Sức ép khán giả tại sân Bukit Jalil. Trận bán kết lượt đi sẽ diễn ra trên sân Bukit Jalil, nơi có sức chứa khoảng 87.000 khán giả. Theo thông tin trước giờ bóng lăn, CĐV Malaysia sẽ phủ kín sân và gây sức ép tâm lý cho Thái Lan. Nhiều cầu thủ Thái Lan chưa từng thi đấu trước sự chứng kiến của số khán giả nhiều như vậy. Hơn nữa, Thái Lan chưa từng thắng khi chơi tại Bukit Jalil trên đấu trường AFF Cup. Họ thua 1-2 ở vòng bảng năm 2004, hòa 1-1 ở bán kết năm 2012 và thua 2-3 ở chung kết lượt về năm 2014.
Lối chơi tấn công của Malaysia. Trong khi Thái Lan phải chịu sức ép khán giả, Malaysia sẽ có cơ hội triển khai lối chơi tấn công quyết liệt trên sân nhà. Bukit Jalil là nơi mà Malaysia từng thắng cả hai trận vòng bảng: hạ Lào 3-1 và Myanmar 3-0. Việc giành chiến thắng sẽ đem lại lợi thế lớn cho ''Hổ Malay'' trước trận lượt về tại Bangkok. Là đội bị coi là ''cửa dưới'', Malaysia càng có tâm lý thi đấu thoải mái hơn.
Tuổi trung bình của Thái Lan cao hơn Malaysia. Thái Lan có nhiều kinh nghiệm hơn, nhưng Malaysia nắm lợi thế về sức trẻ. Tuổi trung bình của đội vô địch năm 2010 là 25, ít hơn hai tuổi so với đối thủ. Malaysia chỉ có bốn cầu thủ từ 30 tuổi trở lên và tới tám cầu thủ trong độ tuổi 19-23. Trong khi đó, Thái Lan có sáu cầu thủ từ 30 tuổi trở lên và chỉ ba gương mặt thuộc lứa U23.
Cuộc đấu của hai giải vô địch có đẳng cấp tương đương. Giải vô địch Thái Lan và Malaysia là hai giải đóng góp nhiều cầu thủ nhất tại AFF Cup: 38 và 29. Theo Siamsport, đây là hai giải có đẳng cấp tương đương và cuộc chiến giữa hai đội tuyển đại diện sẽ khó có chênh lệch lớn.
Malaysia đang khao khát thành công. Sau chiến thắng tại AFF Cup 2010 và SEA Games 2011, bóng đá Malaysia dần sa sút và nhường lại sân khấu cho Thái Lan. Tuy nhiên, một thế hệ ''Hổ vàng'' mới đang nổi lên. Khao khát thành công có thể là yếu tố giúp Malaysia gây bất ngờ, trong khi Thái Lan thiếu sự đột biến từ sức trẻ.
Ảnh: AFF, Fox Sports
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét