Vay hàng nghìn tỷ để đầu tư hàng nghìn con bò và ông Đoàn Nguyên Đức (Bầu Đức) từng tuyên bố bò chính là cứu cánh khi thị trường bất động sản đi xuống. Còn theo chiến lược mới của HAGL, đàn bò chỉ là “kép phụ” và chỉ duy trì để lấy phân hữu cơ cho vườn cây ăn trái.
Cuộc xoay vần chiến lược của ông Đoàn Nguyên Đức (Bầu Đức), Chủ tịch HĐQT Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) thường diễn ra rất nhanh. Nhiều người đã quen với những tuyên bố hùng hồn của bầu Đức sau mỗi lần thay đổi chiến lược. Từ việc ông bỏ bất động sản trồng cao su, bỏ cao su đi nuôi bò, mà mỗi lần thay đổi đều kèm những tuyên bố, hứa hẹn rất mạnh mẽ. Tuy nhiên, các kế hoạch này thực tế thường không thuận lợi.
Với đàn bò, từng là phao cứu sinh cho doanh thu của Hoàng Anh Gia Lai nay cũng đã đi đến đoạn cuối sứ mệnh của mình.
"Giờ mình chơi chăn bò luôn, miễn là có tiền”
Nhớ lại cách đây 3 năm, khi Bầu Đức tuyên bố đầu tư nuôi bò, đại gia phố núi này đã rất kỳ vọng vào nguồn thu khổng lồ từ lĩnh vực chăn nuôi này. Tháng 6.2014, HAGL chính thức nhảy vào lĩnh vực chăn nuôi, xây dựng chiến lược nuôi bò ở cả 3 nước, là Việt Nam, Lào và Campuchia.
Kế hoạch nuôi bò của Bầu Đức xuất phát từ lời tư vấn, gợi ý của các nhà đầu tư, chuyên gia nước ngoài khi đến thăm dự án của tập đoàn này.
Từng kỳ vọng nuôi đến 1 triệu con bò, nhưng lĩnh vực này chỉ còn là "kép phụ" trong chiến lược sắp tới của bầu Đức.
Theo các chuyên gia, thức ăn cho trâu bò chiếm tới 70% chi phí vốn, trong khi HAGL luôn có sẵn nguồn bã cọ dầu, mật rỉ từ nhà máy đường (chưa kể hàng trăm nghìn tấn hạt bắp, thân bắp phụ phẩm). Việc trồng cỏ phục vụ cho chăn nuôi cũng không là vấn đề, bởi các khu đất của HAGL đều gần các dòng sông, tưới tiêu thuận lợi.
Khi đó, Bầu Ðức cho biết đàn bò chủ yếu nhập từ Australia. Năm 2015, HAGL đã nhập về trên 120.000 con, trong đó tới 110.000 bò thịt, còn lại là bò sữa. Đến năm 2016, HAGL nâng tổng số đàn bò lên khoảng 250.000 con.
Hứng thú với chăn nuôi bò, thời điểm đó bầu Đức phát biểu trước cổ đông: “Ngày xưa ở làng, ông già tui hay bảo đứa nào học dốt tao cho đi chăn bò chết mẹ… Giờ mình “chơi” chăn bò luôn, miễn là có tiền”.
"Không có bò thì chúng tôi cũng... bò luôn"
Thực tế, bò đã là cứu cánh cho HAGL trong những năm khủng hoảng tài chính do chi phí đội lên quá cao. Khi các lĩnh vực khác bế tắc thanh khoản, nguồn thu từ chăn nuôi bò là động lực chính để thúc đẩy dòng tiền.
Trong kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2015 của HAGL với doanh thu đạt 5.347 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 1.680 tỷ đồng, có điểm đáng chú ý là trong quý III, doanh thu từ bán bò chiếm 63%. Doanh thu từ bò vượt qua mía đường, trở thành lĩnh vực đóng góp chính cho doanh nghiệp.
Bước sang năm 2016, giai đoạn mà cơn khủng hoảng tài chính của HAGL lên tới đỉnh điểm, với việc cầm cố hầu hết tài sản để trả nợ vay đến hạn, thì doanh thu từ đàn bò vẫn là bệ đỡ duy nhất, giúp đế chế của bầu Đức thoát khỏi cảnh sụp đổ.
Vai trò của đàn bò lớn đến mức khiến bầu Đức bày tỏ thẳng thắn: “Năm nay (2016), không có bò thì chúng tôi cũng… bò luôn”.
Năm 2016, riêng doanh thu từ bán bò đem về cho HAGL 3.537 tỷ đồng (55% tổng doanh thu), tương đương gần 10 tỷ đồng mỗi ngày. Mặc dù vậy, lợi nhuận gộp từ mảng này chỉ đóng góp 35% trong tổng lợi nhuận gộp, do giá vốn tăng tới 77%, lên gần 3.200 tỷ đồng.
Cũng năm 2016, doanh nghiệp của HAGL ghi nhận gần 1.700 tỷ đồng chi phí tài chính, với lãi vay 1.557 tỷ đồng, tăng 44,3% so với năm 2015, nhưng trong 2 năm này, doanh thu từ đàn bò lại giúp HAGL kiếm hơn 6.000 tỷ đồng.
Đàn bò từ 250.000 con bị giảm xuống 13.000 con
Thông điệp của Bầu Đức vừa đưa ra với cổ đông khẳng định năm 2018, HAGL dồn toàn lực cho lĩnh vực trái cây, vì đây là ngành tạo thanh khoản lớn và xoay vòng vốn rất nhanh. Chủ tịch HAGL tuyên bố cắt giảm quy mô đàn bò gần 250.000 con xuống còn 13.000 con.
Theo đánh giá của bầu Đức, đàn bò hiện chỉ cần thiết để hợp thành chuỗi nông nghiệp khép kín, nhờ lượng phân hữu cơ cho vườn cây ăn trái.
Từng có những tuyên bô hùng hồn khi đầu tư chăn nuôi bò, đến nay bầu Đức lại khẳng định chỉ duy trì đàn bò với số lượng hạn chế để có nguồn phân hữu cơ cho đầu tư trái cây.
Như vậy, từ một lĩnh vực kỳ vọng lớn, đến nay đàn bò chỉ còn là "kép phụ" cho chiến lược sắp tới.
Nguyên nhân khiến Bầu Đức quyết giảm mạnh đầu tư chăn nuôi bò do biên lợi nhuận từ lĩnh vực này giảm nhanh. Chỉ sau 1 năm đầu tư, đến quý II.2016, biên lợi nhuận từ bán bò đã giảm mạnh, từ 38% tụt xuống chỉ còn 8%, và sang quý I.2017 lỗ 1%.
Kỳ vọng liên kết cùng các đơn vị khác, trong đó có Vissan để cung ứng thịt bò giá rẻ ra thị trường cũng đã không thực hiện được. Dự án bắt tay với Vissan thậm chí đổ bể chỉ một thời gian ký kết.
Chỉ bùng lên chóng vánh trong 2 năm (2015-2016), đàn bò đến nay có lẽ đã hoàn thành sứ mệnh trong chiến lược đầu tư của bầu Đức. Từ số lượng 250.000 con (kỳ vọng nuôi đến 1 triệu con) đến nay với lý do thiếu vốn lưu động cho chăn nuôi, HAGL đã cắt giảm quy mô xuống còn 13.000 con.
Thậm chí lĩnh vực này không còn được kỳ vọng đóng góp doanh thu, mà trở thành mảng hỗ trợ cho vườn cây ăn trái.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét