trị giá 7.750 tỷ đồng thì công chúng quan tâm đến định giá tài sản cổ phiếu ở Trung Nguyên của hai người là 5.737 tỷ đồng, mức này đắt hay rẻ? Bởi nếu đắt thì bà Thảo được lợi còn nếu rẻ thì bà Thảo thiệt, do bà là người nhận tiền mặt còn ông Vũ nắm giữ cổ phần.
Nếu chiếu theo giá trị tổng tài sản trên bảng cân đối kế toán của công ty giai đoạn tranh chấp li hôn thì con số toà đưa ra khá tương đồng (cuối năm 2017, Trung Nguyên có tổng tài sản 5.696 tỷ đồng).
Song vẫn còn một số phương pháp khác. Một chuyên gia về tài chính đã nhẩm tính, mức định giá đối với Trung Nguyên theo số nhân thu nhập trước thuế, trả lãi và khấu hao (EBITDA) vào khoảng 8.000 tỷ đồng.
Bà Lê Hoàng Diệp Thảo
Trên thị trường chứng khoán, một đối thủ của Trung Nguyên là Công ty CP Vinacafé Biên Hoà có mã cổ phiếu VCF đang được giao dịch với mức P/E khoảng 6,22 lần, vốn hoá hơn 3.800 tỷ đồng.
Vị chuyên gia nói trên cho biết, so với các công ty niêm yết cùng ngành, Vinacafe Biên Hoà có doanh thu và lợi nhuận năm vừa rồi đột biến, nhưng từ nhiều năm trước thì chỉ có lợi nhuận bằng một nửa thậm chí 1/3 Trung Nguyên. Nhưng VCF không có thanh khoản nên mức giá thị trường cổ phiếu hiện tại không phản ánh được giá trị công ty.
“Xét cho cùng, vấn đề là cần định giá độc lập và có năng lực, chứ không thể lấy giá trị ghi sổ được. Vì ngay cả giá trị ghi sổ có rất nhiều khoản đầu tư tài chính không mang lại giá trị”, vị chuyên gia này nhận định.
Tóm lại, định giá Trung Nguyên 5.737 tỷ đồng là đắt hay rẻ, điều này còn phụ thuộc và phương pháp định giá và trình độ của đơn vị thẩm định giá.
Trên thị trường chứng khoán phiên 29/3, hầu hết thời gian diễn biến trên đường tham chiếu song VN-Index lại kết phiên giao dịch cuối tháng với mức giảm 2,22 điểm tương ứng 0,23% còn 980,76 điểm còn HNX-Index cũng giảm biên độ tăng còn 0,1 điểm tương ứng 0,09% đạt 107,44 điểm.
Thanh khoản đạt 173,9 triệu cổ phiếu trên HSX tương ứng 3.870,37 tỷ đồng trên HSX và 31,03 triệu cổ phiếu tương ứng 439,1 tỷ đồng trên HNX.
Theo nhận định của BVSC, trong tuần tới, thị trường vẫn được kỳ vọng sẽ hướng đến vùng kháng cự 991-998 điểm. Dù vậy, đà đi lên của thị trường dự báo sẽ gặp phải các nhịp rung lắc, điều chỉnh đan xen và kèm theo đó là sự phân hóa mạnh giữa các dòng cổ phiếu.
Đồng thời, BVSC cũng để ngỏ khả năng thị trường sẽ đối mặt với rủi ro quay đầu giảm điểm khi tiếp cận vùng kháng cự này.
Xu hướng mua ròng của khối ngoại tiếp tục là yếu tố hỗ trợ cho diễn biến thị trường trong ngắn hạn. Các cổ phiếu vốn hóa lớn nhiều khả năng sẽ tiếp tục tạo ra sự chi phối đến diễn biến thị trường trong tuần tới. Còn nhóm ngân hàng nhiều khả năng sẽ vẫn biến động theo hướng đi ngang tích lũy. Dòng tiền có thể sẽ chú ý nhiều hơn đến các cổ phiếu có thông tin lợi nhuận quý 1/2019 tích cực nhưng giá đã điều chỉnh về vùng hỗ trợ.
BVSC vẫn đánh giá dư địa hồi phục của thị trường có thể sẽ còn tiếp diễn nhưng khả năng tìm kiếm lợi nhuận trong giai đoạn này là tương đối khó khăn. Do đó, đối với các nhà đầu tư nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao cần tận dụng các nhịp hồi của thị trường để bán giảm tỷ trọng danh mục về mức an toàn.
Còn với nhà đầu tư đang có tỷ trọng tiền mặt cao và chấp nhận rủi ro thì có thể thực hiện các hoạt động mua trading, ưu tiên các vị thế có sẵn trong danh mục. Tỷ trọng danh mục tổng giai đoạn hiện tại nên được khống chế tối đa ở mức 35-40% cổ phiếu.
Theo Dân trí
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét