Gần 7 năm sau khi chia tay, MC Thảo Vân và chồng cũ – nghệ sĩ Công Lý vẫn giữ được mối quan hệ bạn bè vui vẻ và cái nhìn tốt đẹp về nhau.
Ngỡ ngàng về sự đĩnh đạc của con…
Con trai của Thảo Vân và Công Lý xuất hiện trong chương trình Cháu ơi, cháu à với hình ảnh vui vẻ, tự tin và vô cùng chững chạc...- PV: Trước giờ chị vốn không phải người thích “khoe” con, dù cả chị và chồng cũ – nghệ sĩ Công Lý đều là người nổi tiếng. Vì thế mà việc chị để bé Tít tham gia chương trình truyền hình thực tế “Cháu ơi, cháu à” được xem là một bất ngờ. Điều gì khiến chị đồng ý để Tít xuất hiện trên sóng truyền hình thế?
- MC Thảo Vân: Thật ra lúc đầu tôi không định để Tít tham gia chương trình này đâu bởi mình làm về truyền hình cũng lâu rồi, hiểu rõ việc quá trình tham gia sẽ vất vả thế nào. Hơn nữa, cả tôi và anh Công Lý đều hoạt động trong lĩnh vực này, giờ mà thêm Tít nữa thì mệt mỏi lắm (cười). Nhưng bởi những người thực hiện chương trình này là ở hãng phim truyền hình nơi tôi vẫn cộng tác từ xưa đến nay, anh em biết nhau cả và tôi rất nể các bạn ấy. Hơn nữa tôi thấy chương trình này là cơ hội rất hay để Tít gắn bó với ông hoặc bà nội, vả lại thời gian quay cũng không nhiều, không ảnh hưởng đến việc học của con nên tôi mới đồng ý để Tít tham gia trên tinh thần đi chơi với ông cho vui.
- Khi chị nói với Tít về điều này, Tít có hào hứng không?
- Không, lúc đầu Tít hoàn toàn không thích đâu. Từ xưa tới nay, Tít đã không thích tham gia các chương trình truyền hình. Trước kia, nhiều lần tôi ươm ướm thử nói với Tít về việc này, nhưng bạn ấy không quan tâm. Năm nay Tít 12 tuổi, đang bắt đầu bước vào tuổi mới lớn, nên lần này nói với Tít về việc tham gia “Cháu ơi, cháu à”, bạn ấy còn có ý kiến tỏ vẻ trách móc “mẹ nhận lời mà chẳng hỏi ý kiến con gì cả”. Tôi phải giải thích luôn là tôi chưa nhận lời, mà mới chỉ nói chuyện với các cô chú trong êkip sản xuất chương trình, nếu Tít không đồng ý thì tôi sẽ nói mọi người dừng lại.
- Vậy làm thế nào mà chị thuyết phục được cậu bé từ chỗ không thích đến nhận lời tham gia chương trình này?
- Tôi nói với Tít rằng nếu bạn ấy có thể tham gia được thì tốt hơn vì điều quan trọng nhất là đi vì ông nội. Từ trải nghiệm bản thân mình, tôi kể với Tít rằng ngày tôi bé như bạn ấy, thậm chí lớn hơn rất nhiều vẫn thấy những chuyện liên quan đến ông bà mình rất bình thường. Sau này tôi mới hiểu ra rằng càng lớn thì thời gian mình được ở với ông bà càng ít và thấy rất tiếc. Vì vậy nếu Tít cùng ông nội tham gia chương trình thì chuyến đi đó sau này sẽ là những kỷ niệm vô cùng đáng quý. Tít nghe thế thì hiểu ra và nhận lời.
- Thế còn bố Tít – nghệ sĩ Công Lý thì sao, ngay từ đầu anh ấy cũng đồng thuận với việc để con trai xuất hiện trên màn ảnh nhỏ chứ?
- Thật ra ở các bạn ở hãng phim truyền hình còn quen anh Lý nhiều hơn tôi, nên các bạn ấy trao đổi với anh Lý về việc mời Tít tham gia chương trình này trước cả tôi cơ (cười). Vì toàn anh em bạn bè nên anh ấy cũng vui vẻ thoải mái. Lúc mới đầu anh ấy còn gọi cho tôi bảo: “Mọi người bảo Tít tham gia chương trình ấy, chẳng biết thế nào”. Tôi nghe buồn cười quá mới hỏi anh ấy “thế nào là thế nào”. Nói chung sau khi tìm hiểu thì cả tôi và anh Lý đều đồng thuận để Tít tham gia chương trình này.
- Theo dõi cuộc hành trình của Tít và ông nội trong Cháu ơi, cháu à, nhiều người khá ngạc nhiên về sự bạo dạn của cậu bé, có thể vì bố mẹ đều là người nổi tiếng nên Tít tỏ ra rất đĩnh đạc và chững chạc khi đứng trước máy quay. Chị có nghĩ thế không?
- Bản thân tôi xem cũng thấy ngạc nhiên chứ không riêng gì khán giả đâu. Nói gì thì nói, khi ở nhà với mẹ, Tít vẫn là một cậu bé con, nhưng những gì mà Tít thể hiện trong chương trình lại hoàn toàn khác, người lớn hơn sự tưởng tượng của tôi rất nhiều. Thực sự trước đó tôi không nghĩ bạn ấy người lớn thế đâu.
- Trong chương trình, có những câu hỏi Tít dành cho ông nội và bố khiến mọi người rất xúc động. “Khi bố mẹ cháu chia tay, ông có thương mẹ cháu không?” hay “Vì sao bố lại yêu mẹ”... có lẽ là những câu hỏi mà bình thường chưa chắc người lớn đã dám hỏi nhau. Chị nghĩ sao khi Tít đưa ra những câu hỏi khó ấy?
- Đúng. Xem Tít hỏi ông nội và bố, tôi cũng thấy ngỡ ngàng và ngạc nhiên. Tít là một cậu bé tinh ý, tinh tế và rất nhạy cảm. Tôi ở bên cạnh Tít từ bé tới giờ tôi biết, Tít rất tế nhị, không bao giờ nói chuyện, thắc mắc hay kể lể này kia với ai bao giờ.
- Cậu bé có bao giờ hỏi mẹ những câu hỏi kiểu như vậy bao giờ không?
- Không. Tít không hỏi tôi những câu như thế nhưng hỏi kiểu khác. Thật ra chuyện giữa tôi và bố Tít chưa bao giờ là câu chuyện hai mẹ con nói với nhau lâu và nghiêm túc cả. Thỉnh thoảng Tít có hỏi tôi một hai câu liên quan đến bố mẹ, ít thôi chứ không nhiều, ví dụ vì sao bố mẹ lại chia tay. Sau khi nghe tôi giải thích xong là cậu bé thôi không bao giờ hỏi lại và hỏi kỹ thêm.
- Vậy khi cậu bé hỏi “vì sao bố mẹ chia tay”, chị trả lời thế nào?
- Tôi nói với Tít là có những thứ bạn ấy phải lớn hơn mới hiểu được. Tôi cũng nói rằng khi hai người chung sống thì có rất nhiều thứ phải phù hợp với nhau. Tôi và bố Tít nhận thấy cả hai có những điểm ở với nhau không tốt và không vui, nên chọn cách chia tách ra để mỗi người có thêm hạnh phúc của mình, có cuộc sống vui vẻ nhẹ nhàng hơn. “Đấy là cách người lớn hay lựa chọn, sau này lớn lên con sẽ hiểu”, tôi tạm thời giải thích thế và cậu bé bằng lòng với câu trả lời đó của mẹ nên không thắc mắc gì thêm.
Chủ động dẫn dắt mối quan hệ “hậu” hôn nhân…
- Những đứa trẻ sống trong gia đình thiếu hụt bố hoặc mẹ thường hay nhìn mọi thứ theo hướng tiêu cực, nhưng Tít lại là cậu bé có cách nghĩ rất tích cực. Không thể phủ nhận chị có vai trò rất quan trọng trong việc hình thành lối nghĩ ấy trong cậu bé?.
- Đó là cả một quá trình mình phải xây dựng cho con. Tôi nghĩ bất cứ ông bố, bà mẹ nào không may mắn rơi vào cảnh chia tay nhau đều cần phải có tinh thần xây dựng cho con lộ trình để chúng dần tiếp nhận thực tế thiếu hụt, vắng mặt của một trong hai người. Từ bản thân mình, tôi nghiệm ra con cái có thái độ với người vắng mặt thế nào hoàn toàn phụ thuộc vào người đang sống trực tiếp với chúng. Nếu người sống cùng không thực sự có ý định vun vén xây dựng cho con một mối quan hệ tốt với người kia thì hỏng. Không chỉ là hỏng về mối quan hệ của con mình với người kia, mà còn là sự lệch lạc về tâm hồn và thui chột về tình cảm rất nhân văn trong cuộc đời của con mình.
- Nhưng nói thì dễ chứ để dẹp bỏ được cái tôi cá nhân của mình, hướng cho con có được mối quan hệ tốt đẹp ấy, hẳn phải là một cuộc đấu tranh tâm lý rất dữ dội. Chị có phải trải qua cuộc tranh đấu dữ dội ấy không?
- Không dễ nhưng cũng không phải khó đến mức không làm được. Tôi nghĩ đó đúng là cuộc đấu tranh rất dữ dội để dẹp bỏ cái tôi của mình. Nói thật là cũng phải dẹp tự ái lắm đấy (cười). Thật ra đã chia tay nhau thì phải có lý do rồi, nhưng đó là chuyện giữa hai người lớn, còn con trẻ không có lỗi và đó vẫn là con chung của cả hai. Không thể phủ nhận rằng bố nó đã góp phần tạo ra nó và đó là huyết thống của bố nó. Chẳng có cớ gì mà tự dưng chúng ta lại đi làm vẩn đục hay làm cho mối quan hệ đó trở nên méo mó cả. Nói thật, nếu ai làm vậy thì có thể người sướng trong một tích tắc nào đó là mình, nhưng tích tắc đó qua nhanh lắm, sau này chính đứa con mới là người đau khổ nhất. Con trẻ không đáng phải nhận điều ấy vì người lớn sai chứ chúng có sai đâu.
- Hỏi thật, sau khi bước ra khỏi cuộc hôn nhân, chị và anh Công Lý có dễ dàng nói chuyện với nhau không?
- Anh Lý là người không thích bộc lộ ra bên ngoài nhiều, lại hay ngại nhiều thứ. Tuy là diễn viên thật nhưng ở ngoài anh ấy ít nói lắm. Thế nên trong mối quan hệ “hậu” hôn nhân giữa tôi và anh ấy, phần lớn tôi là người chủ động dẫn dắt nhiều hơn chứ đợi anh ấy chắc là khó (cười). Tôi hiểu tính anh ấy nên chủ động chứ nếu ngại hay tự ái, khép mình lại thì có lẽ hai người còn lâu mới mở được cánh cửa đến với một mối quan hệ tử tế với nhau. Tất nhiên sự chủ động ấy ngoài việc phải vượt qua được sự tự ái còn là cả cái tôi rất lớn nữa, nhưng tôi nghĩ ai chủ động không quan trọng, mà quan trọng là kết quả của việc đấy thế nào. Tôi chủ động vậy nên dần dà, anh ấy cũng cởi mở hơn.
- Chị có nhớ “mối hàn” đầu tiên cho mối quan hệ “hậu” hôn nhân của hai người thế nào không?
Thật ra câu chuyện cũng qua lâu rồi, đến năm nay cũng là năm thứ 7 chúng tôi chia tay nhau rồi, nên tôi cũng muốn để chuyện đó yên đi. Với lại thật tình tôi cũng không nhớ, chỉ nhớ là mình chưa bao giờ có thái độ hằn học hay gì đó với anh Lý để gây khó dễ cho mối quan hệ của cả hai sau đó cả. Có việc gì tôi vẫn chủ động trao đổi bình thường với anh ấy.
Khoảnh khắc Thảo Vân và Công Lý vui vẻ bên cậu con trai dù cả hai đã “đường ai nấy đi”- Trở lại với cuộc sống hiện giờ của chị và Tít, tôi nghĩ chị là người phụ nữ thông minh biết làm thế nào để mình hạnh phúc?
- Tôi nghĩ đến tuổi này rồi, nếu không biết cách chấp nhận những cái cuộc đời mình đang trải qua thì thật sự là quá phí. Ai cũng chỉ có một cuộc đời, có nhìn nó hằn học hay tử tế thì nó vẫn như thế, mà người khổ nhất hay sướng nhất vẫn là mình.
Tôi cho rằng một con người bất lương nhất, sâu trong họ vẫn có gì đó tử tế cơ mà. Thế nên vấn đề quan trọng nhất là chúng ta tiếp nhận mọi việc bằng thái độ tử tế. Tôi quan niệm đón nhận những thứ đến với mình bằng thái độ tử tế và khi làm được như vậy, tôi cảm thấy mình nhận được rất nhiều, thấy mọi thứ nhẹ nhàng hơn, đỡ mệt và đỡ khổ.
Tất nhiên là con người, ai cũng có nỗi buồn, nỗi khổ riêng, nhưng cứ đơn giản mọi thứ, dễ dàng chấp nhận mọi việc (dễ dàng chứ không dễ dãi nhé – cười) thì sẽ được rất nhiều.
- Chị có thấy mình được nhiều không?
- Đến lúc này tôi thấy trong những mất mát mình gặp phải thì mình vẫn được nhiều hơn. Nếu bây giờ bảo mình thực sự mãn nguyện với cuộc sống của mình chưa, thì đương nhiên là không. Tôi vẫn muốn có một gia đình đàng hoàng đầy đủ để con mình sung sướng, còn mình cũng có một người gọi là đồng hành. Nhưng khi chưa thể có được điều ấy thì những thứ mình đang có cũng xứng đáng để mình cảm thấy khá hài lòng với cuộc sống.
- Người ta vẫn nói “chim gãy sợ cành cong”, nỗi e ngại về cuộc sống gia đình của người phụ nữ từng đi qua đổ vỡ chắc hẳn lớn hơn nhiều so với những người phụ nữ khác. Chị thì sao?
- Tôi nghĩ cuộc sống hôn nhân cũng phần nào do duyên số. Không mê tín, nhưng tôi tin chắc có sự sắp đặt nào đó thì người này mới gặp người kia, hoặc đến lúc nào đó mình mới gặp được người nào đó trong cuộc đời chẳng hạn. Xác định thế nên tôi rất thoải mái, không cuống quýt cũng chẳng chờ đợi gì.
Nói thật, khi người sau đến thì chúng ta có rút kinh nghiệm 100 lần từ cuộc hôn nhân trước cũng không làm cho cuộc hôn nhân sau tốt lên, nếu như không có sự xây dựng từ cả hai phía. Tôi không nghĩ sẽ lấy những gì đã trải qua từ lần đổ vỡ trước để áp lên cách nhìn với người sau này. Kinh nghiệm thì chỉ có thể áp dụng cho bản thân chứ làm sao áp dụng cho người khác được (cười).
Mong con trở thành người đàn ông tử tế…
- Vậy còn với chàng trai 12 tuổi đang trong vòng bao bọc của mình, chị mong muốn sau này cậu bé sẽ trở thành người đàn ông như thế nào?
Tôi muốn Tít là một người tử tế, có trái tim nhân hậu, độ lượng và vị tha. Tôi thích một người đàn ông như thế, nên mong Tít sau này lớn lên sẽ như thế. Bên cạnh đó, tôi mong Tít là người sống có trách nhiệm và không ích kỷ.
Thật ra mọi thứ tệ trong cuộc sống đều xuất phát từ sự vô trách nhiệm của mỗi người mà ra. Nếu không ích kỷ thì sẽ tìm được cách sống sao cho tốt nhất cho mình và mọi người. Có mấy tính cách đó thì rất ổn.
- Vậy thì chị phần nào có thể yên tâm rồi, bởi những gì Tít thể hiện ở “Cháu ơi, cháu à” còn cho thấy cậu bé sống rất tình cảm và biết quan tâm đến mọi người nữa…
- Đúng vậy. Tít là cậu bé có tính cách nhân hậu và rất biết quan tâm đến người khác. Không chỉ người thân đâu mà đi ngoài đường, nhìn thấy người ăn xin nào Tít cũng sẵn lòng biếu họ tiền.
Kể cả sang nước ngoài nhìn thấy những người đàn hát ngoài đường kiếm tiền mà Tít đi ngang qua thì kiểu gì cũng quay sang bảo mẹ cho họ tiền. Từ bé đi đường nhìn thấy người già ngồi ăn xin, Tít đã nói với tôi rằng: “Mẹ ơi trông ông ấy khổ nhỉ, ông ấy như thế liệu có nhà không?”.
- Tít có bao giờ nhìn thấy mẹ khóc không và cậu bé phản ứng thế nào?
- Có chứ. Tít như tôi nói là một cậu bé rất tinh ý. Ví dụ đi đâu về mà thấy mẹ khóc, không bao giờ Tít quay sang hỏi ngay mà lặng lẽ trèo lên giường nằm im bên cạnh, thỉnh thoảng quay sang nhìn mẹ. Đến khi tôi quay sang ôm thì Tít mới ôm lại mẹ ra ý vỗ về chia sẻ, có điều sau đó cũng không bao giờ gạn hỏi mẹ lý do.
Nhưng khi hai mẹ con xem phim, Tít biết tính tôi hay xúc động, cậu bé đoán được đến đoạn phim này thế nào mẹ cũng khóc rồi quay sang len lén nhìn và y như rằng thấy mẹ đang nước mắt ngắn dài.
Những lúc như thế, Tít vỗ vỗ vào người mẹ, ra điều “con biết tại sao mẹ khóc rồi”, qua đoạn phim đó thì mới bảo “đoạn ấy thương nhỉ mẹ nhỉ”. Tóm lại, nếu biết mẹ khóc vì chuyện cá nhân thì Tít không bao giờ hỏi, chỉ khi biết mẹ khóc vì tác động bên ngoài như xem phim thì Tít mới nói thôi (cười).
- Ngược lại, Tít có phải cậu bé mau nước mắt không?
- Ơn trời là từ bé Tít rất ít khóc, không mè nheo và hờn bao giờ. Hồi 3 tuổi, con bị ngã dập cả cằm vào kính đau lắm, nhưng chỉ khóc 2 tiếng òa lên xong thôi. Trong bất cứ chuyện gì cũng vậy, Tít không hay khóc. Sau này lớn lên, Tít chỉ lặng lẽ rơi nước mắt khi cảm thấy tủi thân hay bị oan ức, ví dụ như bị mẹ mắng oan (cười).
- Nếu Tít có duyên đi theo con đường của bố mẹ và trở thành người nổi tiếng thì sao?
- Tôi chấp nhận mọi thứ đến với mình một cách an nhiên. Nếu Tít có năng khiếu và đam mê thì kệ con. Chúng cũng có những cái gọi là quyền của chúng. Mình chỉ có thể đưa ra lời khuyên cho con, chứ không nên áp đặt hay can thiệp sâu. Vì thế nên nếu điều đó xảy ra, tôi cũng sẽ ủng hộ con.
Xin cảm ơn những chia sẻ chân thành của chị!
new action movies 2016 - new horror movies 2016 - new sci fi movies 2016 - new comedy movies 2016 - new martial arts movies - new drama movies - new adventure movies - new romance movies 2016
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét