Người đàn ông 63 tuổi vẫn ngày ngày chạy xe ôm nuôi con trai học đại học, chỉ mong đứa con không bị ảnh hưởng hay liên lụy gì từ người mẹ đã bỏ chồng con lên ở chùa rồi vướng chuyện thị phi.
Ngày 20/3, phóng sự "Truyền bá chuyện vong báo oán, chùa Ba Vàng mỗi năm thu trăm tỷ" được đăng tải đã khiến dư luận rúng động. Ngay sau đó, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ra văn bản hỏa tốc nêu rõ lực lượng chức năng sẽ kiểm tra, xác minh làm rõ những thông tin nội dung bài báo phản ánh, đồng thời sẽ có biện pháp kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm.
Tới ngày 26/3, UBND TP. Uông Bí (Quảng Ninh) đã tổ chức buổi thông tin báo chí. Tại đây, đại diện UBND TP. Uông Bí khẳng định Đại đức Thích Trúc Thái Minh phải hoàn toàn chịu trách nhiệm vì những sai phạm ở chùa Ba Vàng, đồng thời phạt bà Phạm Thị Yến 5 triệu đồng vì hành vi vi phạm nếp sống văn hoá.
Bà Phạm Thị Yến.
Sau khi các thông tin về việc "thỉnh vong báo oán" được đăng tải, bà Yến được cho là đã trở về nơi cư trú ở TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh thế nhưng nhiều ngày nay, không ai liên lạc được với bà. Ông Hà (còn trai bà Phạm Thị Yến) cho biết bản thân mình cũng không biết mẹ mình đang ở đâu.
Cũng sau vụ việc, những ngày này, căn nhà của ông Đ. (63 tuổi, là chồng cũ của bà Phạm Thị Yến, trú phường Hồng Hải, Hạ Long, Quảng Ninh) có nhiều người ghé thăm. Người dân, cơ quan chức năng, báo chí đều đến để muốn tìm hiểu thông tin về bà Yến.
Căn nhà 3 tầng cao ráo nhưng vắng lặng cả ngày, hiện chỉ còn một mình ông Đ. ở đây. Ông lại ra đường làm xe ôm suốt nên căn nhà hầu như chỉ sáng đèn lúc 10h tối và lại khóa cửa vào rạng sáng hôm sau. Ông Đ. với bà Yến có với nhau 2 con trai, con lớn đã 30 tuổi, có nhà riêng, con nhỏ đang là sinh viên năm nhất đại học trên Hà Nội.
Ngôi nhà cách bờ biển Hạ Long chừng vài trăm mét. Trước đây, ông Đ. làm nghề thủy thủ chạy xà lan chở than, tháng về nhà đôi ba lần, bà Yến làm nghề thợ may ở chợ, kinh tế có phần sung túc. Tuy nhiên, vì "không hợp nhau nữa" nên hai người ly thân, đến năm 2017 thì chính thức ly hôn. Kể từ đó, bà Yến lên ở trên chùa Ba Vàng, ông Đ. nghỉ hưu nên chuyển sang chạy xe ôm kiếm thêm tiền chu cấp cho con ăn học.
Ngôi nhà của chồng cũ bà Yến vẫn thường xuyên đóng cửa im lìm.
Ngồi trò chuyện ngay trên yên xe, sau một chút do dự, ông Đ. nói: "Tự nhiên đưa chân mình vào vũng nước nóng để người khác phải cứu, làm người mà để xã hội tẩy chay là không đúng rồi, mình không nhận xét về bà ấy, nói tốt thì người ta không tin, nói xấu thì cũng không phải, không nên, để xã hội tự đánh giá.
Mình với bà ấy trước đây không có xích mích cãi cọ hay to tiếng với nhau bao giờ, việc ai người ấy làm. Trước đây bà ấy cũng là người bình thường, không có biểu hiện gì cả. Về lý do ly hôn thì do không hợp với nhau nữa, giữ cũng không được. Mà một khi không ở với nhau nữa thì mình cũng không quan tâm để ý làm gì, cho nhẹ đầu".
Ông Đ. cho biết gia đình không theo tôn giáo nào cả. Ngày còn ở với nhau, bà Yến hay lên chùa Ba Vàng làm công quả, tu tập và có đưa con trai lên đó học những khóa tu dịp hè, có thời gian ông cũng đi cùng vợ.
Ông Đ. chồng cũ bà Yến chia sẻ.
"Đi để học cái hay, cái tốt thì nên đi chứ, không ngờ lại học phải cái dở, không muốn về nhà nữa thì mình cho đi luôn chứ sao. May mà mình bỏ được bà ấy chứ không rách việc lắm, suốt ngày người ta hỏi thăm đã mệt.
Giờ mình chỉ quan tâm con mình trên kia nó học như thế nào. Mình năm nay 63 tuổi, còn nuôi nó 4 năm nữa, sợ nhỡ ốm đau rồi khổ con khổ mình. Thằng đầu tự lập rồi không nói, thằng thứ 2 may mà ở với mình, ở với bà ấy lại thành dở hơi rồi. Giờ chỉ mong con yên tâm học hành, đừng dao động.
Một người mẹ như thế ít nhiều cũng ảnh hưởng đến con cái, sau này trong lý lịch có thông tin mẹ như vậy rõ ràng là bất lợi. Hiện nay bà ấy ở đâu mình không biết, con trai đầu của mình cũng đến 90% là không biết, người ta một khi đã trốn thì thiếu gì chỗ trốn. Con trai phải nộp phạt 5 triệu đồng cho mẹ nó cũng là cái tội", ông Đ. tâm sự.
Điều ông Đ. quan tâm bây giờ không phải là bà Yến đang ở đâu hay như thế nào mà là con cái mình rồi có ảnh hưởng gì từ sự việc này không. Ông Đ. cũng chẳng quan tâm tiền người dân nộp vào chùa kia để làm gì vì đằng nào cũng nộp rồi, ông chỉ muốn cơ quan chức năng làm rõ chuyện tại sao một người ngồi nói hoang đường mà hàng nghìn người khác lại tin nghe để rồi nộp tiền như vậy, tìm hiểu để tuyên truyền và thay đổi.
Theo Tổ Quốc
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét