"Tôi thực sự thấy căn nhà, mái ấm không thuộc về mình. Tôi cần một không gian mà tôi thấy mình tự do, được là mình", Trác Thuý Miêu bộc bạch.
Theo Trác Thúy Miêu thì ngay từ nhỏ chị đã bị ám ảnh bởi cái chết. Chị thường hay nghĩ đến cách thức chết như thế nào là phù hợp với mình nhất.
Có một lần chị đọc ở đâu đó về tình huống một người phụ nữ tự sát bằng cách mang thật nhiều hoa thơm vào phòng và đóng kín cửa lại....
Ghét bỏ chính mình
Trác Thúy Miêu sinh ra tại Sài Gòn vào năm 1975. Nghe giọng nói và cách biểu đạt ngôn ngữ của chị, người đối diện có cảm giác gia đình chị đã sinh sống tại vùng đất từng được mệnh danh hòn ngọc viễn đông qua rất nhiều đời.
Kỳ thực cha của Trác Thúy Miêu là người gốc Huế, ông chỉ tạt ngang Sài Gòn ít năm trước khi tập kết ra Bắc. Tại Sài Gòn, ông gặp gỡ và yêu mẹ chị, một phụ nữ Bắc.
Thời gian về miền Nam, cha của Thúy Miêu công tác trong ngành ngoại giao. Ông vừa có ngoại hình đẹp vừa giỏi ngoại ngữ. Mẹ chị là một người phụ nữ có nhan sắc tuyệt vời. Hai vợ chồng trai tài gái sắc này đã sinh ra đứa con gái đầu lòng xinh đẹp. Người ấy chính là chị ruột của Thúy Miêu.
Nhưng Thúy Miêu không hề thừa hưởng gien trội, vẻ đẹp trời phú ấy. Ngày nhỏ, khi nhìn vào gương chị kinh hãi vì sao mình xấu xí đến vậy. Vẻ ngoài khiếm khuyết này đã tạo ra trong đầu Thúy Miêu một ý nghĩ: mình là người thừa trong một gia đình trí thức vẹn toàn tài sắc.
Nỗi mặc cảm lớn dần trong tâm hồn cô gái nhỏ. Và đến một lúc, nó đã trở thành căn bệnh trong tâm tưởng. Thúy Miêu rút vào vỏ ốc, thế giới của riêng mình. Sự tự ti lớn đến mức Thúy Miêu cảm thấy mình không nên tồn tại nữa. Chị nghĩ đến cái chết.
Dẫu ý nghĩ về cái chết luôn thúc bách bên trong nhưng Thuý Miêu là cô gái nhút nhát. Chị sợ những cái chết đau đớn. Thế là chị đi lục tìm những cách chết thật êm ái.
Một lần, chị đọc được đâu đó, câu chuyện về một người phụ nữ tự sát bằng hương thơm của hoa. Thúy Miêu chọn cách này.
Rồi chị tìm xem mùi hoa nào là dịu dàng nhất. Cuối cùng chị tìm được mùi hoa mình ưng ý nhất. Đó là hoa nhài. Và mỗi khi bế tắc, khi ý nghĩ về cái chết trỗi dậy, Thúy Miêu tìm mùi hoa nhài để chuẩn bị cho sự kết thúc. Nhưng kỳ lạ thay, những lúc hít thật sâu mùi hoa nhài vào lồng ngực, chị thấy mình được hồi sinh.
Nhiều người vẫn nghĩ rằng Trác Thúy Miêu là tên thật, nhưng kỳ thực nó là nghệ danh. Trong tiếng Anh chữ hoa nhài là Jasmine. Phiên âm Hán Việt thành Trác Thúy Miêu. Đó là cách chơi chữ mà Thúy Miêu ưa thích.
Chị đặt cho mình cái tên ấy để nhắc nhở rằng đó là loài hoa nắm giữ sinh mệnh của mình. Ý nghĩ về cái chết thật thơm tho đeo đẳng mãi trong trí não của Thúy Miêu. Đến một ngày chị nhận ra mình phải sống. Sự sống đó mang một sắc thái của riêng chị.
16 tuổi bỏ nhà đi biệt tích
Xong lớp 10, ở tuổi 16 tuổi, Trác Thuý Miêu quyết định nghỉ học và lặng lẽ bỏ nhà ra đi biệt tích.
Trác Thúy Miêu bộc bạch: "có thể lúc đó trong đầu tôi chỉ chứa toàn những suy nghĩ nông nổi, nhưng tôi thực sự thấy căn nhà, mái ấm không thuộc về mình. Tôi cần một không gian mà tôi thấy tự do, được là mình".
Trong suốt thời gian đó, Thúy Miêu mưu sinh bằng nhiều công việc khác nhau. Đó là sự lựa chọn đầy quyết tâm, đồng thời nó cũng mang lại nhiều niềm vui lẫn nỗi buồn.
Nhưng Thúy Miêu không thấy hối tiếc vì mình đã rời xa vòng tay người thân. Chị tin vào khái niệm bắt phong trần phải phong trần.
Loay hoay với cuộc sống vô định qua một một khoảng thời gian dài, đến một ngày, Thúy Miêu thấy mình cần có một công việc gì đó để làm. Chị viết vào tờ giấy những công việc gì mình yêu thích nhất. Ở gạch đầu dòng đầu tiên, chị đã ghi: nhà thiết kế áo dài.
Chị đã tìm gặp Sỹ Hoàng, một bậc thầy trong ngành này. Chị âm thầm học hỏi và làm việc bằng tất cả cảm xúc thăng hoa. Ban đầu là sự thích, khi dấn thân Trác Thúy Miêu nhận ra mình có năng khiếu thời trang. Sỹ Hoàng xem chị là cô học trò mà ông yêu thương nhất.
10 năm song hành cùng Sỹ Hoàng, Trác Thúy Miêu đã góp sức vào rất nhiều bộ thiết kế áo dài danh tiếng. Hai trong những thiết kế đặc biệt nhất đó là phục trang của vở cải lương Chiếc áo thiên nga và Kim Vân Kiều do NSƯT Hoa Hạ đạo diễn.
Nói là đặc biệt vì các thiết kế này không chỉ đẹp ở kiểu dáng và chất liệu mà nó còn góp phần phục dựng lại trang phục của Việt Nam trong một thời kỳ tưởng đã đứt đoạn với hiện tại.
Công việc của một nhà thiết kế áo dài, trang phục dân tộc đã giúp chị nhận ra mình thuộc tuýp người theo chủ nghĩa dân tộc. Chị yêu quý và trân trọng tất cả các giá trị Việt Nam.
Thế nhưng, vào một ngày bình thường, Trác Thúy Miêu biến mất khỏi vòng tay Sỹ Hoàng. Cũng giống như nhiều năm trước, sự ra đi của chị khiến nhiều người bất ngờ đến ngơ ngác.
Rõ ràng đó là một sự nổi loạn. Thúy Miêu không thuộc về những chuẩn mực chung. Chị có một khung trời riêng của mình.
Cú sốc mang lại giá trị mới
Bỏ nghề thiết kế, Trác Thúy Miêu dấn thân vào nghề báo. Ai có thể tưởng tượng một cô gái chỉ học xong lớp 10 có thể trở thành một phóng viên. Thế nhưng Trác Thúy Miêu tin mình làm được. Khát khao ấy không hề viển vông mà nó đến từ năng lực tự học hỏi miệt mài và kiên trì.
Qua sách vở, qua quan sát và có thể cả gien di truyền, Thúy Miêu tích lũy một kiến thức và vốn từ ngữ vô cùng phong phú.
Mấy chục năm lăn lộn trong cuộc đời giúp cho chị tích lũy một vốn sống dày dặn. Đặc biệt, sự nhạy cảm của người phụ nữ giúp cho Thúy Miêu viết ra được những tản văn khiến người đọc phải lắng lòng.
Một lần nữa Trác Thúy Miêu làm rất tốt công việc mà chị không được đào tạo. Cái tên Trác Thúy Miêu dần được biết tới trong giới biên tập. Nó tạo cơ hội cho chị bước vào hàng ghế khán giả của cuộc thi Solo cùng bolero mùa thứ nhất.
Trác Thúy Miêu nhớ lại: "Lúc ngồi xem các thí sinh mùa đầu tiên thi tài, không hiểu vì sao trong tôi dào dạt cảm nghĩ tôi phải đứng trên sân khấu, trong vai trò người dẫn chương trình của cuộc thi. Và rồi ở mùa thứ hai, ước muốn đó thành sự thật".
Trác Thúy Miêu trải lòng rằng dù được sinh ra tại Sài Gòn vào năm 1975 nhưng chị cảm nhận được Sài gòn của muôn năm trước, mà âm nhạc bolero được xem như là máu thịt.
Chị đã dồn hết tất cả cảm xúc và kiến thức vào cách dẫn chuyện của mình trong "Solo cùng bolero" mùa thứ hai, tức là lần đầu tiên chị làm MC.
Lối dẫn chuyện với ngữ điệu Sài Gòn xưa và ngôn ngữ trau chuốt của chị khiến nhiều người phấn khích, tâm đắc nhưng cũng có rất nhiều khán giả ở tỉnh không cảm nhận được kiểu cách này. Họ phản đối chị gay gắt.
Dẫu trước đây Trác Thúy Miêu đủ mạnh mẽ vượt qua nhiều cuộc chiến công luận, nhưng lần này chị thực sự ngã quỵ. Bởi vì chị yêu bolero, yêu Sài Gòn vô bờ bến. Chị đã trút hết tâm huyết vào nó với khát khao góp phần làm cho nó đẹp hơn.
Ấy vậy mà niềm tin đẹp đẽ ấy đã không thành sự thật. Nhiều người không đồng cảm với chị. Chị rút vào cõi riêng của mình để ngẫm lại mọi thứ và gặm nhấm nỗi đau. Chị đã nghĩ rằng mình không còn cơ hội.
Thế nhưng cuộc đời không cay đắng đến mức đóng hết tất cả cánh cửa trước mặt chị. Vẫn còn có những người tin Thuý Miêu và chị đã trở lại mùa tiếp theo.
Trác Thuý Miêu điều chỉnh cách chuyển tải cảm xúc và thông điệp. Kể từ đó Trác Thúy Miêu trở thành một thương hiệu, một phong cách dẫn chương trình mang đặc thù riêng biệt.
Tình yêu không chuẩn mực
Nếu trong muôn mặt đời sống, Trác Thúy Miêu vượt khỏi khuôn mẫu, chuẩn mực thông thường thì trong tình yêu cũng thế.
Sau những mối tình đầu theo mô típ đàn ông lớn tuổi hơn phụ nữ, thì nhiều cuộc tình sau Thúy Miêu chỉ yêu những người đàn ông nhỏ tuổi hơn mình.
Người chồng hiện tại cũng trẻ hơn Thúy Miêu rất nhiều tuổi. Ai đó đã nghĩ rằng đó là một kiểu chạy theo xu hướng, chơi theo phong trào nhưng Trác Thúy Miêu nghĩ khác. Chị hiểu được cảm xúc của mình. Họ đã cho nhau những điều mà phía đối phương mong muốn.
Đó là thứ tình cảm có thử thách nhưng đến từ trái tim. Nó không phải chỉ đơn thuần dục tính mà còn là chỗ dựa vững chắc của hai tâm hồn đồng điệu.
Họ không có con chung nhưng cả hai không muộn phiền. Bởi vì thứ hạnh phúc mà họ đang có được rất hoàn hảo trong mắt họ. Họ không muốn bất cứ điều gì có thể chi phối hoạc làm niềm hạnh phúc ấy tan biến.
theo Trí Thức Trẻ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét